Những lễ hội ma quỷ kỳ lạ nhất thế giới

Lễ hội tế quỷ Black Mass ở Mexico, lễ hội Krampus Night ở Đức, lễ hội Diablada de Pillaro ở Ecuador... là 3 trong những lễ hội ma quỷ kỳ lạ nhất thế giới.

Krampus Night – lễ hội của quỷ dữ trong đêm Giáng sinh ở Klagenfurt, Đức là một trong những lễ hội ma quỷ. Ác quỷ Krampus là người anh em song sinh đối lập với Ông già Noel. Theo văn hóa dân gian Đức, Krampus có nghĩa là “móng vuốt”, sinh vật được mô tả có vẻ ngoài của quỷ này có “nhiệm vụ” đánh và trừng phạt những đứa trẻ không ngoan bằng cây gậy gỗ của mình.

Thậm chí, Krampus còn có một chiếc túi màu đen đeo sau lưng và để chứa những đứa trẻ nghịch ngợm trước khi đem trẻ em hư về sào huyệt rồi ăn thịt. Hàng năm, có rất nhiều người hóa trang thành ác quỷ Krampus và diễu hành trên phố.

Lễ hội nhảy qua đầu trẻ em El Colacho ở Castrillo de Murcia, miền Bắc Tây Ban Nha là một trong những lễ hội nguy hiểm nhất thế giới được tổ chức để xua đuổi ma quỷ. Theo truyền thống, một số người đàn ông hóa trang, sắm vai ác quỷ Colacho và nhảy qua đầu các em bé nằm phía dưới mà không được gây một chút thương tích nào cho các bé, rồi tiếp tục chạy ra khỏi thị trấn.

Lễ hội đáng sợ này được cho là tổ chức từ năm 1620. Người ta tin rằng, những em bé dưới 12 tháng tuổi được El Colacho "nhảy qua mặt" sẽ không mắc bệnh tật, tránh gặp điều xui xẻo, ma quỷ.

Lễ hội tế quỷ Black Mass ở Catemaco, bang Veracruz, Mexico thường được tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 3. Được tổ chức tại cửa một hang động - nơi người ta cho rằng quỷ Satan tồn tại, những người tham gia lễ hội tế quỷ đã cầu nguyện và thề trung thành với linh hồn của quỷ trước một bức tượng quỷ Satan.

Lễ hội tế quỷ kỳ lạ này bắt đầu bằng việc các trinh nữ đốt nến rồi xếp chúng thành hàng trên mặt đất nhằm để cầu may mắn trong tương lai và quên quá khứ đau buồn.

Lễ hội Diablada de Pillaro ở Ambato, Ecuador là lễ hội ma quỷ nhảy múa được UNESCO công nhận là lễ hội văn hóa có tầm quan trọng. Trong thời gian diễn ra lễ hội tiễn năm cũ, đón năm mới, người dân địa phương mặc trang phục có màu vàng, đen và đeo mặt nạ có sừng hình thù ghê rợn. Trong đó, một số nặt nạ sử dụng da và răng của động vật.

Người ta tổ chức lễ này vì quan niệm sẽ đem lại may mắn. Nếu người nào đóng giả ma quỷ thì sẽ phải thực hiện liên tục như vậy trong 7 năm để những điều kỳ lạ, không may mắn sẽ không xảy đến với họ.

Lễ hội San Sebastian ở Adeje đánh dấu ngày thánh Saint Sebastian – vị thần bảo vệ động vật chống lại bệnh tật được tổ chức hàng năm. Vào ngày này, người dân địa phương dùng củ cải ném vào ác quỷ. Một số người đàn ông trẻ sẽ cải trang, ăn mặc sặc sỡ giống quỷ Jarramplas có mắt to, miệng nhọn.

Khi Jarramplas xuất hiện, người dân sẽ ném củ cải về phía ác quỷ này để xua đuổi nó đi nơi khác. Những người đóng giả Jarramplas có thể bị thương mặc dù đã mặc những lớp áo bảo vệ bên trong. Mục đích của lễ hội là xua đuổi ác quỷ ra khỏi thị trấn.

Tâm Anh (theo TRT)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nhung-le-hoi-ma-quy-ky-la-nhat-the-gioi-538822.html