Những khúc ca tận tụy

Khúc hoan ca của văn chương là một tập sách tươi tắn, nhẹ nhàng, vừa vặn về mặt hình thức. Điều đó khiến tôi say sưa đọc một mạch 31 bài viết trong một buổi tối. Càng đọc càng thấy yêu quý một gương mặt mới mà không mới của làng văn chương Việt.

Nói tác giả Trần Lê Hoa Tranh mới bởi Khúc hoan ca của văn chương là tập tản văn đầu tiên của cô; còn không mới là vì cô đã rất quen thuộc với các công việc liên quan đến văn chương: dạy Văn học Trung Quốc ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM, giữ cương vị Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn trường phổ thông Năng khiếu, đã thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng như xuất bản các đầu sách về văn học Trung Quốc và văn học nữ Việt Nam ở hải ngoại, chuyên gia của chương trình “Trong sáng cùng tiếng Việt” trên sóng truyền hình, cộng tác viên văn hóa văn nghệ của nhiều tờ báo...

Với mỗi vai trò, cô luôn duyên dáng, chỉn chu, tràn đầy tinh thần trách nhiệm, có dấu ấn riêng biệt và nhất là truyền cảm hứng đọc văn, học văn đến các bạn trẻ khá mạnh mẽ.

Vì lẽ đó, Khúc hoan ca của văn chương - cái tựa có vẻ nghệ sĩ và ngẫu hứng - không chỉ là cuộc dạo chơi vào thế giới văn chương rộng lớn kiểu “ngồi hát đỡ buồn” mà thực sự là những trải nghiệm quý giá của một người có thâm niên đọc - học - dạy văn. Tác phẩm mang đầy dấu ấn tự sự.

Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ cụ thể những cơ duyên đưa mình đến với việc nghiên cứu văn học, thuật lại khá chi tiết hành trình đọc - xem - đi - gặp và ghi chép lại những cảm nhận, kinh nghiệm đối với chuyện văn, người văn. Người đọc không khó khăn gì để nhận ra ngay những tiền đề thuận lợi giúp tác giả êm ái bước vào ngôi nhà của văn chương nhưng vẫn phải thừa nhận sự nỗ lực, cầu tiến hết mình để làm nên năng lực chữ nghĩa nơi cô.

Dù các bài viết được hoàn thành ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng xâu chuỗi lại, ta sẽ thấy một tấm tình nhiệt thành với văn chương từ quá khứ đến hiện tại, hình dung được cả lộ trình phát triển sự nghiệp của một người may mắn sớm nhận ra và trung thành với thiên hướng của mình.

Tuy đa dạng các thể loại như bình sách, điểm phim, chân dung văn học, phỏng vấn chuyên gia... nhưng thế mạnh của Khúc hoan ca của văn chương vẫn là những bài điểm sách. Trần Lê Hoa Tranh đọc từ Đông sang Tây, từ thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn đến tạp văn, du ký. Cô đưa người đọc đi tìm vẻ đẹp Nga (Vladimir Nabokov và vẻ đẹp Nga), du ngoạn đến Ấn Độ đầy trầm tích văn hóa cùng những thách thức đương đại (Hiện thực tàn khốc trong Cân bằng mong manh) rồi trở về tự hào cùng những biểu tượng thân thương của Sài Gòn (Sài Gòn - những biểu tượng: đọc để hiểu và yêu Sài Gòn).

Cô nhắc nhớ người đọc hoài niệm về ABBA, The Beatles, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu... Theo tôi, những bài viết so sánh các hiện tượng văn học (Mạc Ngôn và Murakami), tổng kết một đời văn (Cảm khái Kim Dung, Franz Kafka - Người tẩy não nhân loại: đọc Kafka hôm nay, Sách của Nguyễn Hiến Lê còn hot không?) hay bình luận một hiện tượng văn học (Đọc ngôn tình Trung Quốc như một sản phẩm của văn hóa đại chúng) là những trang viết chắc tay nhất cuốn sách. Chúng chứng tỏ sức cảm thụ và am hiểu văn chương của một người tự nguyện gắn bó với niềm vui đọc sách trong nhiều năm tháng.

Và phải chăng, vì “lây nhiễm” tinh thần minh triết cũng như sự phong phú chữ nghĩa từ những tác phẩm đáng đọc mà cuốn sách của riêng Trần Lê Hoa Tranh cũng đầy ắp những nhận xét sắc sảo và thẳng thắn: với đẳng cấp của một nhà văn Nobel, “Mạc Ngôn nợ Việt Nam một lời xin lỗi” vì những gì ông đã thể hiện trong Ma chiến hữu; “Để ngôn tình tràn lan, xô bồ như bây giờ, lỗi nằm ở phía người làm sách và hệ thống kiểm duyệt” hay “ranh giới giữa tử tế và tha hóa hết sức mong manh”...

Không những vậy, sách còn cung cấp nhiều kinh nghiệm tốt, chẳng hạn như “Lặp đi lặp lại khung giờ đọc sách nhất định sẽ giúp đọc sách trở thành nhu cầu hàng ngày”, “nên ghi chép khi đọc sách”, học văn hiệu quả là khi “học trò và cô cùng nhìn vào văn bản mà phát hiện”... Những gợi ý, nhận định hữu ích, sâu sắc trong tập sách cho thấy việc “đọc tạp” của Trần Lê Hoa Tranh vô cùng lợi hại: đọc theo diện rộng trước, rồi sẽ khám phá được những tầng sâu.

Những ai còn lúng túng, ngại ngần hoặc bỏ quên việc thưởng thức văn chương hẳn sẽ ít nhiều thay đổi sau khi tiếp cận các kinh nghiệm đọc - viết của tác giả. Tôi tin rằng tập sách sẽ khuyến khích người đọc tìm kiếm các tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều hơn.

Có thể thấy phần lớn các tác phẩm mà Trần Lê Hoa Tranh chọn bình phẩm thuộc nhóm đề tài xã hội. Cô ít mộng mơ mà luôn giữ sợi dây liên kết giữa văn chương với đời sống, luôn lọc ra từ văn chương những thực trạng xã hội đáng ngẫm. Điều đó có nghĩa là cô vừa nhấn mạnh vai trò dự báo xã hội của văn chương vừa minh chứng rằng từ cổ chí kim, văn chương chưa bao giờ thoát ly đời sống.

Đọc văn không phải để né tránh thực tại, mà trái lại, là một cơ hội để nhìn sâu vào bản chất đời sống thay vì chỉ quan tâm bề nổi của hiện tượng. Từ đó, chúng ta có ý thức và trách nhiệm với xã hội hơn. Điều này càng có giá trị trong thời buổi mà đa số con người thích “lướt” hơn là “đọc”, và những thứ mà ta đọc nhiều nhất hàng ngày lại không phải là văn chương.

Bên cạnh đó, tâm huyết của một người làm công tác giáo dục cũng thúc đẩy Hoa Tranh đưa ra những cách đọc hiểu mới và thiết thực hơn cho các tác phẩm quen thuộc (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Hai đứa trẻ...) trong chương trình phổ thông nhằm chống lại tình trạng “sợ văn” của học sinh.

Khi người đọc bắt đầu bị cuốn theo các dẫn dắt của Trần Lê Hoa Tranh thì cũng là lúc cô kết bài viết lại (vì lẽ đó mà sách có tên Khúc hoan ca của văn chương chăng?). Dẫu biết đó là do yêu cầu bó buộc câu chữ của tòa soạn báo nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Tôi chính thức đợi chờ những chuyên luận từ cô.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bất kỳ một tác phẩm, một loại hình nghệ thuật nào, sự gợi mở là điều vô cùng quan trọng. Cuốn sách của Trần Lê Hoa Tranh có năng lực đó. Chính cô cũng cho rằng “viết ngắn vừa đủ mà bao quát ý, làm chủ văn bản há không phải hay hơn sao?”.

Diễm Trang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287642/nhung-khuc-ca-tan-tuy-.html