Những kiến thức không thể bỏ lỡ để giành điêm 10 môn Sinh học kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, các thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia gay cấn và quan trọng. Các sĩ tử sẽ làm bài thi môn Sinh học vào 9h30 ngày 26/6, thời gian làm bài 50 phút.

Dựa vào đề thi minh họa năm 2019, thầy Nguyễn Đức Hải, giáo viên môn Sinh học tại trung tâm tuyển sinh 247 nhận định đề chính thức môn Sinh học sẽ có độ khó và độ phân hóa cao hơn: "Về cơ bản, đề minh họa chỉ cho chúng ta biết được cấu trúc đề thi, các phần nội dung sẽ được đưa vào trong đề thi. So với đề thi 2018 thì đề thi 2019 sẽ có một số thay đổi, sẽ có thêm các câu hỏi liên quan đến kiến thức sinh học lớp 10, tuy nhiên kiến thức chủ yếu vẫn nằm trong chương trình lớp 12.

Theo đó, thầy Hải cho rằng, đề thi năm nay sẽ gồm kiến thức lớp 10, 11, và 12, trong đó kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 80%, kiến thức sinh 11 chiếm khoảng 10% và kiến thức lớp 10 cũng chiếm khoảng 10% (3 - 4 câu hỏi).

Tỷ lệ câu hỏi và bài tập vẫn giống như các năm trước, khoảng 70/30 (tương ứng 28 câu lí thuyết/12 câu bài tập). Số câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 55%, số câu hỏi vận dụng chiếm khoảng 30-35%, và có khoảng 10% là câu hỏi ở mức vận dụng cao, đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, khả năng tư duy và tính toán chính xác. Như vậy, các em có thể dễ dàng đạt điểm trong khoảng 6 - 8, tuy nhiên để đạt được điểm 9, 10 sẽ khó hơn nhiều.

Giáo viên này cũng nhấn mạnh rằng, những chuyên đề trọng tâm cần lưu ý: "Vì là thi trắc nghiệm nên phổ kiến thức sẽ rộng và bao quát toàn bộ chương trình, một số chuyên đề trọng tâm chiếm số lượng lớn về nội dung bao gồm: Di truyền học, tiến hóa và sinh thái học, đặc biệt là các câu hỏi khó sẽ là các câu hỏi bài tập về phần di truyền học.

Với kiến thức lớp 10, các em cần chú ý các nội dung kiến thức về thành phần hóa học của tế bào, các công thức tính liên quan đến ADN, ARN, Protein, bài tập phần này trong đề thi có thể lồng ghép với đột biến điểm xảy ra trên gen. Ở lớp 11, các em cần chú ý đến các quá trình sinh lý ở động vật và thực vật, phần này khi ôn tập, các em có thể đi theo 2 hướng là quá trình sinh lý ở thực vật và các quá trình sinh lý ở động vật sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn".

Các thi sinh cần lưu ý một số trọng điểm giành điểm trọn vẹn môn Sinh học trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. (Ảnh minh họa).

Các thi sinh cần lưu ý một số trọng điểm giành điểm trọn vẹn môn Sinh học trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, thầy Hải còn nhắc các thí sinh một số lưu ý trọng điểm để giành trọn vẹn điểm số: "Gọi là "mẹo" thì cũng không hẳn, nhưng có một số vấn đề khi làm bài các bạn cần lưu ý: Đề thi gồm 40 câu trong khoảng thời gian là 50 phút, tương ứng với khoảng 1,25 phút (1 phút 15 giây) vì vậy, khi làm bài cần chia thành nhiều lượt, lượt đầu tiên các bạn làm các câu hỏi dễ và chắc chắn trước, các câu chưa chắc chắn, còn phân vân, các bạn có thể đánh dấu (ví dụ ghi dấu hỏi chấm, hoặc khoanh tròn,…), các câu bài tập khó cũng để làm trong lượt 2. Đến lượt 2, các bạn xử lý các câu hỏi còn nghi vấn, và các câu bài tập khó. Lượt 3 các bạn xử lý nốt những câu còn lại.

Làm được câu nào, dùng bút chì tô luôn đáp án câu đó trong phiếu trả lời, nhớ tô kín ô. Khi thời gian còn khoảng 5 phút, kiểm tra lại một lượt, hoàn tất nốt các câu chưa làm, với câu chưa chắc chắn, chọn đáp án mà bạn tin tưởng nhất. Với các câu hỏi đếm lựa chọn, cần chú ý xem câu hỏi yêu cầu là đếm số nhận định, kết luận đúng, hay sai để đếm chính xác. Cần đặc biệt chú ý và cảnh giác với các nhận định “luôn luôn”, “chắc chắn",…

Một số điểm cần lưu ý khi khi làm bài: Ruồi giấm đực thì không có hoán vị gen, ở các loài thuộc lớp chim và bướm, con cái có cặp NST giới tính là XY, con đực là XX, khi tích tỉ lệ các kiểu hình trong các phép lai riêng khác tỉ lệ đề bài thì có hiện tượng liên kết gen,…

Với các bài tập tính toán, cần bấm máy một cách chính xác, không chủ quan với những phép tính đơn giản (vì vội nên nhiều bạn thường tính nhầm khi tính nhẩm). Cần sử dụng thành thạo các chức năng của máy tính như giải phương trình bậc 2, giải hệ phương trình,… Đặc biệt, cần nhớ chính xác các công thức".

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, thầy Nguyễn Đức Hải muốn nhắn nhủ: "Điều đầu tiên các sĩ tử cần chú ý trong giai đoạn này là giữ sức khỏe, vì đây là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp các bạn đạt kết quả tốt nhất. Cần kết hợp học tập, nghỉ ngơi điều độ, có thể vận động thể thao nhẹ, tránh việc học liên tục theo kiểu “nhồi nhét” sẽ rất dễ căng thẳng, stress.

Việc thứ hai là phân bố thời gian hiệu quả, dành 1 nửa thời gian còn lại để xem lại các công thức, các dạng bài tập điển hình như bài tập về ADN, bài tập về quy luật phân li độc lập, bài tập về di truyền liên kết, bài tập về quần thể tự phối và ngẫu phối,… một nửa khoảng thời gian còn lại, trước ngày thi các bạn nên xem lại một lượt kiến thức về lý thuyết. Có thể tự sơ đồ hóa lại để dễ nhớ hơn. Thời gian lý tưởng là dành khoảng 2 - 3 tiếng ôn tập mỗi ngày.

Trước ngày thi, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, vật dụng cần thiết (bút chì, tẩy, máy tính,…) và ngủ sớm, để có một tinh thần thoải mái nhất.

Vào phòng thi tâm lý sẽ rất khác với lúc làm bài ở nhà, hãy luôn giữ cho mình bình tĩnh nhất có thể, nếu khi làm bài cảm thấy căng thẳng và hồi hộp, hãy nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, sẽ giúp các em lấy được bình tĩnh trở lại".

Đề thi minh họa môn Sinh học:

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhu-ng-kie-n-thu-c-khong-the-bo-lo-de-gia-nh-diem-10-mon-sinh-ho-c-ky-thi-thpt-quo-c-gia-2019-a438197.html