Những khó khăn của trường chuyên biệt

Mặc dù trong dự án trợ giúp người tàn tật, UBND TP.HCM yêu cầu mỗi quận, huyện phải xây dựng ít nhất 1 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, nhưng đến nay vẫn còn 6 quận, huyện chưa có trường dành riêng cho những học sinh này.

Vừa dạy, vừa... tắm cho học trò

Hằng ngày, cứ 6 giờ sáng là cô Trần Thị Thái - giáo viên trường chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã có mặt ở trường để chuẩn bị đồ dùng học tập cho 12 học trò của mình. Khi học trò đến lớp, không chỉ dạy kiến thức, cô còn phải luôn tay luôn chân lo đủ mọi chuyện cho các em, từ giải quyết mâu thuẫn, hờn giận đến việc vệ sinh cá nhân cho từng học trò.

Trong lớp học câm điếc của cô Nguyễn Thị Vân Nương - trường chuyên biệt 15/5 (Q.11), chỉ có những khuôn mặt biểu thị bằng việc nhướn mi, đôi khi là những nụ cười ngu ngơ khiến cô phải sử dụng những trò chơi của trẻ con, thực hiện những động tác của trẻ con để có thể hòa đồng với các em...

Cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng trường chuyên biệt Bình Minh, chia sẻ: “Với những cô giáo lớn tuổi đã nhiều năm trong nghề còn đỡ, chứ những cô giáo trẻ mới vào nghề kể ra thì tội lắm. Khác với học sinh phổ thông, tuổi học sinh khuyết tật, thiểu năng tính theo tuổi trí tuệ nên có cô giáo ngoài 20 tuổi dạy học sinh 18 tuổi, có khi phải tắm rửa, thay đồ cho các em... Vì vậy, mỗi khi có giáo sinh đến nộp hồ sơ tôi đều cho các em thời gian suy nghĩ cho kỹ, nếu thấy đủ sự kiên nhẫn thì quay lại. Thế nhưng có cô đủ tự tin đến trường thì lại vấp phải sự ngăn cản của gia đình, chẳng hạn như cha mẹ chồng sắp cưới sợ ảnh hưởng đến cháu nội sau này...”.

“Những vất vả của giáo viên trường chuyên biệt không sao kể hết, vậy mà vẫn còn một số địa phương không chú trọng, không quan tâm đến ngành học này từ chuyện trường lớp cho đến thu nhập của giáo viên…”

Phạm Thị Tiết Hạnh, Phó ban chỉ đạo Giáo dục khuyết tật Sở GD-ĐT TP.HCM

Quả đúng như vậy, có đến trường chuyên biệt mới hiểu được những khó khăn mà các cô phải trải qua. Từ việc chăm sóc trẻ cho đến phải tự lo giáo án vì giáo dục khuyết tật chưa có chương trình riêng nên “thanh tra có xuống dự giờ cũng chẳng biết đánh giá như thế nào, đành đứng ngoài cửa lớp quan sát mà thôi”, giáo viên một trường khuyết tật kể. Nếu bên phổ thông có thể dạy đại trà, soạn một giáo án cho cả lớp thì bên giáo dục khuyết tật có khi mỗi học sinh một giáo án vì mỗi em có một trình độ, tâm lý và mức độ bệnh tật khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh khuyết tật cực kỳ nhạy cảm, rất dễ bất hợp tác với giáo viên còn cha mẹ các em thì mặc cảm, do vậy đòi hỏi giáo viên phải gần gũi các em và phụ huynh để tìm hiểu tâm sinh lý học sinh...

Tự bươn chải là chính

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có 5.219 học sinh khuyết tật trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên mới có 3.001 học sinh được đi học. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài 6 quận, huyện chưa có trường chuyên biệt (gồm Q.7, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Thạnh, Hóc Môn), đa số các quận, huyện còn lại có trường nhưng còn tạm bợ. Chẳng hạn như trường chuyên biệt Q.12 ở trong khu gia binh cũ, xuống cấp trầm trọng; trường Hy Vọng Q.8 thì quận dành đất xây trường nhưng lại ở khu úng ngập, đến học sinh khỏe mạnh đi học còn khó huống hồ học sinh khuyết tật... Ở ngành học này, có lẽ được nhắc đến nhiều nhất và được coi như điển hình là trường chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú), Thảo Điền (Q.2), chuyên biệt Q.10...

Được xây dựng từ năm 2001 với đội ngũ giáo viên không đủ chuẩn nhưng trường chuyên biệt Bình Minh đã mạnh dạn xin ngân sách của quận để đưa giáo viên đi đào tạo, nâng cao chất lượng. Hiện nay trường chỉ có khả năng nuôi dạy 140 học sinh trong khi nhu cầu gửi trẻ vào trường hằng năm đều gấp 2- 3 lần. Bà Hoàng Thị Hồng Hải - Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết: “Sắp tới trường sẽ khởi công xây dựng phân hiệu 2 với kinh phí gần 7 tỉ đồng, trong đó có 3 tỉ là do một tổ chức từ thiện của nước ngoài tài trợ để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh”.

Thu nhập của giáo viên dạy trẻ khuyết tật cũng là chuyện đáng nói. Chẳng hạn như cô Nguyễn Thị Vân Nương - trường chuyên biệt 15/5, có đến 30 năm trong nghề mà thu nhập hằng tháng mới được gần 3 triệu đồng (trong đó đã có 70% phụ cấp ưu đãi). Còn giáo sinh mới vào nghề thì chỉ nhận lương theo hệ số, tức là khoảng 1 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể phải mất vài năm tập sự mà chỉ nhận 75% lương. “Ngoài ra chẳng còn khoản thu nhập nào khác, có muốn làm gia sư cũng khó vì chẳng ai muốn thuê giáo viên của trường khuyết tật cả”, cô Nương chia sẻ. Có trường để tạo thu nhập thêm cho giáo viên đã nhận nuôi trẻ bán trú với phí bán trú là 30 ngàn đồng/tháng rồi mỗi dịp lễ tết, hiệu trưởng đi vận động từ thiện ở các chùa hoặc từ các mạnh thường quân bánh kẹo, gạo... về chia cho giáo viên của mình. Vậy nhưng khi đã quen với nếp ở trường thì chẳng mấy cô muốn rời xa học sinh, cô nào cũng đau đáu lo làm sao đến 18 tuổi các em có được kiến thức hoặc có một nghề trong tay để có thể hòa nhập với xã hội.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-kho-khan-cua-truong-chuyen-biet-467533.html