Những kỷ niệm quý được nuôi dưỡng bằng đam mê và trách nhiệm với nghề

Vài ba năm trở lại đây, tôi vinh dự nhận được khoảng 20 giải báo chí ở các lĩnh vực khác nhau như: Viết về học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Ngô Tất Tố; Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế; Cải cách hành chính; Đồng hành và phát triển; Người tốt việc tốt; Phòng chống HIV/AIDS; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Phía sau những giải thưởng là sự đau đáu trước nhiều mảng đề tài, cách thức khai thác, xử lý thông tin để có những tuyến bài chất lượng và ít nhiều mang lại ý nghĩa cho bạn đọc….

Các giải thưởng báo chí cấp quốc gia, toàn quốc, Bộ, ngành hay của địa phương, thông thường được tổ chức hàng năm nhưng không phải người làm báo nào cũng biết và chú tâm gửi bài dự thi. Trước đây, tôi cũng vậy. Với tư tưởng viết bài thuộc lĩnh vực và địa bàn được phân công, có nhiều bài; đảm bảo định mức công việc… nên nhiều năm đầu làm báo tôi không gửi bài tham dự bất cứ giải báo chí nào. Tuy nhiên, vài năm trước, cô bạn học cùng lớp bảo: “Đằng nào cũng có bài viết, sao không gửi dự thi?”. Thấy lời cô bạn nói có lý, tôi bắt đầu quan tâm đến các giải báo chí.

Thông tin về tất cả giải báo chí được đăng tải công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; ở đó có ghi rõ thể lệ giải thưởng và những tiêu chí cơ bản như mục đích, yêu cầu; nội dung; thời hạn nhận và kết thúc giải… Căn cứ vào đó, các tác giả có thể định hướng cho bài viết dự giải của mình. Bài viết muốn đạt giải trước tiên là bài viết có chất lượng và bám sát tiêu chí của giải thưởng theo từng năm; gửi đúng thời hạn và đảm bảo số chữ, số kỳ theo yêu cầu của Ban giám khảo...

Thông thường giải báo chí nào cũng thu hút sự tham gia của đông đảo các cây bút, các nhà báo chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Số lượng tác giả tham dự giải là khác nhau, có thể vài trăm, vài nghìn đến vài chục nghìn bài dự thi; vì vậy, tính cạnh tranh của mỗi tác giả, tác phẩm là rất cao; phải vượt qua nhiều “đối thủ” của cả 2 vòng sơ khảo và chung khảo mới có cơ hội đạt giải. Nói vậy để thấy rằng, muốn tên và bài viết của mình được vinh danh ở bất cứ giải báo chí nào đều là điều không hề đơn giản.

Tác giả trong lần nhận giải gần đây. (Ảnh: L.A)

Để bài viết đúng và trúng yêu cầu đề ra, đòi hỏi mỗi người phải nghiên cứu, tìm tòi đề tài và cách khai thác đề tài của mình. Tìm được đề tài độc, lạ, chưa người nào viết, phù hợp với tiêu chí của cuộc thi là điều ai cũng muốn, ai cũng khuyến khích nhưng không phải ai cũng làm được. Trong một khuôn khổ nhất định, tôi thường chọn những đề tài không thật sự mới; vì vậy cách nhìn nhận, cách khai thác, cách viết như thế nào để “đứa con tinh thần” của mình có chất lượng và ý nghĩa là đòi hỏi rất khó.

Khi đã xác định được đề tài, điều cần và nên có là xây dựng đề cương cho từng bài, từng kỳ; từ đó đưa ra các phương án gặp gỡ nhân vật phỏng vấn cũng như đơn vị có thẩm quyền trả lời. Biết được mục đích bài viết của mình là gì và đi đến tận cùng mục đích đó cũng là điều rất quan trọng. Bài viết dự thi luôn đòi hỏi cao về chất lượng và sự công phu trong từng câu, từng chữ, cách đặt tít, đặt vấn đề, viết sapo; lời mở, lời kết…; vì thế yêu cầu tác giả phải thực sự cẩn trọng và nghiêm túc khi đặt bút viết.

Lấy ví dụ loạt bài 4 kỳ tham dự Giải báo chí Phòng chống HIV/AIDS năm 2016 của tôi là “Hiểu thêm về bệnh HIV và người nhiễm HIV”. Đề tài không mới mẻ nhưng toàn bộ tư liệu trong bài viết trên hoàn toàn là mới; các nhân vật trong bài viết là rất thật, rất cụ thể mà tôi phải mất nhiều công sức để thu thập, gặp gỡ qua vài chục cuộc điện thoại và chừng đó lần đi lại tìm hiểu, tiếp xúc.

Loạt bài: “Những sáng kiến; đổi mới về cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT, BHXH” cũng vậy. Để hoàn thành loạt bài, tôi phải mất nhiều thời gian nghiền ngẫm, suy tính, chọn lựa nhân vật, đơn vị để viết bài. Hay loạt bài “Quận Hà Đông: Trao giấy khai sinh, khai tử tại nhà” cũng tương tự. Muốn gặp được từng người thật, việc thật trong bài viết, tôi phải chờ đợi rồi đi cùng cán bộ các đơn vị đến nhà nhiều người dân vào ngoài giờ hành chính trong nhiều ngày khác nhau để lấy tư liệu phục vụ bài viết...

Để đạt giải báo chí và đạt nhiều giải báo chí, điều quan trọng nhất theo tôi là nuôi dưỡng đam mê, nuôi dưỡng trách nhiệm của người cầm bút. Tình yêu nghề, tinh thần rèn nghề, mong muốn nâng cao năng lực, nghiệp vụ qua từng bài viết, đúc rút kinh nghiệm qua từng năm cầm bút… là những yếu tố rất cần thiết của một nhà báo.

Và có một điều rất thú vị với tôi đó là, tuy làm mảng Nội chính- Pháp luật; chuyên viết an ninh trật tự, đưa tin về các vụ án nhưng tôi có nhiều bài, loạt bài ở nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau. Hầu hết các bài viết dự thi của tôi đều gửi vào ngày kết thúc thời hạn nhận bài và trên 90% bài viết đã nhận được giải thưởng.

Tôi nghĩ, các nhà báo rất nên tham gia các giải báo chí và coi đó là một niềm vui của người cầm bút bởi khi nhìn lại, những giải báo chí, những bài báo sẽ là kỉ niệm không phai và nó thực sự khiến thời gian làm nghề của mỗi nhà báo đẹp hơn, có ý nghĩa hơn…

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-ky-niem-quy-duoc-nuoi-duong-bang-dam-me-va-trach-nhiem-voi-nghe-136200.html