Những 'kho' súng, đạn thần công dưới đáy biển

Các ngư dân làm nghề lặn gần bờ ở cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu mò tìm gần cửa biển thì vẫn thấy rất nhiều đạn dùng cho súng thần công của triều đình nhà Nguyễn, trông bên ngoài còn tương đối nguyên vẹn. Cửa biển này xưa kia từng có lực lượng trấn thủ bờ biển để chống cướp, tổ chức tuần tra và kiểm tra, thu thuế thuyền bè.

Khẩu súng thần công vẫn còn gần như nguyên vẹn sau 185 năm. Ảnh: Văn Chương

Khẩu súng thần công vẫn còn gần như nguyên vẹn sau 185 năm. Ảnh: Văn Chương

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi còn lưu giữ số lượng lớn những viên đạn súng thần công loại nhỏ, do ngư dân vớt được dưới biển. Sau vài trăm năm, bề ngoài những viên đạn này dính đầy sò ốc, rong rêu, nhưng bên trong những viên đạn này vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Cha đẻ của súng thần công là Hồ Nguyên Trừng (con trai của Hồ Quý Ly). Sử sách Trung Quốc từng ghi lại rằng: “Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã thu được súng thần, được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng thần công dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, bay xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến...”.

Năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chọn tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên để tổ chức Hội thảo quốc tế về khảo cổ học dưới nước. Vùng biển Quảng Ngãi chứa “kho” cổ vật bí ẩn. Hội thảo được tổ chức sau sự kiện phát hiện chiếc tàu cổ dài 25m, rộng 8m, chở đầy gồm sứ và “ngủ yên” 700 năm dưới đáy biển ở xã Bình Châu. Con tàu này khi được khai quật còn nguyên phần đáy và lườn. Từ thế kỷ XIII đã có con tàu dài 25m là điều đáng kinh ngạc. Vì hiện nay, phần lớn tàu đánh cá vỏ gỗ của ngư dân mới chỉ dài 19-21m.

Hàng loạt chiếc tàu được khai quật sau đó, trên tàu đều không chở theo súng thần công. Nhưng theo ngư dân đi biển ở khu vực này, khi lặn xuống gành đá họ vẫn thường xuyên vớt được súng và đạn thần công. Vào năm 2013, các ngư dân ở thôn Định Tân, xã Bình Châu đã vớt được 5 tấn đạn, đây là vụ phát hiện đạn súng thần công lớn nhất. Đạn có đường kính từ 10-12cm, trọng lượng từ 8-10kg. Số đạn này do 2 ngư dân Võ Tâm và Võ Tiến trục vớt được ở gành san hô và chưa biết bán cho ai nên cất giữ lưu niệm.

Đối chiếu các vị trí vớt được súng và đạn thần công ở Quảng Ngãi, dựa vào tài liệu bảo vệ luận án Tiến sĩ và được in thành sách của Tiến sĩ Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) có tiêu đề “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn, giai đoạn 1802-1885”, có thể nhận định: Vũ khí thủy quân của triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng đã đúc 2.468 cỗ súng thần công; bao gồm súng: Quá sơn, xung tiêu, tướng quân, hồng y. Mỗi thuyền tuần tiễu trên biển mang theo 50 đạn lan can và 50 hòm đạn nhồi gang.

Về bố trí quân số, ở các tỉnh thì tùy theo vị trí mà biên chế. Tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa biên chế 1 vệ, mỗi vệ tương đương 500 lính, riêng tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Thuận biên chế 2 vệ, tàu tuần tra, vãng thám kết hợp vận tải đều được trang bị súng thần công để phòng thủ. Tỉnh Quảng Ngãi được triều đình nhà Nguyễn đặt các tấn (thành phòng thủ) Thái Cần, Sa Kỳ, Mỹ Ý, Sa Huỳnh và Lý Sơn.

Trong số các tấn này thì tấn ở cửa biển Sa Kỳ và cửa Đại Cổ Lũy là quy mô hơn cả, có sắp đặt quan Thủ ngự, Hiệp thủ, Phụ lũy. Đảo Lý Sơn có vị trí quan trọng nên triều đình cắt cử quan Bang tá từ Huế ra đảo giữ vai trò như một viên quan toàn quyền. Quan Bang tá giám sát tất cả mọi việc trong làng, xã trên đảo và trực tiếp ra lệnh thi hành các hình phạt đánh roi đối với người vi phạm.

Hầu hết ở các tấn canh gác tại cửa biển của triều đình nhà Nguyễn đều phát hiện ra súng thần công. Tại cửa biển Sa Huỳnh từng là tấn Sa Huỳnh cũng phát hiện khẩu súng thần công có chiều dài 117cm, đường kính lớn nhất của đế súng 37cm, chu vi đế súng 85cm, đường kính đầu nòng súng 13cm, đường kính nòng súng 10cm, trọng lượng súng 200kg. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khẩu súng có khả năng xuất xứ từ Bồ Đào Nha, niên đại ở thế kỷ XVII và thường gắn trên các chiến thuyền.

Tại vùng biển An Cường, cách tấn Thái Cần khoảng 30km về phía Nam, năm 2013, ngư dân cũng phát hiện được khẩu súng thần công còn khá mới, chiều dài 70cm, miệng nòng 6cm, đế súng 15cm, trọng lượng 35kg, chất liệu bằng đồng. Ông Lâm Dũ Xênh, nhà nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn cổ vật, hội viên Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam cho biết, những chữ khắc trên súng ghi rõ Minh Mạng thập ngũ niên thù, tức năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Ông Xênh nhận xét, “súng thần công này rất quý, trên súng có khắc chữ ghi rõ nguồn gốc, năm sản xuất”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-kho-sung-dan-than-cong-duoi-day-bien/