Những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống tội phạm buôn bán người

Những năm gần đây, tội phạm mua bán người diễn biến tương đối phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều vụ mua bán người thông qua di cư trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Mặc dù các đơn vị chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng có một thực tế phải thừa nhận đó là có rất ít nạn nhân được giải cứu tại Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, điều tra.

Việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận của đối tượng, chính vì vậy rất khó chứng minh hành vi phạm tội nếu đối tượng không thừa nhận. Mặt khác, thời gian bị hại về Việt Nam thường vài tháng đến vài năm do vậy chứng cứ vật chất, nhân chứng không xác định được, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Nạn nhân của tình trạng buôn bán người thường phải chịu những hậu quả tinh thần rất nặng nề.

Bên cạnh đó, đối với những vụ án mua bán người có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện, đồng nghĩa với việc đối tượng phạm tội không được xử lý. Đây là điều bất cập rất lớn, dẫn đến án kéo dài, án đình chỉ và làm cho người dân, dư luận hoài nghi có tiêu cực.

Đơn cử như vào ngày 22/6/2018, Công an Thành phố Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm đối tượng mua bán người sang Trung Quốc bắt giữ đối tượng Lữ Văn Thành (Sinh năm: 1993; HKTT: xã Tà Cạ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An) về hành vi mua bán người, giải cứu được 02 nạn nhân là: Moong Thị Lam (Sinh năm:1999) và Lò Thị May (Sinh năm: 2001) đều trú tại: Bản Kẻo Cơn, xã Kèng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Quá trình điều tra ban đầu đối tượng khai nhận đã lừa gạt bằng cách hứa xin việc làm cho 2 nạn nhân tại Đà Lạt rồi đưa nạn nhân lên xe khách đi từ Nghệ An ra Bến xe nước ngầm, thành phốHà Nội để đưa đi thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, sau đó bán sang Trung Quốc kiếm lời.

Vụ án đã được phá, tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng từ cơ quan điều tra, sẽ rất khó để khẳng định trong hàng vạn người tại các bến xe ngày hôm đó, ai là nạn nhân của tình trạng buôn bán người.

Trên thực tế, công tác phòng chống tội phạm buôn bán người cũng đối mặt nhiều thách thức do việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan Công an do vậy đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt.

Thực tế, có những vụ án khi nạn nhân bị lừa đưa sang đến bên kia biên giới, bị ép làm gái bán dâm hoặc làm vợ người khác thì mới biết mình bị lừa bán. Do ngôn ngữ bất đồng, không biết địa chỉ nên công tác giải cứu cũng như quá trình thu thập tài liệu rất khó khăn. Do đó có một vấn đề cần phải thừa nhận đó là có rất ít vụ việc nạn nhân được giải cứu tại Việt Nam.

Tuấn Trần

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-kho-khan-vuong-mac-trong-phong-chong-toi-pham-buon-ban-nguoi-82174.html