Những loại thuốc cứu vãn loài người

Trong quá khứ, con người sử dụng các dạng bào chế để chữa bệnh như uống thuốc, hít khí dung và bôi thuốc mỡ.

Song, một số nhỏ các chất có thể được cho là đã tạo ra cuộc cách mạng đối với y học. Dưới đây là 7 loại thuốc gắn với những sự kiện đáng nhớ trong nền y học thế giới.

1. Insulin

Việc phát hiện ra Insulin chắc chắn là một bước đột phá lớn trong y học. Trước khi phát hiện ra Insulin, những người mắc bệnh tiểu đường thường tử vong khi còn trẻ. Các nhà khoa học Canada - Frederick G. Banting và Charles H. Best cùng đồng nghiệp được ghi nhận là người phát hiện và phân lập hormone này vì đã tìm ra phương pháp sản xuất Insulin.

Tuy nhiên, nhà sinh lý học Rumani - Giáo sư Nicolae Paulescu dường như đã đi trước các đồng nghiệp người Canada. Bởi, trước đó, vào năm 1916, ông đã phân lập một chất từ tụy và đặt tên là pancrein. Chất này có tác dụng giảm đường huyết đối với động vật thí nghiệm.

Sau đó, Thế chiến thứ nhất nổ ra, khiến ông Paulescu phải phục vụ trong quân đội. Ông đã công bố phát hiện của mình vào năm 1921. Tuy nhiên, công bố đó bị lu mờ trước báo cáo của các nhà khoa học Canada.

Khi Frederick Banting và John James Rickard Macleod được trao giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học năm 1923, Paulescu đã viết thư cho Ủy ban giải thưởng Nobel. Paulescu tuyên bố, ông đã phát hiện và sử dụng Insulin trước.

Tuy nhiên, thông tin của ông không được chấp nhận. Sau này, Giáo sư sinh lý học Ian Murray Anderson thuộc Đại học Y khoa Glasgow, Scotland, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiểu đường Anh, thành viên sáng lập của Liên đoàn Tiểu đường quốc tế đã xác nhận, nghiên cứu của Paulescu có ý nghĩa lớn trong việc tìm ra Insulin.

2. Aspirin

Năm 1899, Công ty Farbenfabriken vormals Friedrich Bayer & Co. (sau này là Bayer AG) đã giới thiệu ra thị trường Aspirin - một loại thuốc giảm đau được xếp hạng cao trong số các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Công ty ghi nhận, nhà hóa học Bayer Felix Hoffmann đã tổng hợp axit acetylsalicylic tinh khiết - thành phần hoạt tính của Aspirin.

Tuy nhiên, nhiều thập kỷ sau, cựu nhà hóa học của Bayer - Arthur Eichengrun, đã tuyên bố ông mới là người phát minh ra quy trình tổng hợp hợp chất. Trong khi đó, nhà hóa học Hoffmann chỉ thực hiện quy trình này. Song, Công ty Bayer khẳng định, ông Hoffmann là người phát minh ra thành phần của Aspirin.

Arthur Eichengrun sinh năm 1867 tại Aachen, bang Nordrhein-Westfalen, cực Tây nước Đức. Năm 1885, ông học hóa học ở Đại học Aachen - một trong những đại học kỹ thuật lớn nhất và giàu truyền thống nhất ở châu Âu.

Sau đó, ông tới Berlin và cuối cùng tới Erlangen, nhận bằng tiến sĩ. Năm 1896, ông làm việc tại phòng thí nghiệm dược phẩm của Bayer. Năm 1908, ông rời Bayer và lập công ty sản xuất dược phẩm Cellon-Werke ở Berlin.

Eichengrun nổi tiếng vì có nhiều phát minh về các quy trình tổng hợp các hợp chất hóa học. Ông có 47 bằng sáng chế. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn trong vụ việc gây tranh cãi quanh vấn đề người phát minh ra Aspirin.

Năm 1949, Arthur Eichengrun đăng một bài báo, khẳng định ông là người lập kế hoạch và phụ trách việc tổng hợp Aspirin. Ông cũng nhận mình là người chịu trách nhiệm thử lâm sàng đầu tiên Aspirin (không được Bayer công bố).

Công bố của Eichengrun không được giới sử học và các nhà hóa học công nhận. Tuy nhiên, năm 1999, Walter Sneader tại Phân ban Khoa học Dược phẩm ở Đại học Strathclyde Glasgow xem xét lại và kết luận, quan điểm của Eichengrun có sức thuyết phục, chính xác và đáng tin. Walter Sneader cũng cho rằng, Eichengrun là người phát minh Aspirin. Tuy nhiên, Bayer vẫn phủ nhận kết luận này.

3. Chlorpromazine

Sự ra đời của thuốc an thần Chlorpromazine (còn được gọi là Thorazine) vào những năm 1950 đã tạo ra một bước ngoặt trong ngành tâm thần học. Đồng thời, đây cũng được coi là một bước ngoặt dẫn đến “cuộc cách mạng tâm thần”.

Thật vậy, đến năm 1964, thành công của Chlorpromazine đã giúp khoảng 50 triệu người dùng thuốc. Bên cạnh đó, sự phát triển của Chlorpromazine còn tạo cơ sở cho thế hệ thuốc sau này được ứng dụng trong điều trị lo âu và trầm cảm.

Hơn nữa, việc mô tả tác động của thuốc đối với chất dẫn truyền thần kinh và các thụ thể đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các xung truyền từ nơ-ron này sang nơ-ron tiếp theo trong não. Nhờ đó, dẫn đến những tiến bộ lớn trong hiểu biết của các nhà khoa học về bệnh tâm thần và nhận thức.

4. Thuốc điều trị ung thư

Một vài nước đã phát triển mù tạt nitơ (nitrogen mustard) thành vũ khí hóa học. Một số quốc gia đã tồn trữ khí mù tạt nitơ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng chưa bao giờ sử dụng trên chiến trường. Mù tạt nitơ có tác dụng gây phồng rộp mạnh và được xếp trong Bảng 1 Công ước cấm vũ khí hóa học. Do đó, việc sản xuất và sử dụng mù tạt nitơ bị hạn chế mạnh.

Tuy nhiên, đến những năm 1940, các nhà khoa học nhận thấy, trong số các hợp chất này, HN-2, là echlorethamin, phù hợp hơn để sử dụng trong cuộc chiến chống ung thư, đặc biệt là chống lại u lympho ở người (bệnh Hodgkin và một số bệnh u lympho và bệnh bạch cầu khác), hơn là một loại vũ khí hóa học.

Năm 1949, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép mechlorethamin trở thành loại thuốc đầu tiên điều trị một số loại ung thư u lympho tế bào T ở da (làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển các tế bào ung thư này).

Trong Thế chiến II, Alfred Gilman và Louis Goodman - đồng tác giả sách giáo khoa về dược lý tại Mỹ “Goodman & Gilman’s the Pharmacological Basis of Therapeutics”, giảng viên Trường Y, Đại học Yale, đã nghiên cứu một trong các loại mù tạt nitơ (mechlorethamin). Đồng thời, phân loại các thử nghiệm lâm sàng trên người để điều trị ung thư hạch từ tháng 12/1942.

Cũng trong Thế chiến II, trong một cuộc không kích vào thành phố Bari (Italy), kho lưu trữ khí mù tạt bị đánh bom. Từ đó, ảnh hưởng đến hàng trăm binh sĩ và thường dân. Song, khi kiểm tra y tế những người sống sót, kết quả cho thấy, số lượng tế bào lympho ở họ giảm.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, sự cố ở Bari và kết quả nghiên cứu của nhóm Đại học Yale đã thúc đẩy tìm kiếm các hợp chất tương tự khác. Do đã có các nghiên cứu trước đây, mù tạt nitơ - “HN2” đã trở thành loại thuốc hóa trị đầu tiên.

5. Thuốc kháng virus Zidovudin

Sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào năm 1987 đối với Zidovudine - được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi AZT, là một bước đột phá trong việc điều trị HIV/AIDS. Tuy không thể chữa khỏi bệnh, nhưng người ta đã phát hiện ra loại thuốc này có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân AIDS.

Đây cũng là thuốc đầu tiên trong số cái gọi là ức chế enzyme (men) phiên mã ngược nucleoside/nucleotide (NRTI). Đây là một nhóm thuốc kháng virus đã trở thành nền tảng của liệu pháp điều trị HIV/AIDS. Nhờ sử dụng các loại thuốc này, số ca tử vong hằng năm do AIDS đã giảm vào đầu thế kỷ 21.

6. Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai 28 ngày hay còn gọi là thuốc tránh thai hoặc thuốc ngừa thai nội tiết tố. Nhóm hormone steroid tổng hợp có tác dụng ngăn ngừa thụ tinh của tế bào tinh trùng nam. Sử dụng estrogen progesteron trong chu kỳ kinh nguyệt có tác dụng ngăn ngừa sảy thai.

Vào đầu những năm 1920, nhà khoa học người Áo Ludwig Haberlandt đã xuất bản một bài báo, công bố hormone có thể được sử dụng như một phương tiện tránh thai hiệu quả ở động vật. Sau đó, nhà khoa học này thử nghiệm chế phẩm hormone trong các thử nghiệm lâm sàng, bất chấp những lời chỉ trích nặng nề coi việc tránh thai là điều cấm kỵ.

Ông đã kết luận trong cuốn sách năm 1931 “Die hormoneonale Sterilisierung des weiblichen Organismus” với tuyên bố: “Không nghi ngờ gì nữa, ứng dụng thực tế ngừa thai nội tiết tố ở phụ nữ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của nhân loại, sẽ nâng cao sự sinh sản thành một hành động tự nguyện và có chủ ý”.

Tuy nhiên, công việc của Haberlandt đã kết thúc khi ông bất ngờ tự sát vào năm 1932. Hai thập kỷ sau, các thử nghiệm lâm sàng về biện pháp tránh thai bằng hormone được tiến hành ở người. Thuốc tránh thai đầu tiên được phê duyệt vào năm 1960 tại Mỹ.

7. Penicillin

Năm 1928, trong quá trình khử trùng các đĩa nuôi cấy vi khuẩn bị nhiễm nấm mốc, nhà vi khuẩn học người Scotland Alexander Fleming nhận thấy khu vực bao quanh các khuẩn lạc nấm mốc xuất hiện các vòng vô khuẩn. Độc tố nấm mốc đóng vai trò tiêu diệt vi khuẩn là penicillin.

Sau đó, nhà nghiên cứu bệnh học người Australia Howard Walter Florey và nhà sinh hóa học người Anh Ernst Boris Chain đã phân lập, tinh chế thành công để tạo ra kháng sinh hiệu quả nhất thế giới này.

Tình cờ, Fleming cũng có phát hiện lớn khác về enzym lysozym vào năm 1921, khi vô tình làm ô nhiễm một đĩa nuôi cấy với mầm bệnh cảm cúm từ chính ông.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nhung-loai-thuoc-cuu-van-loai-nguoi-VYU3FGdnR.html