Những lá thư tay mang theo đầy nhung nhớ

Xã hội phát triển khiến những lá thư tay dần thế chỗ bằng những bức thư điện tử với tốc độ nhanh chóng mặt. Thế nhưng lá thư tay đã từng tồn tại và mang theo đầy nhung nhớ, là một trong những nét đặc trưng của thế kỷ 20. Quán Thanh xuân tháng 10 với chủ đề 'Một thế kỷ thư tay - Thanh xuân xa nhớ' đã khơi dậy lại những ký ức đẹp đẽ trong lòng khán giả.

Lá thư chiến trường - điểm tựa cho người lính

Với những người lính ở chiến trường thì những lá thư tay như một điểm tựa, một hậu phương vững chắc để người lính vững vàng, cầm chắc cây súng bảo vệ Tổ quốc. Đó là một lẽ sống hết sức con người, bởi những những người lính - họ là những chàng trai 18, 20 tràn đầy tình yêu và nhựa sống, họ khao khát được yêu và được sống trong cảm xúc hạnh phúc khi có người con gái chờ đợi mình.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh - một người lính từng tham gia mặt trận Quảng Trị ác liệt, chia sẻ: “Chúng tôi cần bấu víu vào những thứ tình cảm ở phía sau, đặc biệt là tình yêu của một người con gái, để có niềm tin, động lực chiến đấu”.

 Bằng cách nói chuyện hài hước nhà báo Phùng Huy Thịnh luôn thu hút khán giả qua câu chuyện của mình. (Ảnh: VTV)

Bằng cách nói chuyện hài hước nhà báo Phùng Huy Thịnh luôn thu hút khán giả qua câu chuyện của mình. (Ảnh: VTV)

Nhà báo Huy Thịnh cũng đã kể cho khán giả câu chuyện tình cảm động của ông với một nữ sinh người gốc Quảng Trạch, Quảng Bình. Đó là vào năm 1972, trong một lần hành quân gặp một đoàn chiếu phim tại địa phương, ông cùng đồng đội đã hòa vào dòng người xem.

Thấy những cô nữ sinh trẻ trung, xinh đẹp đang bàn tán chuyện nên chọn trường đại học nào để thi, nhà báo Huy Thịnh cùng đồng đội đã tiếp cận và tư vấn cho các em. Trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ, ông đã làm quen và ấn tượng thật sâu sắc với cô gái tên Nguyễn Thu Hiền.

Sau đó, ông phải cùng đơn vị hành quân tiếp và hai người đã thư từ qua lại với nhau với tần suất 2 ngày/lá. Nhưng cuối cùng tình cảm nhạt dần đi, những bức thư tay cũng giảm dần đi và họ đã lạc mất nhau.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ tình cảm của mình với lính quân bưu và” bật mí” xuất xứ bài thơ “Không đề” nổi tiếng. (Ảnh: VTV)

Còn với người lính thông tin như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì có đặc biệt hơn vì lính thông tin với lính quân bưu thường song hành cùng nhau. “Khi ấy, mỗi trạm máy thông tin bao giờ cũng có trạm quân bưu bên cạnh hoặc sở chỉ huy của đại đội quân bưu bao giờ cũng cạnh sở chỉ huy của đại đội trạm máy hoặc một đại đội của lính xây dựng đường dây. Với tôi người lính quân bưu là những người anh hùng thầm lặng, tất nhiên cũng có những anh hùng đã được vinh danh như: Phạm Hữu Thoan, Trương Công Man…”, nhạc sĩ Thụy Kha chia sẻ.

Nhạc sĩ Thụy Kha cho biết, hồi vào bộ đội ông cũng đã có cô bạn gái cùng quê. Thế nhưng, sau đó hai người không đến được với nhau, sau đó cô người yêu đi lấy chồng. Ông đã đặt giả thuyết rằng, có lẽ do có tin báo ông đã hy sinh trong chiến trường hoặc cũng có thể ông không “dịu dàng” như các chàng trai khác.

Đặc biệt trong chương trình, nhạc sĩ đã lần đầu chia sẻ xuất xứ của bài thơ nổi tiếng “Không đề” với chỉ vỏn vẹn 4 câu: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Chợt thấy mình tách làm hai nửa/Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa” đã được nhiều thế hệ bạn trẻ yêu thích và truyền tay nhau chép lại trong vô vàn những cuốn lưu bút và đã được dịch sang tiếng Anh, hiện lưu trữ tại Đại học Havard.

Trong chương trình, nhạc sỹ Thụy Kha cũng mang đến “món quà” là bức thư của người yêu cũ viết cách đây 47 năm. Đó là bức thư cuối cùng trước khi cô người yêu đi lấy chồng. Nhận được lá thư với rất nhiều suy nghĩ trong tuyệt vọng nhưng ông vẫn kiên trì viết rất nhiều lá thư như một sự bấu víu vào để cảm giác như ông đang tồn tại, như việc ông có mục tiêu, lý tưởng để chiến đấu. Ông đã cố gắng bịa ra muôn vàn lý do để giải thích cho việc thư không đến được để rồi tiếp tục nuôi hy vọng.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải quấy động trường quay Quán Thanh xuân trong vai một anh lính quân bưu, sau đó anh đã biểu diễn ca khúc “Anh quân bưu vui tính”. (Ảnh: VTV)

Còn nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính của chiến trường Vị Xuyên năm xưa, lại kể câu chuyện hài hước về những bức thư mà anh cũng như đồng đội của mình nhận được ở mặt trận. Ông kể, khi ở Hà Giang quân bưu chỉ đưa thư đến tiểu đoàn nên đồng đội có việc gì lên tiểu đoàn sẽ mang về giúp. Khi ấy người mang thư về sẽ giao kèo: Nếu thư của bố gửi thì phải trả phí bằng 1 điếu thuốc, của mẹ là 2 điếu, của người yêu là 3 điếu, còn nếu có dòng chữ “Em gái phương xa” thì 5 điếu.

Tất nhiều đều ghi nợ bằng mồm và xí xóa hết. Cũng trong chương trình, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã giới thiệu với khán giả hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Thư về với mẹ”, đó là trong một lần đi chôn xác đồng đội, anh bắt gặp bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Bức thư của đồng đội làm anh nghẹn ngào nhớ đến mẹ của mình và chắp bút nên ca khúc này.

Lá thư gửi từ nước ngoài - chất chứa những điều thiêng liêng

Trong chương trình, nhà thơ Hữu Việt kể về năm tháng đi học ở đất nước Liên Xô và thường xuyên hóng thư từ gia đình. Hàng ngày đi học xong là anh lại chạy ngay về ký túc xá chỉ mong nhận được thư, ngày chủ nhật còn dạy sớm hỏi xem có thư không rồi lên ngủ tiếp.

Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ kỷ niệm nhận được thư khi ở Liên Xô học tập. (Ảnh: VTV)

Thậm chí, có lần trong giờ học anh còn viết thư và bị thầy giáo bắt được. Anh đã “bịa” ra là đang dịch bài giảng của thầy sang tiếng Việt cho dễ hiểu. Nhưng có một kỷ niệm khiến anh không thể nào quên được, đó là bức thư của cha anh - nhà văn Hữu Mai viết và cũng chính ông sang Liên Xô đưa cho anh.

Đó là câu chuyện của nhà văn Hữu Mai và nhà thơ Chế Lan Viên được cử đi dự Nhà văn Á Phi. Đáng ra nhà thơ Chế Lan Viên sẽ đi và nhà văn Hữu Mai sẽ gửi nhà thơ bức thư cho con trai. Thế nhưng, nhà thơ đã dành xuất đi Liên Xô cho nhà văn Hữu Mai để ông có điều kiện gặp con trai của mình.

Còn nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng lại kể câu chuyện về một bức thư có 3 dấu hỏi, 3 dấu chấm than, 3 dấu chấm của một anh người yêu là Việt kiều tại Liên Xô. Mọi suy đoán của nữ danh hài về dấu 3 chấm lửng đều không đúng. Đó là câu chuyện tình yêu buồn của chị, họ đã không đến được với nhau nhưng những lá thư của họ sẽ mãi ghi dấu những kỷ niệm đẹp đẽ về một mối tình dang dở.

Ca sĩ Tùng Dương phiêu trong ca khúc “Gửi người em gái” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, sau đó anh thể hiện tiếp ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. (Ảnh: VTV)

Thật bất ngờ, bằng một cách nào đó chương trình đã có lá thư của cha ca sĩ Tùng Dương lúc ấy ở Liên Xô gửi con trai khi anh đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông mong mỏi, kỳ vọng vào sự thành công của người con trai. Và quả thực đã 20 năm trôi qua, “câu bé 17 tuổi” Tùng Dương ngày ấy giờ đây đã trở thành giọng ca tên tuổi của đất nước, xứng đáng với sự kỳ vọng của người cha thân yêu.

Đặc biệt ở cuối chương trình, diễn viên, MC Đan Lê đã chia sẻ những lá thư thời sinh viên với người chồng hiện tại của cô bây giờ, nam đạo diễn Khải Anh. Họ đã thề thốt, hẹn ước nhau qua những lá thư, đó là một tình yêu đẹp, thật đáng ngưỡng mộ. Đến với chương trình, nữ MC xinh đẹp đã gửi tặng khán giả ca khúc “Gửi anh xa nhớ” đầy tình cảm.

Chương trình khép lại đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chương trình đã mang đến một thông điệp là dù xã hội có phát triển đến đâu, công nghệ hiện đại như thế nào thì lá thư tay vẫn là một phần ký ức trong thanh xuân của mỗi người.

L.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-la-thu-tay-mang-theo-day-nhung-nho-97574.html