Những mẹ hiền của trẻ sinh non

Hàng nghìn trẻ sơ sinh thiếu tháng dưới 30 tuần tuổi đã được các y, bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cứu sống và chăm sóc chu đáo tới ngày xuất viện. Họ là những người mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình, nhất là những cặp vợ chồng hiếm muộn, sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Có mặt tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, tiếng hệ thống máy theo dõi dấu hiệu sống của trẻ kêu tít tít liên hồi, các chỉ số nhấp nháy biến động, các y bác sĩ dường như không được nghỉ ngơi, luôn chân tay chăm sóc từng bé. Nếu có trao đổi với nhau, các nhân viên y tế cũng nhỏ nhẹ vì sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Một nữ điều dưỡng cho biết, ở Trung tâm luôn có khoảng 370- 400 cháu bé được điều trị, trong đó 70 – 80 cháu phải chăm sóc hồi sức tích cực.

Các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh chăm sóc cho trẻ sơ sinh đẻ non.

Đơn cử như trường hợp của bé Trần Nam ( hiện đã 2 tuổi, ở Hà Nội). Ra đời khi các bộ cơ thể chưa phát triển đầy đủ, não, tim, phổi chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu khiến Nam phải thở máy hoàn toàn và nằm điều trị kéo dài, trong khi những trẻ sinh non ở 25- 28 tuần tuổi chỉ nằm viện 2– 3 tháng.

“Suốt quá trình điều trị, nhiều lần bé Nam ngừng tim, không cai được máy thở, gia đình có lúc đã tuyệt vọng vì tưởng mất con mãi mãi. Nhưng với quyết tâm “còn nước còn tát” các y, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, giành lấy sự sống của bệnh nhi với “tử thần”. “Bố mẹ cháu Nam chia sẻ, trong quá trình con nằm điều trị tại Trung tâm, mỗi khi nhìn thấy điện thoại hiện số của bác sĩ là mỗi lần “đau tim” vì sợ phải nghe tin xấu”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh chia sẻ.

Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh với những trẻ từ dưới 24 – 25 tuần nặng khoảng 500g thì chỉ tương đương với chai nước lọc 500ml, do đó việc chăm sóc vô cùng vất vả. Mỗi bé luôn có bốn đường truyền tĩnh mạch gồm kháng sinh, sữa, dịch, trợ tim.

“Hãy tưởng tượng lấy ven cho người bệnh đã khó, thì ven của những bé này chỉ mảnh như sợ chỉ. Rồi thực hiện thủ thuật, thay bỉm với các ống truyền bao quanh, cho bé ăn sữa... các điều dưỡng cũng phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo, nếu để dính phân hay vết bẩn cũng khiến các bé bị nhiễm trùng. Đặc biệt, với những trẻ sinh non, phòng điều trị cũng phải đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ như trong bụng mẹ, nhân viên luôn phải vô khuẩn”, bác sĩ Hoa phân tích.

Suốt 30 năm gắn liền với công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, bác sĩ Hoa có không ít buồn vui và trăn trở: “Nỗi buồn của chúng tôi là mỗi khi có bệnh nhân được chuyển đến, niềm vui của chúng tôi là mỗi khi nhìn bố mẹ hạnh phúc đưa con mình về nhà. Nhưng đôi khi tôi vẫn suy nghĩ, các bé được cứu sống nhưng cuộc sống như thế nào, có phát triển như những bé bình thường không. Bởi vì các bé sinh non thì các bộ phận chưa phát triển đầy đủ, trong đó có cả não… nên việc chăm sóc trẻ đối với các bậc phụ huynh cũng là rất vất vả và tốn kém”.

Được biết, Trung tâm Chăm sóc trẻ sơ sinh chỉ có hơn 170 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, nên trung bình mỗi người chăm sóc 30– 40 cháu bé/ca trực. Bởi vậy, mỗi y bác sĩ, điều dưỡng viên đều phải căng mình với các bé. Đặc biệt là tại Trung tâm có hơn 40 điều dưỡng, bác sĩ là nam giới nhưng các anh cũng khéo léo và tận tâm như các mẹ hiền. Và với công việc mang tính chất đặc thù này, nếu không thực sự yêu thương trẻ nhỏ, các nhân viên y tế sẽ khó có thể trụ lại lâu dài.

Bên cạnh công tác chuyên môn, các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm cũng tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong nước và trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đã đạt được các kết quả vượt trội như: Cứu sống được nhiều trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân với tỉ lệ cao, cứu sống nhiều cặp sinh 3, sinh 4 đẻ non, nhẹ cân; áp dụng các liệu pháp chữa trị tiên tiến để cứu sống, hạn chế các loại bệnh nguy hiểm ở trẻ sinh non, cực non...

Ngoài ra, tập thể cán bộ Trung tâm cũng tham gia đào tạo, giảng dạy, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các bác sĩ, điều dưỡng ở các tỉnh, thành; có những sáng kiến, sáng tạo và được áp dụng vào thực tế, đạt hiệu quả cao như việc triển khai và thực hiện tốt “Qui tắc ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh”...

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-me-hien-cua-tre-sinh-non-81463.html