Những làng hoa mới ven đô

Tết Nguyên đán đã cận kề. Đi trên những cánh đồng hoa, cảm nhận mùa xuân đang đến gần với không khí rộn rã và những bông hoa bắt đầu khoe sắc. Từ xưa, Hà Nội đã là nơi có những làng hoa truyền thống nổi tiếng. Để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người dân Thủ đô, nhiều làng hoa mới ven đô đã mọc lên. Những cánh đồng hoa bát ngát đem lại cuộc sống no ấm, giàu đẹp cho người dân vùng ngoại thành.

Mùa đông năm nay, thời tiết ấm hơn thường lệ khiến nhiều hộ gia đình trồng hoa lao đao. Nhưng trước Tết Nguyên đán hơn nửa tháng, những cơn mưa phùn gió bấc tràn về. Với người trồng hoa, đây thật sự là “đợt rét vàng”. Thời tiết đã góp phần cứu những ruộng hoa. Không khí trên cánh đồng đào, quất cảnh ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) hối hả hơn bao giờ hết. Mọi người đánh quất, đào để xuất hàng. Anh Hoàng Quốc Hùng, người trồng khoảng hơn 200 gốc quất cảnh cho biết: “Tiên Dương chúng tôi vừa trồng đào, vừa trồng quất. Năm nay mưa ít nên quả quất kém to hơn mọi năm. Tuy quất ít bị ảnh hưởng hơn so với các loài hoa khác, nhưng nếu trời cứ nắng như dạo đầu tháng Chạp thì chúng tôi cũng mất ăn, mất ngủ. Quất đánh lên chỉ vài hôm là héo úa. Nhưng với thời tiết này thì đỡ lo hơn, nhiều người hy vọng là đào quất ít hơn thì sẽ được giá”. Hơn chục năm trước, cũng như nhiều địa bàn khác thuộc huyện Đông Anh, nghề trồng hoa, cây cảnh còn xa lạ với người dân Tiên Dương, vốn có tiếng là vùng chuyên canh các loại rau củ phục vụ cho thị trường Hà Nội. Những xã Uy Nỗ, Tàm Xá, Kim Chung… là những địa phương đầu tiên ở Đông Anh biết đến nghề trồng hoa, cây cảnh. Ban đầu chỉ là một vài nhà làm, sau thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người học theo. Trồng rau xanh cũng đem lại kinh tế khá cho người Tiên Dương, dẫu vậy vẫn không sánh được với nghề trồng hoa, cây cảnh. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân Tiên Dương học hỏi các địa phương lân cận, bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cây đào, cây quất cảnh được “định cư” trên mảnh đất này. Hiện giờ, Hà Nội có khoảng hơn 2.700 ha đất trồng hoa, thì riêng Đông Anh đã có khoảng 500 ha, gần bằng một phần năm diện tích trồng hoa của thành phố. Nghề trồng hoa, cây cảnh là một trong những “giá đỡ” để Đông Anh trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2016.

Hà Nội có nhiều làng hoa truyền thống như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá…, nhưng những năm gần đây, nếu nhìn “bản đồ các làng hoa”, có thể thấy sự dịch chuyển rõ nét. Ngọc Hà, Nghi Tàm chỉ còn là ký ức. Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng… diện tích trồng thu hẹp dần. Phần lớn người dân khu vực quận Tây Hồ tập trung trồng các loại hoa, cây cảnh giá trị kinh tế cao. Những vùng trồng hoa mới ra đời. Những vùng trồng hoa xuất hiện sau này phải kể đến Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm (huyện Mê Linh), Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm). Rồi dần dần, nghề trồng hoa nở rộ ở các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín... Trước kia, người dân xã Đông La (huyện Hoài Đức) chỉ coi hoa lan là thú chơi, mấy ai dám nghĩ đến chuyện trồng lan, làm giàu. Thế rồi một vài hộ nhận thấy thị trường ngày càng có nhu cầu cao hơn về hoa lan, về giống lan mới mày mò tìm cách nhân giống, từ thú chơi biến thành làm kinh tế. Người này thành công mách bảo người kia, cứ thế, nghề trồng lan ngày một phổ biến. Theo Chủ tịch UBND xã Đông La Trần Văn Quý, toàn xã hiện có khoảng 200 hộ trồng, kinh doanh hoa lan, chủ yếu tập trung ở hai thôn Đồng Nhân, Đông Lao. Dịp Tết cũng là mùa thu nhập chính của người dân Đông La. Những loại hoa được bán chủ yếu trong dịp đón năm mới là: hồ điệp, ngọc điểm, thủy tiên... Riêng lan ngọc điểm còn có tên là lan nghinh xuân, nên được khá nhiều người ưa chọn. Tuy chăm hoa lan như chăm con mọn, nhưng hoa lan cho giá trị kinh tế rất cao. Chuyện những vườn lan tiền tỷ ở Đông La không phải là chuyện hiếm. Nổi tiếng nhất phải kể đến vườn lan của gia đình ông Hoàng Ngọc Trường, năm ngoái, thu nhập từ trồng lan lên đến khoảng mười tỷ đồng. Năm nay, dự kiến ít nhất con số cũng tương đương. Còn thu nhập vài trăm triệu đồng từ vườn lan là chuyện hết sức phổ biến. Đông La giờ đã trở thành một làng giàu có, trù phú nổi tiếng của xứ Đoài.

Mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng. Nếu như vùng Mê Linh, Bắc Từ Liêm bắt đầu chuyển hướng sang thâm canh công nghệ cao, thì vùng Đông Anh tập trung trồng đào, quất, các loại hoa cúc, thược dược, lay ơn, Thường Tín trồng cây cảnh, cây thế, một số nơi ở Hà Đông trồng đào, vùng Đan Phượng chủ yếu phát triển hoa ly... Nghề trồng hoa không những góp phần làm đẹp cho thành phố, mà còn giúp người dân làm giàu. Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, giá trị thu nhập của nghề trồng hoa trung bình đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Những mô hình trồng cây thế, hoa công nghệ cao còn cho thu nhập cao hơn. Trồng hoa rất thích hợp với điều kiện đất canh tác bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa ngày một cao. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hoa của người dân, thành phố vẫn phải nhập một số lượng đáng kể hoa ngoại và từ các địa phương khác. Tiềm năng của nghề trồng hoa còn rất lớn. Những làng hoa mới ven đô sẽ còn xuất hiện. Nhưng nghề trồng hoa, cây cảnh đòi hỏi đầu tư lớn. Vì vậy, người trồng hoa nói chung mong muốn thành phố có quy hoạch các vùng trồng hoa một cách ổn định, lâu dài, tránh tình trạng một số địa phương vừa mới ổn định nghề trồng hoa lại bị thu hồi đất để triển khai các dự án xây dựng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31882602-nhung-lang-hoa-moi-ven-do.html