Những luồng vốn ngầm 'rửa' qua tiệm cầm đồ

Gần đây, không ít doanh nghiệp cầm đồ được các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn hoặc liên kết với các công ty fintech 'hiện đại hóa' quy trình cầm cố tài sản.

Song quy trình này giống hệt hoạt động cho vay, vốn chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, một số công ty fintech - vốn chỉ có chức năng kết nối bên cho vay và người vay với nhau nhưng “âm thầm” rót vốn vào tiệm cầm đồ, mượn danh tiệm cầm đồ rồi giải ngân trực tiếp với khách hàng.

Núp bóng tiệm cầm đồ

Tại sàn kết nối tài chính A. thuộc một công ty fintech ngoại, hiện có sản phẩm cho vay tín chấp theo đăng ký xe máy, ô tô. Nhưng thay vì kết nối chúng tôi với tiệm cầm đồ, nhân viên sàn này giới thiệu chúng tôi đến phòng giao dịch của sàn tại TP.HCM để ký hợp đồng vay vốn, trực tiếp giải ngân. Nếu không đến phòng giao dịch thì địa điểm ký hợp đồng sẽ do chúng tôi chỉ định. Nếu là ô tô thì vay từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, còn tiểu thương thì chỉ cần giấy kinh doanh vay được 30-200 triệu đồng, lãi suất không vượt quá 20%/năm theo quy định.

Mới đây, công ty cổ phần công nghệ tài chính thuộc một tập đoàn công nghệ tài chính nước ngoài cũng ra mắt hệ thống tiệm cầm đồ T.N. Đến cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, một nhân viên tại đây cho biết, hệ thống hiện chỉ chấp nhận tài sản nhận thế chấp là cà vẹt xe máy và ô tô, giá trị khoản vay lên đến 50 triệu đồng, thời hạn vay từ 3-12 tháng.

“Nếu chị vay bằng cà vẹt xe ô tô thì lãi suất 4%/tháng, còn vay bằng cà vẹt xe máy thì lãi suất 5%/tháng, trả trước hạn thì bị phạt 5%. Do là công ty công nghệ tài chính trực tiếp cho vay nên bên em kết nối khách hàng rất nhanh, mới ra mắt gần đây nhưng đã giải ngân hơn 11.000 khoản vay cho khách”, nhân viên này tư vấn.

Dưới hình thức cầm cố tài sản ô tô, xe máy, không ít tiệm cầm đồ thực hiện cho vay không khác một tổ chức tín dụng

Dưới hình thức cầm cố tài sản ô tô, xe máy, không ít tiệm cầm đồ thực hiện cho vay không khác một tổ chức tín dụng

Dọc các tuyến đường, không khó để bắt gặp các tiệm cầm đồ có nhiều tấm biển quảng cáo mời gọi vay khá thu hút như “dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay ngay 50 triệu đồng bằng cà vẹt ô tô hoặc xe máy”, “vay đến 90% giá trị tài sản”, “vay tiền bằng ô tô, giải ngân 15 phút”…

Nhân viên tại cửa hàng cầm đồ Vietmoney trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) cho biết, đang có sản phẩm “cho vay tiểu thương chợ”. Tiểu thương chỉ cần cung cấp quyền sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ, chứng minh thu nhập thường xuyên, kèm các tài sản muốn cầm cố… sẽ được hỗ trợ vay từ 30 triệu đồng lên tới 1 tỷ đồng, thời hạn vay từ 1-36 tháng. Với khách hàng bình thường, chỉ cần đem tài sản đến sẽ được định giá khoản vay. Lãi suất sẽ tính theo khung thời gian vay. Từ 1-10 ngày sẽ có lãi suất 2%, từ 11-20 ngày lãi suất 4%, từ 21-30 ngày lãi suất 5%. Khách có thể giữ tài sản cầm cố, nếu giao cho cửa hàng thì phải chịu thêm phí quản lý tài sản 5.000 đồng/ngày. Được biết, chuỗi cầm đồ này được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn. Từ 16 cửa hàng với 20.000 khách hàng thường xuyên, chuỗi này quảng cáo sẽ tăng lên 100 cửa hàng tại 28 tỉnh, thành.

Xuất hiện tiên phong trong lĩnh vực vay cầm đồ là thương hiệu F88. Chuỗi này vừa thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng từ hai quỹ tài chính quốc tế. Từ 11 phòng giao dịch năm 2016, đến cuối tháng 6/2020, chuỗi cầm đồ này đã có đến 195 cửa hàng trên khắp cả nước. Số tiền vay tại đây sẽ dao động tùy theo tài sản cầm cố, nếu là xe máy thì khoản vay tối đa 80 triệu đồng, ô tô là 2 tỷ đồng; cà vẹt xe máy tối đa 30 triệu đồng, cà vẹt ô tô là 1 tỷ đồng; còn điện thoại, máy tính, đồng hồ, trang sức, sim số đẹp… lên đến 80% giá trị tài sản. Lãi suất không vượt quá 8,1%/tháng và 13,2%/năm kèm theo một số loại phí điều kiện vay, quản lý tài sản cầm cố, phí kho bãi, phí phạt vi phạm hợp đồng.

Ngoài ra, hiện còn có nhiều thương hiệu vay cầm đồ khác cũng thực hiện cho vay cầm cố tài sản giống các tổ chức tín dụng như Đồng Sun Shop, Camdonhanh…

Một cách lách luật cho vay

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có hơn 154 công ty fintech, chủ yếu hoạt động tại các lĩnh vực như thanh toán điện tử (payment), ngân hàng số (digital banking), vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), quản lý tài sản, cho vay, tư vấn tài chính, bảo hiểm, các giải pháp ứng dụng đổi mới sáng tạo (blockchain...

Có đến 70% công ty fintech ở Việt Nam là công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, dường như chỉ có công ty fintech hoạt động ở lĩnh vực trung gian thanh toán là được quy định tại Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Các lĩnh vực fintech còn lại vẫn chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động do chưa được thể hiện trong văn bản luật, nghị định hoặc thông tư.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT ví điện tử MoMo, một trong những công ty fintech ở lĩnh vực trung gian thanh toán điện tử và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các công ty fintech nước ngoài vào Việt Nam và hoạt động ở lĩnh vực khác khó bị kiểm soát và đang “muốn làm gì thì làm”, có thể nảy sinh nhiều rủi ro.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, nếu các fintech chỉ là bên kết nối tìm khách hàng, chuyển thông tin khách vay đến tiệm cầm đồ và để tiệm cầm đồ thực hiện giao dịch thì không có gì bất hợp pháp. Nếu các công ty fintech, các tiệm cầm đồ làm đúng chức năng của mình thì mô hình liên kết với tiệm cầm đồ cần phải nhân rộng vì đây là hoạt động hợp pháp.

Song theo ông Hiếu, hiện có không ít tổ chức “núp bóng” tiệm cầm đồ để cho vay cầm cố tài sản, cho vay tiêu dùng, hoạt động như các tổ chức tín dụng. Hoặc các công ty fintech này không thực hiện dịch vụ giới thiệu mà sử dụng tiệm cầm đồ làm công cụ và hợp thức hóa việc cho vay trực tiếp với lãi suất cao. Họ “lách luật” bằng cách đưa ra lãi suất vay đúng quy định nhưng lại cộng thêm hàng loạt lãi suất từ các loại phí thẩm định tài sản, lưu trữ tài sản cao ngất ngưởng; hoặc không giải ngân 100% khoản vay nhưng lại tính lãi suất trên 100% khoản vay. Tất cả hành vi này là không hợp pháp, có hại cho người dân và nền kinh tế.

“Tôi biết có khoảng 60-70 doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam với danh nghĩa là công ty fintech, thuê người Việt Nam đứng tên rồi cho vay online. Do đó, cơ quan chức năng cần quan tâm những tổ chức này, xem các công ty fintech tham gia vào quá trình cho vay cầm đồ đến mức nào, đừng để ảnh hưởng đến những công ty fintech chân chính. Riêng về tiệm cầm đồ, cần phải có thêm hành lang pháp lý để ngành này cung cấp dịch vụ đúng quy định”, tiến sĩ Hiếu đề xuất.

Tại buổi họp gần đây của Ngân hàng Nhà nước, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thông tin để quản lý fintech, vào đầu tháng Sáu vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo nghị định về “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng” để trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, các fintech được tham gia thử nghiệm hoạt động ở lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện loại trừ ứng dụng mở (Open API), blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn,... ).

Một khi nghị định này có hiệu lực, sẽ có quy định cụ thể về trần lãi suất, các khoản phí trên mỗi khoản vay. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng mượn danh tiệm cầm đồ cho vay với lãi suất cao.

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) mới đây đã triệt phá đường dây một nhóm người Trung Quốc “núp bóng” một số doanh nghiệp Việt Nam, cho vay tiền qua các ứng dụng điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Chỉ từ tháng 4/2019 đến nay, nhóm này đã cho 60.000 người vay khoảng 100 tỷ đồng, lãi suất hơn 1.000%/năm.

Một điều tra của Báo cách đây hơn một năm cho thấy, dù quy định về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là 1,125%/tháng nhưng thực tế, mức lãi suất cho vay tại không ít tiệm cầm đồ lên tới 8,1%/tháng, tương đương 97,2%/năm, thậm chí có nơi lên đến 150%/năm.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/von-ngam-rua-qua-tiem-cam-do-688949.html