Việt Nam cần làm gì để có thương hiệu cà phê đặc sản?

Theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cần có định nghĩa chính thống về cà phê đặc sản, có phân biệt cà phê đặc sản với cà phê hữu cơ và phát triển cà phê đặc sản phải gắn với thị trường.

Hôm nay (9/12), tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam được triển khai từ năm 2019 thí điểm tại 8 tỉnh là Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung vào 2 giống chính là cà phê vối và cà phê chè. Đề án nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, sau 1 năm thực hiện điều tra tại các tỉnh thí điểm, kết quả cho thấy, khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía bắc có nhiều yếu tố phù hợp để phát triển sản xuất cà phê đặc sản.

“Trong các mẫu do Viện thu thập và tiến hành phân tích ở vùng Tây Nguyên, cả 5 tỉnh đều có các mẫu đạt tiêu chuẩn về chất lượng cà phê đặc sản. Các tỉnh khác nếu đẩy thêm các điều kiện đi kèm như công tác giống, đầu tư và đưa các giải pháp tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu hái sẽ đạt chất lượng cà phê đặc sản”, ông Dũng chỉ rõ.

Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Góp ý vào nội dung đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, phạm vi thực hiện đề án còn khá rộng và chưa chuyên sâu, thiếu một số nội dung trọng tâm cần làm rõ. Ông Lê Trần Anh Dũng, Quản lý cao cấp chương trình sáng kiến cảnh quan bền vững và cà phê, thuộc Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH cho rằng, đề án cần phải xác định rõ hướng phát triển của cà phê đặc sản, tránh tình trạng chạy theo quy mô và số lượng.

“Cà phê đặc sản phải là cà phê đặc biệt và rất khó bắt chước. Cà phê loại này phải phát triển ở góc độ sáng tạo hơn trên vùng đất sẵn có. Trong xu hướng của thế giới, việc sản xuất phải có trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội. Cần có một tổ chức thống nhất về marketing, hướng dẫn người sản xuất đi cùng một hướng. Nếu như hiện nay, mỗi người làm một kiểu sẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay, khi nhỏ thì ổn nhưng khi bắt đầu mở rộng quy mô, số lượng thì không đạt kết quả như mong muốn”, ông Dũng phân tích.

Các đại biểu cũng đưa ra nhận định, trên thế giới hiện nay, sản lượng cà phê đặc sản chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Một số quốc gia làm cà phê đặc sản có thương hiệu như Brazil, Indonesia được thế giới biết đến vì họ làm rất tốt việc định hình thương hiệu và xác định được thị trường thế mạnh.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nêu ý kiến, đối với Việt Nam, cần có định nghĩa chính thống về cà phê đặc sản, phân biệt cà phê đặc sản với cà phê hữu cơ, phát triển cà phê đặc sản phải gắn với thị trường.

“Phát triển cà phê Robusta cần chú ý đến thị trường nội địa, từ thị trường nội địa sẽ giúp cho các loại cà phê khác tăng trưởng theo. Khi khách hàng hiểu được cà phê ngon, cà phê đặc sản sẽ tăng lượng tiêu dùng cũng tăng thêm danh tiếng cho cà phê Việt Nam. Việc tổ chức thị trường với chuỗi cung ứng cà phê đặc sản có khác biệt so với cà phê thương mại thông thường. Các nhà rang xay đến tận vùng nguyên liệu sản xuất, kết nối trực tiếp với trang trại hoặc hợp tác xã làm cà phê đặc sản đó để mua, không qua trung gian”, ông Minh thông tin./.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-can-lam-gi-de-co-thuong-hieu-ca-phe-dac-san-823081.vov