Những lễ hội độc đáo không thể bỏ qua trong tháng Giêng

Tháng Giêng được gọi là tháng ăn chơi bởi thời gian này trên khắp cả nước diễn ra nhiều lễ hội truyền thống ấn tượng, đặc sắc và nhiều ý nghĩa.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh: Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được coi là lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm, thường khai hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc. (Ảnh: Người lao động)

Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh: Hội xuân núi Bà Đen khai mạc ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Du khách có thể lưu lại chùa một hai ngày, thưởng thức cơm chay, rồi tha thẩn lên đỉnh núi ở độ cao 380m nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà. (Ảnh: Sức Khỏe và Đời sống)

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội: Lễ hội Chùa Hương thường được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc. Không chỉ là danh thắng nổi tiếng với phong cảnh hữu tình từ non nước mênh mông của suối Yến tới cảnh sắc hùng vĩ của động Hương Tích, chùa Hương còn tập hợp nhiều đền chùa, hang động, trở thành quần thể thắng cảnh rộng lớn, một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn: Diễn ra trong khoảng mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009. (Ảnh: Lao Động)

Lễ hội đền Gióng: Lễ hội Gióng ở đền Sóc được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 âm lịch tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Hội Xoan: Hội Xoan diễn ra tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến mùng 10 âm lịch. Đây là lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Hội chợ Viềng: Diễn ra tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chợ họp từ đêm mùng 7 cho đến hết mùng 8 tháng Giêng. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên, bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ, từ hoa cây cảnh đến cuốc, xẻng và cả những những bộ tế khí, lư hương đồng… Với quan niệm đi chợ Viềng “mua may, bán rủi”, người bán kẻ mua đều vui vẻ, người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. (Ảnh: Lao Động)

Lễ hội Lồng Tồng: Là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngoài phần lễ, phần hội gắn liền với các trò chơi dân gian luôn được đồng bào và du khách đón đợi như ném còn, đi cà kheo, múa rối, chọi gà, đánh đu, múa võ, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ và hát then. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Lễ hội xuân Yên Tử: Chính thức khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch. Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. (Ảnh: Dân Việt)

Hội Lim: Là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào 8h sáng ngày chính hội 13 tháng Giêng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. (Ảnh: Người đưa tin)

Khai ấn Đền Trần – Nam Định: Lễ hội ở đền Trần diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp. (Ảnh: Kinh Tế Đô Thị)

Lễ hội chùa Tam Chúc: Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chỉ cách Hà Nội hơn 60 km, chùa Tam Chúc đang là điểm đến thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Điều làm nên nét riêng của chùa Tam Chúc là sự kết hợp từ phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng những kỉ lục thế giới và hiện vật quý tại chùa. Thời gian tổ chức lễ hội chùa Tam Chúc Hà Nam từ ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Xem thêm video: Hàng ngàn người tham dự Lễ hội tại chùa Tam Chúc. Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhung-le-hoi-doc-dao-khong-the-bo-qua-trong-thang-gieng-1797107.html