Những lá thư thời chiến - 'chứng nhân' lịch sử

'Những lá thư thời chiến Việt Nam' cung cấp cái nhìn chân thực về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng đất nước.

Một thời hào hùng của dân tộc

Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá - nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, giới thiệu 200 lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư của chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gửi đến Ban biên soạn.

Thành viên CLB Mãi mãi tuổi 20 với khách mời tại giao lưu

Thành viên CLB Mãi mãi tuổi 20 với khách mời tại giao lưu

Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, song từng cánh thư tay với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ; minh chứng sâu sắc tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng không thể nào quên của dân tộc Việt Nam…

Đó là thư của nguyên Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Duy Hưng xin cho hai con trai nhập ngũ đánh giặc; thư nữ tướng Nguyễn Thị Định viết riêng cho đồng đội, Thiếu tướng Trần Văn Phác; ba lá thư của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20; những bí mật dưới thành cổ Quảng Trị, những lá thư tình không gửi viết tại chiến trường B5…

Bấy nhiêu lá thư là bấy nhiêu câu chuyện sinh động, phong phú, cảm động về những tháng ngày gian lao chiến đấu, hành quân thần tốc ra chiến trường khốc liệt; những phút giây nghỉ ngơi, nhớ về gia đình, người thương nơi quê nhà, những sẻ chia ấm tình đồng đội của chiến sĩ một thời hoa lửa...

Cuốn sách tuyển tập nội dung 200 lá thư thời chiến

Chia sẻ trong buổi giao lưu “Những trang thư viết từ chiến trường” sáng 6.5, Đại tá Đặng Vương Hưng cho biết, tháng 12.2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay mặt một nhóm nhà văn và cựu chiến binh, ông đã chính thức phát động Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh... chính là kết quả của cuộc vận động này. Và đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu, cùng hàng trăm cuốn sách khác của Tủ sách Mãi mãi tuổi 20", Đại tá Đặng Vương Hưng thông tin.

Tri ân những con người làm nên lịch sử

Giao lưu "Những trang viết từ chiến trường" sáng 6.5 tại Hà Nội

Là một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như nhiều cựu chiến binh khác, Đại tá Đặng Vương Hưng hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh và mất mát.

“Công việc viết văn đã giúp tôi ‘ngộ’ ra một điều: Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn!”.

Khách mời chia sẻ cảm xúc về cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý CLB Mãi mãi tuổi 20 Trần Hồng Dung, cuốn sách cùng những câu chuyện chân thực nhắc nhớ chúng ta nhiều việc cần làm. Trước mắt là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hành trình tri ân các anh hùng liệt sĩ; sau đó là những việc làm thiết thực nhằm bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của các anh hùng; giúp đỡ gia đình và thân nhân họ.

Mong muốn thế hệ trẻ hiểu thêm lịch sử, hiểu hơn sự mất mát, hy sinh của các thế hệ cha ông, Đại tá Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng Quản lý CLB Trái tim người lính, cũng cho rằng, các bạn trẻ cần nghiên cứu, tìm hiểu các câu chuyện và nhân chứng lịch sử. Đó là những bài học nhắc chúng ta không quên quá khứ, không quên sự hy sinh của lớp người đi trước cho Tổ quốc.

“Tôi có bố và anh trai tham gia kháng chiến chống Pháp và đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, đã để lại máu xương tại các chiến trường. Vì vậy, mỗi trang viết, dòng nhật ký hay những kỷ vật, câu chuyện mà họ để lại giúp tôi và những người thân nhớ lại những ngày tháng xưa để trân quý cuộc sống hôm nay. Giống như khi chúng ta đọc Những lá thư thời chiến Việt Nam sẽ có cái nhìn nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từ đó thêm trân quý lịch sử và những con người làm nên lịch sử", Đại tá Trần Trọng Giá chia sẻ.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nhung-la-thu-thoi-chien-chung-nhan-lich-su-i326853/