Những ký ức đẹp của người từng 'băng rừng, gieo chữ'

Tôi nhớ những ngày đông rét buốt, nhiệt độ có lúc xuống đến 3-4 độ C, trò nghỉ học còn giáo viên thì cảm cúm hàng loạt vì lạnh.

Ngày hôm qua, có anh bạn bác sĩ đăng lên Facebook một video với dòng chữ: "Cảm phục những giáo viên miền núi", tôi bỗng xúc động bồi hồi đến lạ. Những ký ức một thời bỗng ùa về, trước mắt tôi là hình ảnh những con đường trơn trượt, đầy bùn, tiếng các thầy cô giáo vẫn cười nói vui vẻ, gấu quần xắn cao.. cùng nhau lội bùn lên bản cho kịp giờ.

Sáng nay, tôi ngồi đây, dưới bầu trời thu dịu mát, trong không khí hân hoan của buổi lễ khai giảng, ngày lễ khai trường. Áo trắng tinh khôi, những lá cờ tung bay phấp phới, tiếng trống khai trường giòn gã vang lên. Mọi thứ bỗng như ngày hôm qua, những ngày tôi sống hết mình với nhiệt huyết thanh xuân...

Ngược dòng thời gian, trở về ký ức của 20 năm trước, ở độ tuổi 20 thanh xuân rực rỡ, những sinh viên vừa tốt nghiệp, đã viết đơn đăng ký tình nguyện tăng cường. Thời đó điện lưới chưa có, điện từ nguồn các khe nước trong rừng vừa yếu vừa thiếu, những bóng đèn leo lét vẫn rực sáng niềm tin bên những trang giáo án.

Mùa này, không chỉ có ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên... mà cả ở những huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu cũng thường xuyên có mưa lớn, gây xói mòn sạt lở. Bởi vậy, những cung đường bị đứt gãy, mạch giao thông bị tắc nghẽn… khó khăn trăm bề khi di chuyển. Ấy vậy mà, các thầy cô giáo vùng cao không quản ngày đêm băng rừng, vượt suối đến với các em nhỏ vùng cao.

Tôi nhớ những ngày đông rét buốt, nhiệt độ có lúc xuống đến 3-4 độ C, trò nghỉ học còn giáo viên thì cảm cúm hàng loạt vì lạnh. Nhiều người còn kể rằng nếu bạn để một cốc nước qua đêm ở ngoài trời thì sáng hôm sau sẽ thấy những váng đá nổi trên mặt cốc.

Chất giọng của giáo viên từ trong trẻo vang rõ cũng ngày càng khàn vì thanh quản tổn thương do lạnh giá. Những đôi giày ba ta sờn rách vì leo dốc vượt đồi, vào tận bản xa, cơ sở lẻ để vận động học sinh, đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi những giáo viên tăng cường tình nguyện năm ấy đã góp phần gieo mầm những con chữ, thắp sáng ước mơ của các em vùng cao (Xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Bố đã tặng cho tôi cuốn" Thép Đã Tôi Thế Đấy" trong ngày tôi cầm quyết định điều động lên Kỳ Sơn nhận công tác, tôi đã đọc đi đọc lại thật kỹ. Cuốn sách như ngọn đuốc thắp lên trong tôi ngọn lửa niềm tin và hi vọng, nó như nguồn sức mạnh vô hình giữ tôi đứng vững trong những tháng ngày đầy gian nan thử thách ấy.

Không có sóng to sao có thủy thủ giỏi, không trải qua gian nan thử thách sao có được bản lĩnh vững vàng?

Xin gửi tặng hơn 1,4 triệu giáo viên lời chúc sức khỏe, kính chúc các thầy cô chân cứng đã mềm, bình an và hạnh phúc, có thật nhiều niềm vui trong công việc và luôn giữ lửa đam mê nhiệt huyết với nghề giáo.

"Mưu sinh có trăm nghề nhưng đó là sứ mệnh", hãy ghi nhớ câu nói này để có thêm niềm tin và nghị lực. Như lời bài hát “Người Giáo Viên Nhân Dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Trên những nẻo đường của tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân...”.

Tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu nói: “Giá trị sống cơ bản nhất trong cuộc đời này được tính bằng tổng giá trị mỗi chúng ta cống hiến cho cuộc đời, cho xã hội”. Và những người giáo viên đang băng rừng vượt suối đi gieo những con chữ ấy, là những bông hoa đẹp nhất, đáng trân trọng nhất.

Trà Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-ky-uc-dep-cua-nguoi-tung-bang-rung-gieo-chu-a625031.html