Những kỳ vọng từ cuộc thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày

Hàng ngàn người lao động ở Anh đã bắt đầu làm việc bốn ngày mỗi tuần kể từ hôm 6-6, với mức thu nhập không hề bị cắt giảm. Cuộc thử nghiệm mang tính lịch sử này cùng nhiều chương trình tương tự khác tại nhiều quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong mô hình làm việc, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động.

Cuộc thử nghiệm lớn nhất trong lịch sử

Tuần làm việc năm ngày, nghỉ hai ngày đã là nhịp đập của thị trường lao động Anh trong suốt hơn 80 năm qua. Tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ thay đổi, khi hàng ngàn người lao động tại Anh bắt đầu làm việc bốn ngày mỗi tuần kể từ hôm thứ Hai tuần trước, với mức thu nhập không hề bị cắt giảm. Đây được coi là cuộc thử nghiệm làm việc bốn ngày/tuần quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài sáu tháng này có sự tham gia của 3.300 người lao động tại 70 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính đến nhà hàng đồ ăn nhanh. Trong chương trình, người lao động vẫn sẽ nhận được 100% lương cho dù chỉ làm việc 80% thời gian bình thường, nhưng đổi lại họ phải cam kết giữ nguyên 100% năng suất lao động.

Điều hành cuộc thử nghiệm này là tổ chức phi lợi nhuận có tên 4 Day Week Global, tổ chức nghiên cứu Autonomy, chiến dịch 4 Day Week UK Campaign, cùng với các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford, và Đại học Boston.

Bà Sienna O’Rourke, giám đốc quản lý thương hiệu thuộc công ty sản xuất rượu Pressure Drop Brewing ở London – một đơn vị tham gia cuộc thử nghiệm, nói rằng mục tiêu lớn nhất của công ty là cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho nhân viên.

Xu hướng dần phổ biến tại nhiều quốc gia

Tại Mỹ, một số doanh nghiệp cho phép nhân viên cắt giảm tuần làm việc của họ bằng cách nghỉ ngày thứ Sáu, làm việc theo ca kết hợp, giảm lương để làm việc ít giờ hơn hoặc tự mình thiết lập thời gian biểu.

Tại New Zealand, Công ty Unilever đã bắt đầu thử nghiệm tuần làm việc ngắn hơn vào năm 2020. Tại Iceland, các cuộc thử nghiệm giảm thời gian làm việc hàng tuần xuống 35 hoặc 36 giờ, với sự tham gia của khoảng 2.500 nhân viên chính phủ, đã được mở rộng trong thời kỳ đại dịch, giúp 86% tổng số người lao động đang hoặc sẽ có thời gian biểu làm việc ngắn hơn. Tại Úc, có tới 50 doanh nghiệp dự kiến sẽ tham gia chương trình thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày.

Hầu hết các nỗ lực đang diễn ra ở khu vực tư nhân, nhưng các chính phủ ở Scotland và Tây Ban Nha đã tuyên bố cung cấp những sự hỗ trợ, bao gồm cả trợ cấp, cho ý tưởng tuần làm việc bốn ngày. Các công ty ở Ireland và Úc sẽ bắt đầu thử nghiệm vào ngày 1-8 tới, trong khi hai cuộc thử nghiệm khác sẽ được triển khai ở Mỹ và Canada vào tháng 10.

Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, nhiều doanh nghiệp và chính phủ ở châu Á cũng đang thận trọng thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc bốn ngày.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng tuần làm việc 4 ngày trong hướng dẫn chính sách kinh tế hàng năm, được công bố vào tháng 6-2021. Lãnh đạo quốc gia này hy vọng kế hoạch sẽ giúp cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động, giúp họ có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình và học hành.

Tại Philippines, giới chức chính phủ đã cân nhắc về ý tưởng tuần làm việc bốn ngày trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao. Còn tại Indonesia, Alami – một công ty cho vay, cũng đã cho phép nhân viên làm việc bốn ngày/tuần kể từ tháng 10 năm ngoái.

Những lợi ích từ tuần làm việc bốn ngày

Trước cuộc thử nghiệm ở Anh, Iceland là quốc gia có cuộc thử nghiệm lớn nhất về rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần, trong giai đoạn từ năm 2015-2019. Các cuộc thử nghiệm này cho thấy không có sự sụt giảm năng suất lao động nào ở những người tham gia, trong khi sức khỏe của họ lại được cải thiện đáng kể.

“Tôi nghĩ, xu hướng này là không thể ngăn cản”, ông Andrew Barnes, nhà sáng lập chiến dịch tuần làm việc bốn ngày trên phạm vi toàn cầu đánh giá.

Pursuit Marketing, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tổng đài chăm sóc khách hàng tại Glasgow, với các đối tác lớn như Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) hay Google, có khoảng 350 nhân viên làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần. Bà Lorraine Grey, Giám đốc điều hành công ty cho biết, kể từ khi thử nghiệm tuần làm việc ngắn hơn hồi năm 2016, năng suất làm việc đã tăng 29%, trong khi tỷ lệ nhân viên nghỉ việc chỉ là 12% mỗi năm, giảm đáng kể so với mức 17% trước đây.

Bà cũng cho biết, các tổng đài chăm sóc khách hàng, thường phải đối mặt với tình trạng “xin nghỉ ốm vào thứ Hai”, khi những người lao động muốn có một kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn. Tuy nhiên, số ngày nghỉ ốm vào thứ Hai đã giảm xuống gần như bằng 0 với mô hình làm việc mới.

Bà Lorraine chia sẻ “nhiều bà mẹ nói với chúng tôi rằng, giờ đây họ có thể làm việc nhà hay đến tiệm chăm sóc tóc khi bọn trẻ đến trường vào thứ Sáu. Khoảng thời gian nghỉ cuối tuần cũng sẽ chất lượng hơn. Một số người có thể đăng ký các khóa học tại trường đại học, hoặc dành thời gian cho các mối quan hệ”.

Bên cạnh đó, những người ủng hộ ý tưởng tuần làm việc bốn ngày cũng khẳng định, điều này có thể giúp tránh sự lãng phí thời gian do phân tâm trong công việc. Khi Barnes điều hành Công ty Perpetual Guardian ở New Zealand và thử nghiệm mô hình làm việc bốn ngày/tuần, ông nhận thấy, thời gian sử dụng các trang web không liên quan đến công việc kinh doanh của người lao động đã giảm 35%. Giáo sư Juliet Schor tại trường Đại học Boston cũng đánh giá, “mô hình mới khiến người sử dụng lao động nhận ra rằng họ có thể tin tưởng vào nhân viên của mình”.

Vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi

Tuy nhiên, việc đưa mô hình tuần làm việc bốn ngày vào áp dụng một cách phổ biến không phải là điều đơn giản, bởi vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh ý tưởng này.

Đầu tiên là việc các công ty phải rút ngắn thời gian làm việc nhưng vẫn cần duy trì năng suất. Do đó, người lao động sẽ buộc phải hoàn thành cùng một khối lượng công việc trong thời gian ngắn hơn, dẫn đến nguy cơ kiệt sức. Lịch trình dày đặc hơn cũng khiến người lao động ít có thời gian tán gẫu hay ăn trưa cùng nhau tại nơi làm việc, một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.

“Việc dồn nén công việc vào một tuần làm việc 32 tiếng đồng hồ giống như việc bạn bước vào một căn phòng chật ních đồ đạc và sau đó tắt đèn”, ông Brent Orrell, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá. Cũng theo ông Orrell, việc thời gian làm việc rút ngắn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải trả tiền làm thêm giờ cho người lao động nhiều hơn, tạo ra những gánh nặng tài chính đáng kể và nhiều rào cản trong việc sắp xếp lịch trình làm việc.

Khó khăn sẽ đặc biệt lớn đối với một số ngành nghề như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe… Mô hình mới được cho là sẽ không thể giúp tăng năng suất hay giải quyết được các vấn đề mang tính đặc thù của các doanh nghiệp này.

Nhà máy bia Vault City ở Edinburgh, Scotland đã thử nghiệm chương trình làm việc bốn ngày/tuần và giữ nguyên lương kể từ tháng 1 năm nay. Richard Wardrop, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của công ty cho biết, anh bị thu hút bởi ý tưởng mới này. Khoảng thời gian rảnh rỗi mà mô hình mới mang lại đã được anh sử dụng để đi du lịch, mua sắm hay đi chơi.

Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng lao động tăng lên, công ty của anh vẫn phải lên kế hoạch tăng ca vào cuối tuần, bởi quá trình lên men bia, luôn đòi hỏi phải có người xử lý công việc. “Bia không phải lúc nào cũng nghỉ ngơi”, Wardrop cho biết.

Tình hình hiện tại của nền kinh tế cũng mang lại những rào cản đối với các nỗ lực rút ngắn thời gian làm việc. Ông Robert Skidelsky, một chuyên gia kinh tế từng tham gia đánh giá ý tưởng tuần làm việc bốn ngày cảnh báo “ý tưởng này không nên được đưa vào luật”. Theo ông, trong bối cảnh thu nhập thực tế sắp giảm khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang, người lao động sẽ muốn làm việc nhiều hơn để duy trì mức sống của mình, thay vì giảm giờ làm.

Theo Wall Street Journal, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp tỏ ra chưa mấy mặn mà với ý tưởng tuần làm việc bốn ngày. Một nghiên cứu mới được thực hiện tại Mỹ bởi Công ty tư vấn Sequoia cho thấy, trong số 459 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty công nghệ tham gia khảo sát, có tới 90% chưa có kế hoạch áp dụng tuần làm việc 4 ngày. Thực tế này cho thấy, sẽ phải mất thêm nhiều thời gian, để mô hình mới có thể được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thực sự cho người lao động.

Nguồn: The Guardian, WSJ, Washington Post, CNN Business, Nikkei Asia, The Week, New York Times

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-ky-vong-tu-cuoc-thu-nghiem-tuan-lam-viec-bon-ngay/