Những loại hoa mùa xuân có thể dùng làm thuốc

Xuân về, có những loài hoa không thể thiếu trong bình hoa, chậu cảnh của mỗi gia đình. Những hương sắc mà các loài hoa này đem đến không chỉ là khí xuân của đất trời, mà chúng còn là những vị thuốc có lợi cho sức khỏe khi được chế biến thành món ăn, bài thuốc. Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM chia sẻ với bạn đọc ĐS&PL công dụng đối với sức khỏe của một số loài hoa mùa xuân.

Hoa đào - biểu tượng của tình yêu và sức khỏe

Ở Việt Nam, cây đào được trồng phổ biến ở Trung du và miền núi Bắc Bộ để làm cảnh, ăn trái và làm thuốc. Có nhiều giống đào khác nhau như: Đào bích có hoa màu đỏ thẫm, nhiều cánh xếp khít nhau. Đào phai hoa màu hồng, cây có nhiều hoa. Đào bạch hoa màu trắng, cây ít hoa. Ngoài ra, còn có đào ăn quả với hoa màu hồng nhạt, một lớp cánh gọi là hoa đơn. Những bộ phận của cây đào được dùng làm thuốc đông y như hoa, lá, cảnh, quả, nhân hạt, nhựa và dễ đào.

Trong Đông y, hoa đào vị đắng, tính bình, không độc, có tác dụng trừ đàm, tiêu tích trệ, lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện. Đồng thời, được dùng để chữa các bệnh như thủy thũng, cước khí, đại tiện táo, tiểu tiện không thông, kinh bế, đau vùng tim, mụn nhọt… theo cách dùng hoa đào khô tán thành bột, uống với nước ấm hoặc với rượu trắng, liều lượng 3-5g/ngày.

Hoa đào nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Đặc biệt, hoa đào còn dùng trị chứng rụng tóc, hói đầu bằng cách, dùng bột hoa đào trộn đều với dầu mè, bôi lên chỗ bị rụng tóc, hói đầu. Ngoài ra, lấy 30g hoa đào tươi và 10g hoa đào khô đem sắc uống, giúp chữa đại tiện táo kế. Lấy hoa đào tươi 30g, trộn với bột mỳ, thêm ít đường, nướng chín thành một loại bánh để ăn vào lúc đói bụng, chữa chứng tiểu tiện không thông. Lấy bột hoa đào hòa với dấm, thành hỗn hợp sền sệt trị mụn nhọt trên cơ thể…

Hoa mào gà - tăng lực, bổ khí huyết

Tên khoa học của hoa mào gà là Celosia cristata L., thuộc họ rau dền. Hoa mào gà còn được gọi là kê quan hoa, kê đầu, mồng gà. Trong Đông ty, hoa mào gà có công dụng chữa chứng dạ dày, ruột hoặc tử cung bị xuất huyết bằng cách: Lấy hoa mào gà đỏ 10-16g khô, sấy giòn, tán thành bột, ngày uống 3 lần, 1-2g/lần với nước cháo loãng. Chữa viêm âm đạo, khí hư bạch đới có thể dùng hoa mào gà tươi 500g kết hợp nước cốt củ sen 500ml, bằng cách đem rửa sạch hoa mào gà, nấu với nước sạch một lượng thích hợp, sau 20 phút chắt lấy nước một lần rồi châm nước vào nấu tiếp.

Chắt đủ như thế 3 lần, đem gộp chung lại nấu lửa nhỏ đến khi cô đặc, đổ nước cốt củ sen vào nấu cho tới khi thấy nước thuốc sền sệt thì bắc xuống. Đợi khi ấm thì thêm đường cát trắng 500g vào trộn đều, dàn mỏng trên dĩa lớn, phơi khô, tán bột cho vào hũ sạch, đậy kín để dùng dần. Ngày uống 3 lần, 10-12g/lần với nước ấm vào lúc bụng đói. Theo cách này giúp chữa viêm âm đạo, khí hư bạch đới bệnh của chị em phụ nữ rất tốt.

Tăng lực, bổ khí huyết nhờ hoa mào gà

Theo Lương y Đinh Công Bảy, ngoài những tác dụng trên, hoa mào gà còn dùng chữa đại tiện ra máu khi dùng hoa mào gà trắng 30g, trắc bá diệp 30g, cỏ nhọ nồi 30g đem sắc uống. Chữa đi tiểu buốt và ra máu theo cách: Hoa mào gà trắng đốt tồn tính mỗi ngày uống 15-20g với nước cơm hoặc dùng 15g sắc uống. Đặc biệt, hoa mào gà còn có công dụng chữa bế kinh. Dùng 24g hoa mào gà tươi đem hầm chín mềm với 100g thịt heo nạc chia 2 lần ăn trong ngày. Đồng thời, nó cũng có công dụng chữa kinh nguyệt ra quá nhiều bằng cách: Hoa mào gà đỏ rửa sạch, phơi khô, sao cháy, tán thành bột mịn, ngày uống hai lần, mỗi lần 6-9g với nước ấm.

Cúc vạn thọ - biểu tượng cho ước muốn trường thọ và hạnh phúc

Cúc vạn thọ còn gọi là kim cúc hoặc kim hoa cúc. Loài hoa này có nguồn gốc từ Mehico, nhập trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới. Cây ra hoa rộ vào mùa đông cho đến mùa hè. Cúc vạn thọ thường được trưng trong các ngày lễ, tết, ngày một hôm rằm. Khi dùng làm thuốc, người ta thu hái loài hoa này vào mùa xuân-hè, phơi nắng hoạc sấy nhỏ lửa cho khô để bảo quản màu sắc, mùi thơm và phẩm chất. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, hoa, rễ. Toàn cây có chứa 0,01% tinh dầu, ở cây khô lượng tinh dầu lên tới 0,06%. Tinh dầu hoa cúc vạn thọ có tác dụng ức chế một số loài nấm.

Lương y Đinh Công Bảy cho hay, cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát. Trong Đông y, loài hoa này có tác dụng tiêu viêm, long đờm, thông khí, trừ phong nhiệt… Ngày dùng 10-16g hoa khô, sắc uống giúp chữa ho phong nhiệt, ho gà, viêm khí quản, viêm miệng, viêm hầu họng, viêm kết mạc mắt, đau răng, cao huyết áp. Có thể dùng ngoài da bằng cách, lấy hoa tươi rửa thật sạch, nghiền với chút giấm để đắp chữa viêm tuyến mang tai, viêm vú, viêm da có mủ.

Chữa cao huyết áp, chóng mặt, người nóng bứt rứt bằng cách lấy cúc vạn thọ 106g, hoa hòe 10g, hoa cúc 10g, nấu với 750ml nước. Để chữa đau răng dùng hoa cúc vạn thọ 5 bông, 5 lá nhãn, 15 hạt muối ăn đem giã nhỏ chia 3 phần đều nhau, mỗi lần đặt một phần thuốc vào nơi răng đau. Còn hai phần ngậm thay đổi mỗi lần một phần…

Quỳnh Hương (ghi)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nhung-loai-hoa-mua-xuan-co-the-dung-lam-thuoc-a221496.html