Những lớp học mầm non trên biên giới

Hàng chục năm gắn bó với đồng bào và công nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn 15 thấu hiểu sâu sắc sự vất vả của những gia đình có con thơ. Công việc cạo mủ cao su bắt đầu từ 2 giờ sáng, vậy phải làm gì với những đứa trẻ để bố mẹ các cháu yên tâm làm việc? Trường mầm non và nhà trẻ được Binh đoàn 15 xây dựng trên các địa bàn đóng quân không chỉ tìm ra 'đáp số' cho câu hỏi ấy, mà còn nhiều hơn thế...

Những cô giáo Trường Mầm non Công ty 78 đón các cháu đến lớp từ sáng sớm. Ảnh: ANH SƠN

Để có những lớp học trên biên giới, các cô giáo phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng và bằng tấm lòng, nhiệt huyết của tuổi trẻ góp phần đem ánh sáng văn hóa cho trẻ thơ. Điều đáng nói là ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ con em của công nhân, người lao động binh đoàn thì 100% con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương cũng được theo học tại các trường mầm non. Đến đây, rất khó để phân biệt đâu là con em của đồng bào Kinh, đâu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, bởi các cháu đều được ăn mặc sạch đẹp, mặt mũi khôi ngô và đều biết nói tiếng phổ thông. Chính vì biết tiếng phổ thông ngay từ bậc học mầm non nên khi vào tiểu học, các cháu con em đồng bào dân tộc thiểu số không phải học tiếng phổ thông và đều theo kịp chương trình học tập.

Đến Trường Mầm non của Công ty 78 ở xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), chúng tôi rất ngỡ ngàng bởi ở nơi địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng trường lớp khang trang; cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học không thua kém so với các trường mầm non dưới xuôi. Trường được thành lập từ năm 2009 với 11 điểm trường, gần 60 cán bộ, giáo viên và hơn 400 cháu ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.

Để tạo điều kiện cho gia đình công nhân, người lao động có con nhỏ lên lô cạo mủ cao su, cả 11 điểm trường đều tổ chức đón các cháu từ 1 giờ sáng. Hiện có khoảng 160 cháu đang đến lớp ở khung thời gian này. Mỗi điểm trường cắt cử luân phiên một đêm hai cô giáo trực để đón các cháu. Lúc này, các cô đảm đương thiên chức của người mẹ chăm sóc con thơ. Cháu nhỏ thì được các cô ru trên võng, có cháu quấy khóc đòi mẹ thì các cô lại ân cần bế ẵm.

Chúng tôi gặp vợ chồng trẻ A Kảo và chị Y Ven, người dân tộc Gia Rai, công nhân Đội 5 (Công ty 78, Binh đoàn 15), có hai con nhỏ đang ở độ tuổi đi nhà trẻ. Chị Y Ven tâm sự: "Ở đây các cô giáo thương yêu bọn trẻ như con nên chúng thích đến lớp lắm. Bây giờ cho ở nhà chúng cũng không chịu. Thấy bọn trẻ lớn lên khỏe mạnh, hòa đồng với các bạn người dân tộc khác, vợ chồng tôi rất vui".

Tương tự, ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), nhắc đến Trường Mầm non 18-4 của Công ty 72 có rất nhiều người biết bởi trường không chỉ đạt chuẩn quốc gia mà còn ở sự trải rộng của một trường mầm non với 18 điểm trường, 61 nhóm lớp trên 4 xã và 1 thị trấn của huyện. Trao đổi với Thiếu tá QNCN Đặng Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non 18-4, chúng tôi được biết, hiện nhà trường có 1.233 cháu ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đến lớp, trong đó có 27,3% cháu là người dân tộc thiểu số. Tất cả các cháu đều ở bán trú; riêng các cháu người dân tộc thiểu số không phải đóng bất cứ một loại phí nào; ngoài ra Công ty 72 còn hỗ trợ mỗi cháu 8.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.

Thấy được sự khó khăn, vất vả của công nhân, người lao động trong hành trình tìm chữ cho con em, Công ty 72 đầu tư mỗi tháng 11 triệu đồng để thuê xe đưa đón các cháu đi học hằng ngày, mang lại niềm vui khó tả cho các gia đình công nhân, người lao động của công ty...

Ngày qua ngày, những mái trường mầm non trên biên giới vẫn vang lên tiếng ê a đánh vần. Những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên, yêu đời đến lớp trong tình thương yêu của cô giáo. Dẫu rằng nơi ấy còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị của Binh đoàn 15 và chính quyền địa phương cùng các cô giáo đã “vượt lên chính mình”, khắc phục khó khăn để duy trì đều đặn các lớp học.

HỒNG LĨNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nhung-lop-hoc-mam-non-tren-bien-gioi-610299