Những kỹ năng cần của nhà báo trong môi trường truyền thông số

PGS. TS. Nguyễn Văn Dững và TS. Nguyễn Quang Hòa đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý về truyền thông số, những tác động của truyền thông số đối với mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt đối với lĩnh vực báo chí.

PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng CNTT-TT thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô là những người đã nhiều năm làm công tác báo chí, là các diễn giả chính tại buổi Tọa đàm “Báo chí trong môi trường truyền thông số và Lễ ra mắt Bộ sách nghiệp vụ báo chí” do Nhà xuất bản (NXB) TTTT, Bộ TTTT tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ sách chào mừng ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 đang diễn ra từ 18 - 22/4/2018 tại Hà Nội. Đông đảo bạn đọc, nhất là sinh viên đang theo học báo chí trên địa bàn đã đến tham dự buổi tọa đàm.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã tặng hoa cho PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, TS. Nguyễn Quang Hòa và lãnh đạo NXB TTTT

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, một vài năm gần đây kỹ thuật và công nghệ số trở nên phổ biến nhưng quan trọng hơn là hàng ngày, hàng giờ tác động vào cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta.

Đặc trưng căn bản nhất, có ý nghĩa quyết định của kỹ thuật, công nghệ số, theo PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, là tạo ra khả năng kết nối cho mọi hoạt động của chúng ta từ tư duy, nhận thức cho đến hành xử.

“Chúng ta phải nhận thức được bản chất công nghệ số bởi từ đó nó chi phối toàn bộ năng lực tư duy, phong cách sống, cách làm việc của chúng ta và “kéo” cả thế giới vào cuộc. Theo đó, chúng ta phải làm quen và thích nghi dần với việc này, đặc biệt là lĩnh vực báo chí. Bởi đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về tư duy”, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.

“Báo chí trong môi trường truyền thông số rất khác so với trước đây. Năng lực của báo chí phải nâng lên gấp hàng ngàn lần. Báo chí phải thay đổi.”, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững cho hay.

Bản chất của nhà báo dù ở môi trường nào cũng phải “đương đầu” để “săn” tin, phân tích bản chất của sự kiện, thông tin. Nhà báo có một nền tảng tốt thì đánh giá thông tin nhanh và chuẩn xác. Khi nhà báo làm báo trong môi trường số phải “đề phòng” tất cả các khả năng. Nhà báo cần phải đa góc độ, để đưa ra phán đoán đúng. Nhà báo cũng phải thận trọng, phải đến tận nơi chốn cụ thể để viết, phân tích, nhận định, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững trao đổi thêm.

Hai diễn giả chính (trái) tọa đàm với bạn đọc về vai trò của nhà báo trong môi trường số

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quang Hòa cho hay truyền thông số là truyền thông trong mạng kỹ thuật số, Internet. Trước đây có ai đó nói năng gì đó không ảnh hưởng gì đến mình và mọi người nhưng giờ đây chỉ nói một câu trên mạng thôi, chẳng hạn như nhận xét về một cá nhân có thể gây ra hiệu ứng truyền thông số. Cũng như vậy, bài báo viết một câu “sơ sểnh”, không đúng thì phản ứng ngược là rất nhanh nên việc đọc sách để có “phông” văn hóa, tri thức là cần tăng cường nếu không muốn mất nghề.

“Công chúng, thế hệ trẻ và nhất là giới báo chí trong môi trường truyền thông số cần tạo mối quan hệ và kết nối thường xuyên với sách để đọc nhằm giúp tăng nhanh vốn tri thức trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển báo chí - truyền thông nói riêng”, ông nhấn mạnh.

PGS. TS. Nguyễn Văn Dững cũng lưu ý, hiện có hai cách tiếp nhận thông tin được truyền thông là đọc sách và “lướt” web nhưng kết quả của hai việc này rất khác nhau. Lướt web thì bao quát nhưng không tạo được nền tảng như đọc sách để phát triển tư duy logic, để phân tích thời sự nhanh, chuẩn và khoa học hơn. Theo đó, “không bao giờ được bỏ qua, xao nhãng việc đọc, phải tranh thủ, bố trí thời gian để đọc”, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh

Bên cạnh đó, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững chia sẻ thêm nhà báo cần nhiều kỹ năng, quan trọng nhất là nền tảng trí thức, có tầm nhìn nhân văn đối với xã hội con người để không “vùi dập” hiện tượng, sự việc, không câu “view”. Nhà báo phải có tâm trong môi trường truyền thông mới, do đó nhà báo từ phóng viên, biên tập viên phải rất giỏi. Nhà báo cũng phải giỏi ngoại ngữ để kết nối mỗi ngày.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí hiện nay, đáp ứng yêu cầu của môi trường truyền thông số; Nhà xuất bản TTTT phối hợp với các chuyên gia, học giả hàng đầu về báo chí, truyền thông cho ra mắt bạn đọc Bộ sách nghiệp vụ báo chí gồm 22 đầu sách: Thực tiễn và xu hướng phát triển; Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm; 11 bí quyết để thành nhà báo giỏi; Nghệ thuật ứng xử của nhà báo - Con đường ngắn nhất đến thành công; Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại; Thông tấn báo chí: Lý thuyết và kỹ năng; Luật Báo chí; Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành; Biên tập báo chí; Các loại hình báo chí, truyền thông; Chuyện đời làm báo; Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật; Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung (Cộng hòa liên bang Áo); Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam; Thuật làm báo - sách thực hành; Đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về báo chí, xuất bản (Tài liệu bồi dưỡng chức danh Biên tập viên, Phóng viên); Một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ báo chí, xuất bản (Tài liệu bồi dưỡng chức danh Biên tập viên, Phóng viên); Từ điển thuật ngữ báo chí, xuất bản Anh - Nga - Việt.

Bộ sách nghiệp vụ báo chí

Giám đốc, Tổng Biên tập NXB TTTT Trần Chí Đạt cho biết việc ra mắt bộ sách nghiệp vụ báo chí không chỉ góp phần cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống về cơ sở lý luận - thực tiễn báo chí - truyền thông đương đại, nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận và ý thức tự giác về nghề nghiệp báo chí cho người đọc mà còn hướng dẫn cách khai thác, tiếp cận nguồn tin để giúp người đọc làm chủ phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, kích thích năng lực tư duy sáng tạo, tăng khả năng ứng dụng thực tiễn của người học trong môi trường báo chí - truyền thông hiện nay. Bên cạnh đó, việc trau dồi, hoàn thiện kỹ năng về ngôn ngữ báo chí sẽ tạo ra những “ngòi bút sắc sảo” với những tác phẩm đầy tính thuyết phục.

“Bộ sách nghiệp vụ báo chí kết hợp cả hai yếu tố lý thuyết và thực hành chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều không chỉ cho các nhà báo trẻ mà còn cả những độc giả quan tâm đến truyền thông trong việc phân tích và đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự đã và đang diễn ra, biến động không ngừng trong đời sống hàng ngày”, Giám đốc NXB TTTT Trần Chí Đạt nhấn mạnh.

Trao đổi câu hỏi của bạn đọc và đông đảo sinh viên tham dự tọa đàm về việc lựa chọn đầu sách nào để đọc trước trong 22 đầu sách của bộ sách, TS. Nguyễn Quang Hòa cho biết đây là bộ sách hay. Bạn đọc có thể đọc nội dung nào trước cũng được, nhưng phải tự định hướng. Muốn làm tin làm phóng sự hay chính luận… thì phải đọc các sách liên quan. Bản thân phải tự định hướng để bộc lộ năng lực, bút lực, trí lực trong một số lĩnh vực. Có thể đọc theo xu hướng bản thân thích, tiếp theo là do nhu cầu cuộc sống, cơ quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, cũng cần chọn đọc sách lịch sử thế giới và Việt Nam, sách Văn học nghệ thuật. Cần đọc chọn lọc để định hướng cá nhân từ khi đi học, TS. Nguyễn Quang Hòa cho biết thêm.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/nghe-bao/nhung-ky-nang-can-cua-nha-bao-trong-moi-truong-truyen-thong-so