Những kiến nghị tâm huyết giúp học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Sáng 14/11, Bộ GD&ĐT đã gặp mặt Giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long triển khai.

Theo đó, chương trình tuyên dương các thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT. Nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, dạy học sinh khuyết tật…

Tại chương trình, các thầy, cô giáo tiêu biểu đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất với Bộ GD&ĐT một số nội dung liên quan đến công tác giảng dạy và chăm sóc cho trẻ em khuyết tật.

Thầy giáo Võ Duy Quang (Lâm Đồng) chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Chia sẻ tại chương trình, thầy giáo Võ Duy Quang (Lâm Đồng) cho biết, bản thân là một người khiếm thính đang dạy học cho các em học sinh giống mình, tôi cảm thấy rất hào hứng và vui mừng vì sự tiến bộ rõ rệt của các em. Thầy Quang cũng bày tỏ một số khó khăn trong quá trình giảng dạy như không có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính; trẻ khiếm thính chỉ được tham gia học tập tại trường tiểu học, chưa có các trường ở cấp học cao hơn cho trẻ khiếm thính, từ đó đã phần nào tách biệt trẻ khiếm thính ra khỏi xã hội. “Đề nghị Bộ GD&ĐT sẽ có những chủ trương, tạo điều kiện để trẻ khiếm thính được học tập ở các cấp học cao hơn” - thầy Võ Duy Quang nói.

Đồng tình với ý kiến của thầy Võ Duy Quang, cô Nguyễn Thị Liễu - Trung tâm Giáo dục dạy nghề tỉnh Nghệ An đề xuất: Bộ GD&ĐT hỗ trợ thêm về tài liệu liên quan đến giáo dục trẻ đặc biệt để các thầy cô tiếp tục giáo dục cho trẻ khuyết tật tốt hơn. Ngoài ra, mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm, tổ chức các hội thảo chuyên môn nghiệp vụ dành cho các trẻ khiếm thính. Trong khi đó, cô Trần Thị Kim Nghĩa (Cần Thơ) lại đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương để các học sinh khuyết tật được học các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội và có sự phối hợp với các cơ quan, DN để tạo cơ chế giúp đỡ các em sau đào tạo có công việc phù hợp với ngành nghề.

Bộ GD&ĐT đã trao tặng Bằng khen và quà cho thầy cô giáo tiêu biểu.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận và gửi lời cảm ơn với sự đóng góp cống hiến của các thầy cô đang giảng dạy tại các trường, Trung tâm giáo dục chuyên biệt. Giáo dục đặc biệt đòi hỏi sự kiên trì, hy sinh của các thầy cô, đối tượng của giáo dục đặc biệt là những trẻ gặp khó khăn. “Giáo dục trẻ khuyết tật là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Chúng ta đang càng ngày càng phát triển, nhưng sự phát triển đó sẽ không trọn vẹn nếu chưa thực hiện được sự công bằng xã hội, tất cả mọi người đều được hưởng thành quả của sự phát triển đất nước. Bộ GD&ĐT mong mỏi các ngành, cấp và các thầy cô tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công việc này” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

* Tại buổi gặp mặt, Bộ GD&ĐT đã trao tặng Bằng khen và quà cho 48 thầy cô giáo tiêu biểu.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-kien-nghi-tam-huyet-giup-hoc-sinh-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-329792.html