Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Chương I - I - Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa: Nguyên phi Ỷ Lan giúp vua Lý Thánh Tông trị nước. Nguồn: Internet.

CHƯƠNG I
NHÀ LÝ ĐÁNH GIẶC TỐNG (1075-1077)
Kỳ2

Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:

-Nay khẩu dụ cho Thái phó Lý Đạo Thành huy động dân phu trong bách tính xây dựng phòng tuyến phía Nam sông Cầu theo yêu cầu thiết kế và kỹ thuật của Thái úy Lý Thường Kiệt, hẹn trong 40 ngày phải xong.

Lý Đạo Thành quỳ xuống.

-Thần tuân chỉ.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói tiếp:

-Nay phong cho Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt làm Tổng chỉ huy các đạo quân thủy bộ tiến sang đất Tống, phá tan các căn cứ của quân xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi đánh bại quân địch khi chúng vào xâm lăng Đại Việt.

Lý Thường Kiệt quỳ xuống đáp:

-Thần tuân chỉ.

Hoàng thái hậu nói tiếp:

-Khanh nói rõ hơn về đạo quân miền núi và ai sẽ là người chỉ huy:

-Dạ bẩm Hoàng hậu và Hoàng thượng, đạo quân bộ khoảng 6 vạn này toàn là binh sĩ biên cương mà đa số là người các dân tộc thiểu số phía Bắc, quen chiến trận ở miền núi. Đạo quân này sẽ đánh các đồn tiền tiêu của Ung Châu như Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Tây Bình, Cổ Vạn, sau đó sẽ tiến vào bao vây Ung Châu. Tham gia đạo quân này gồm Tông Đản, phò mã Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An, Lưu Kỷ. Đạo quân này do Tông Đản chỉ huy và Tông Đản cũng là Phó soái toàn bộ cuộc hành quân này.

-Còn đạo quân của khanh, có những tướng nào tham gia?

-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, bẩm Hoàng thượng, đạo quân thủy do thần trực tiếp chỉ huy, tham gia có Thủy sư đô đốc Hoàng tử Hoằng Chân và Hoàng tử Chiêu Văn. Thần sẽ cho đánh Khâm Châu, Liêm Châu, sau đó sẽ vượt Thập Vạn Đại Sơn cùng đạo bộ binh đánh Ung Châu. Sẽ nhanh chóng hạ Ung Châu để rút về nước chuẩn bị kháng chiến.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan hỏi:

-Trong khi Phụ quốc Thái úy đang trên đất Tống mà nhà Tống huy động vài chục vạn quân tấn công thẳng vào Đại Việt để giải vây cho Ung Châu và chiếm nước ta thì ta đối phó thế nào?

Lý Thường Kiệt đáp:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, thần đã có dự phòng, cửa ngõ xa xôi mà địch ít đi qua để vào nước ta là châu Quảng Nguyên, thần cũng đã cho lực lượng bố phòng biên giới. Hai cửa ngõ mà buộc vào nước ta, địch phải đi qua là Lạng Châu, thần đã cử tướng Lý Thường Hiến đem 2 vạn quân chấn giữ, ngoài ra khi cần có thể huy động dân binh của các tù trưởng ở vùng biên giới. Cửa ngõ thứ hai quan trọng là cửa sông Bạch Đằng, thần đã cho tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền chốt giữ. Cửa ngõ huyết mạch Đông Bắc Thăng Long là Lục Đầu Giang và Vạn Kiếp thần cử 2 vạn quân do tướng Lý Long Ban chấn giữ.

Hoàng thái hậu nói:

-Khanh bố trí lực lượng chu đáo như vậy, ta yên tâm rồi. Khanh đã phục vụ ba triều vua, thông thạo tình hình biên giới. Khanh nói qua về các phò mã áo chàm và các tướng lĩnh người dân tộc ta nghe?

Lý Thường Kiệt đáp:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, Phó chủ soái Tông Đản là người dân tộc Nùng, cho nên hay gọi là Nùng Tông Đản, sinh năm 1046 ở châu Quảng Nguyên, vùng thuộc sông Bằng Giang, mẹ là Ngô Cẩm Thi, cháu đời thứ 5 của Tiền Ngô Vương, dòng Ngô Xương Văn. Tông Đản là một tướng có tài thao lược, đặc biệt là chiến trường miền núi. Giao cho Tông Đản chỉ huy đạo quân bộ này, thần tin Tông Đản có thể hoàn thành sứ mệnh. Vả lại, từ Khâm Châu và Liêm Châu, thần sẽ vượt Thập Vạn Đại Sơn sang tiếp sức cho Tông Đản ở Ung Châu ngay, xin Hoàng thái hậu yên tâm.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan gật đầu:

-Tông Đản được lắm, thế còn phò mã Thân Cảnh Phúc?

-Dạ bẩm Hoàng thái hậu và Hoàng thượng, Thân Cảnh Phúc người dân tộc Tày ở Động Giáp, Lạng Châu, sinh năm 1030. Nhà họ Thân này có tới ba đời làm phò mã nhà Lý ta. Ông nội Thân Cảnh Phúc là Giáp Thừa Quý lấy công chúa triều ta, được Hoàng đế đổi cho họ Thân. Cha là Thân Thiệu lấy công chúa Bình Dương. Thân Cảnh Phúc là con của Thân Thiệu và công chúa Bình Dương thì lấy công chúa Thiên Thành vào năm 1066. Thân Cảnh Phúc được triều đình phong là Châu mục Lạng Châu. Dòng tộc này rất trung thành với nhà Lý ta, đã từng giúp ổn định miền biên cương Lạng Châu rất tốt. Thân Cảnh Phúc cũng có tài năng quân sự nên giao cho phó chỉ huy đạo bộ binh.

-Tham gia đạo bộ binh này còn có các tướng người Tày, là tù trưởng các địa phương có thế lực, nhiều kinh nghiệm tác chiến ở miền núi như Lưu Kỷ, Vi Thủ An, Hoàng Kim Mãn. Binh sĩ cũng phần lớn là dân binh, quân bản bộ của các tù trưởng Lạng Châu và châu Quảng Nguyên, rất thiện chiến ở các địa hình miền núi như Nam Trung Hoa.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:

-Với sự Tổng chỉ huy của Phụ quốc Thái úy, với sự bố phòng trong nước như vậy, ta và Hoàng thượng yên tâm. Ta và Hoàng thượng chờ tin khải hoàn của Phụ quốc Thái úy.

-Đa tạ Hoàng thái hậu, đa tạ Hoàng thượng.

* *
*

Lạng Châu, mùa đông năm 1075, sau khi nhận chiếu chỉ của Hoàng đế Lý Nhân Tông và quân lệnh của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, Tông Đản lập tức cho lập hành doanh tập trung quân đội. Ngày 20-10-1075, 6 vạn quân Việt, 100 thớt voi, 5000 ngựa chiến cùng các tướng lĩnh bí mật xuất phát tràn sang đất nhà Tống, mở đầu cho cuộc Bắc phạt. Đêm nay trong tổng hành dinh, dưới một lán trại lớn, Tông Đản nói:

-Trước mắt chúng ta là ba trại lớn của địch bảo vệ từ xa cho Ung Châu. Đó là trại Bình Tây ở phía Tây, trại Hoành Sơn ở giữa và trại Vĩnh Bình ở phía Đông. Mỗi trại cách nhau 30 dặm và cách chỗ chúng ta đây 10 dặm. Đêm nay, chúng ta phải bí mật bất ngờ đồng loạt tấn công tiêu diệt ba trại đó. Mỗi trại có 1 vạn tên địch. Tướng quân Thân Cảnh Phúc.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy 1 vạn quân, 30 thớt voi có nhiệm vụ tiêu diệt trại Bình Tây. Nhớ phải bí mật bất ngờ diệt gọn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Thân Cảnh Phúc đi ra điểm quân xuất phát.

Tông Đản gọi tiếp:

-Tướng quân Hoàng Kim Mãn.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân cũng dẫn 1 vạn quân và 30 thớt voi có nhiệm vụ tiêu diệt trại Vĩnh Bình ở phía Đông. Cũng phải bí mật bất ngờ diệt gọn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Hoàng Kim Mãn ra điểm quân đi về hướng Đông.

-Tướng quân Vi Thủ An.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân và 30 thớt voi bí mật bất ngờ tiêu diệt trại Hoành Sơn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tông Đản nói:

-Còn lại 2 vạn quân và 10 thớt voi, mặt trận nào khó khăn ta sẽ chi viện.

Trong đêm tối, ba cánh quân Đại Việt không cờ không trống cùng những thớt voi lừng lững như những quả núi lặng lẽ tiến lên phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc. Canh ba đêm đó, đạo quân của Thân Cảnh Phúc bí mật bao vây trại Vĩnh Bình, từ xa dùng tên bắn chết những tên lính canh gác, tuần tra và tiến vào, khi vừa tầm bắn nhất loạt bắn tên và tên lửa vào doanh trại. Trại Vĩnh Bình vốn chiến lũy là tạm bợ sơ sài bằng gỗ, dễ bén lửa. Toàn doanh trại phút chốc biến thành biển lửa. Quân Tống thức dậy tháo chạy ra ngoài nhưng bị những trận mưa tên, sau đó là những lưỡi gươm giáo bất thần bổ xuống. Thây chồng chất, máu đầm đìa. Một vạn tên kể cả chủ tướng không một tên nào sống sót. Đạo quân của tướng Hoàng Kim Mãn đi về hướng trại Tây Bình. Hoàng Kim Mãn cho 50 người lính bò sát gần ngoài doanh trại địch. Một tốp lính Tống đi tuần tới. 50 quân Việt xông ra khống chế, dí thuốc mê vào miệng, lột quân phục Tống mặc vào và đi vào cổng doanh trại. Lính gác doanh trại mở cổng ra liền bị giết. Cổng doanh trại mở toang, 2 vạn quân Việt và 30 con voi xông vào. Lính Tống còn đang ngủ say, không kịp chống cự bị giết và bị voi xé xác. Quân Việt làm chủ trại Tây Bình. Đạo Quân của Vi Thủ An tiến đến trại Hoành Sơn nhưng không giữ được bí mật và yếu tố bất ngờ. Tướng Tống giữ Trại là Tưởng Di đang ngủ, chợt có lính canh vào báo:

-Dạ bẩm tướng quân có thám mã về báo tin khẩn cấp.

-Cho vào.

Thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, quân Đại Việt đã tràn sang đánh chiếm hai trại Vĩnh Bình và Tây Bình và đang tiến đánh trại Hoành Sơn của chúng ta.

Tưởng Di hoảng hốt:

-Hả, quân Đại Việt từ trên trời rơi xuống hả, đóng chặt cửa trại và báo động toàn quân sẵn sàng chiến đấu.

Tông Đản nói với Vi Thủ An:

-Hết yếu tố bất ngờ rồi, nếu cứ tiến vào quân ta sẽ bất lợi, còn phải dành sức đánh trại Cổ Vạn, chờ sáng mai rồi hãy hay.

Sáng mai, quân Việt đã trông thấy Tưởng Di dàn trận chờ quân Việt. Tông Đản nói:

-Tướng quân dàn trận đánh chúng trước mặt, tôi đánh tập hậu chắc là diệt được chúng.

Vi Thủ An nói:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Vi Thủ An cho 30 thớt voi đi đầu, theo sau là 2 vạn quân chưa kịp dàn trận thì voi đã xông lên, kỵ binh và bộ binh Tống hốt hoảng vỡ trận. Quân Việt xông lên chém giết. Phía sau quân Tống lại bị 1 vạn quân và 10 thớt voi của Tông Đản đánh vây bọc. 1 vạn quân Tống không lối thoát, thây đổ ngổn ngang, máu phun như nước. Quân Việt làm chủ trại Hoành Sơn. Tướng Tống Tưởng Di tử trận cùng các tùy tướng.

Phòng tuyến vòng ngoài bảo vệ Ung Châu đã sụp đổ. Tông Đản tập trung quân tiến đánh trại Cổ Vạn để mở toang cánh cửa đi về Ung Châu. Trại Cổ Vạn cách Ung Châu 5 dặm về phía Nam, án ngữ con đường duy nhất đi Ung Châu. Tướng giữ trại Cổ Vạn là Thái Trạch đã được Tô Giám, tướng giữ thành Ung Châu tăng viện thêm 2 vạn quân, nâng tổng số quân của trại lên 4 vạn. Một buổi sáng, Thái Trạch đang ngồi uống trà thì có thám mã về cấp báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, ba trại Vĩnh Bình, Tây Bình, Hoành Sơn đã bị quân Đại Việt triệt hạ. Khoảng 6 vạn quân Việt đang tiến về đây, cách Cổ Vạn 5 dặm.

Thái Trạch nói:

-Sao ba trại thất bại nhanh chóng như vậy. May mà ta vừa được tăng viện thêm 2 vạn quân. Bay đâu.

-Dạ.

-Mở cổng trại để ra ngoài nghênh chiến.

Thái Trạch mặc giáp đội mũ cùng tùy tướng dẫn 4 vạn quân ra dàn hàng chữ nhất nghênh chiến quân Việt.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--chuong-i--i--ky-3-75834