Những lưu ý khi dùng nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo mặc dù được thiết kế như nước mắt tự nhiên, nhưng cũng có thể gây một số tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách…

1. Dùng nước mắt nhân tạo khi nào?

Nước mắt là một dịch nước trong suốt có pH khoảng 7,4, có chứa các chất điện giải như Na+, K+, Ca+, Cl, HCO3.

Nước mắt của người bình thường được tiết ra liên tục từ tuyến nước mắt với tốc độ khoảng 1 microlit (µl) trong 1 phút, tạo ra một màng nước mắt bao phủ toàn bộ bề mặt của giác mạc và kết mạc. Màng nước mắt này có tác dụng bảo vệ mắt chống nhiễm khuẩn, giữ cho mắt không bị khô và được chứa ở túi cùng kết mạc khoảng 20µl-30µl.

Dịch nước mắt thừa ở túi cùng kết mạc được rút vào túi nước mắt qua các ống tiểu quản nhờ áp suất âm ở túi nước mắt. Khi chớp mắt, túi nước mắt bị ép và nước mắt được bơm vào ống mũi lệ đổ vào khoang miệng khoảng 2µl mỗi lần chớp mắt.

Nước mắt nhân tạo là hợp chất có nồng độ pH và tính chất tương tự với nước mắt tự nhiên. Nước mắt nhân tạo giữ vai trò điều chỉnh độ ẩm cho mắt trong các trường hợp như khô mắt, mỏi mắt do thường xuyên thức khuya, làm việc với máy tính… Nước mắt nhân tạo có thể hạn chế nước mắt bốc hơi và bảo vệ bề mặt nhãn cầu. Ngoài ra, có một số loại nước mắt nhân tạo chứa hoạt chất giảm bệnh lý tại mắt.

Nước mắt nhân tạo giữ vai trò điều chỉnh độ ẩm cho mắt

2. Cách dùng nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo có thể nhỏ mắt 3-4 lần/ ngày, mỗi lần nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt, trong khoảng 1-3 tháng.

Trong trường hợp ngay sau phẫu thuật, người bệnh có thể nhỏ tối đa đến 8 lần/ngày. Hầu hết các hãng thuốc đều có thành phần tương tự nhau và chỉ khác ở hàm lượng chất bảo quản. Tùy theo tình trạng của mắt và mục đích điều trị mà người bệnh nên lựa chọn loại phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.

- Loại có ít/không chứa chất bảo quản có tác dụng nhanh sẽ phù hợp với trường hợp khô mắt mạn tính, cần dùng thường xuyên trong thời gian dài.

- Loại chứa nhiều natri hyaluronat, một hoạt chất vừa có công dụng bôi trơn bề mặt nhãn cầu vừa làm tăng độ hồi phục tế bào biểu mô kết - giác mạc được khuyên dùng cho trường hợp khô mắt nặng hoặc sau phẫu thuật mắt.

Khi sử dụng nước mắt nhân tạo, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như: Tiết dịch mắt, kích ứng mắt, nóng rát và khó chịu mắt, đau mắt, ngứa mắt, sung huyết kết mạc mí mắt, rối loạn thị giác... (tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường khiếm khi xảy ra). Nguyên nhân chủ yếu gây các tình trạng này chủ yếu do chất bảo quản hoặc do chất bôi trơn. Nếu kéo dài trên 72 tiếng mà triệu chứng chưa giảm, cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiếp tục sử dụng.

Nước mắt nhân tạo cũng được khuyên dùng cho trường hợp khô mắt nặng hoặc sau phẫu thuật mắt.

Khi sử dụng nước mắt nhân tạo cần:

Lắc kĩ lọ thuốc nhỏ mắt trước khi sử dụng.
Chuẩn bị tư thế ngửa đầu ra sau.
Sau đó, kéo nhẹ mí mắt dưới xuống nhỏ từ 1 – 2 giọt ở mỗi bên mắt.
Không được chạm đầu lọ thuốc vào mắt vì có thể gây nhiễm khuẩn.

3. Một số lưu ý khi sử dụng nước mắt nhân tạo

- Không nên sử dụng cùng lúc các loại nước mắt nhân tạo khác nhau, cũng như các loại thuốc nhỏ mắt khác. Trong trường hợp cần thiết, mỗi loại thuốc nhỏ mắt nên cách nhau từ 5 – 10 phút.

- Mặc dù được mô phỏng giống với nước mắt tự nhiên nhưng cách dùng, liều dùng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân làm khô mắt, mức độ khô mắt cũng như khả năng đáp ứng điều trị ở mỗi người. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Bảo quản thuốc nhỏ mắt nhân tạo ở nhiệt độ phòng, dao động từ 15 đến 30 độ C. Thông thường, sau khi đã mở nắp, lọ thuốc nhỏ mắt nên sử dụng từ 2 – 4 tuần để đảm bảo duy trì hiệu quả sử dụng tối ưu.

- Những loại thuốc nhỏ mắt ống đơn liều (0,3 – 0,4 ml) không sử dụng chất bảo quản, cần chú ý không để đầu ống chạm vào bất cứ bề mặt nào và loại bỏ nếu không sử dụng ngay sau khi mở ống thuốc.

- Ngưng sử dụng nếu phát hiện thấy thuốc nhỏ mắt bị đổi màu hoặc trở nên vẩn đục.

Muốn mắt sáng, hãy tăng cường những thực phẩm này.

BS. Đăng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-dung-nuoc-mat-nhan-tao-16923052423313946.htm