Những “mẹ hiền” ở Trường Sa

QĐND Online - Các nhân vật trong bài viết dưới đây đều là những người tình nguyện ra phục vụ đảo và hiện đang tham gia công tác giảng dạy ở Trường Sa. Yêu đảo, yêu nghề, yêu trẻ, đó là những phẩm chất đáng quý của những người thầy nơi đây. Họ thực sự là những "mẹ hiền" nơi đảo xa.

QĐND Online - Các nhân vật trong bài viết dưới đây đều là những người tình nguyện ra phục vụ đảo và hiện đang tham gia công tác giảng dạy ở Trường Sa. Yêu đảo, yêu nghề, yêu trẻ, đó là những phẩm chất đáng quý của những người thầy nơi đây. Họ thực sự là những "mẹ hiền" nơi đảo xa.

Mẹ hiền "5 trong 1"

Cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn được biết đến như một tấm gương sáng vì sự nghiệp trồng người ở Trường Sa. Tốt nghiệp khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, sau mấy năm dạy học ở vùng núi Khánh Hòa rồi Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, cô giáo Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học. "Cũng vì biết nhiều gia đình có con nhỏ ra sinh sống ở Trường Sa và nơi đây đang cần giáo viên nên em xung phong ra đảo. Bây giờ gia đình em đã có cuộc sống ổn định trên đảo. Vợ dạy học, chồng có công việc ổn định phục vụ bộ đội, chúng em càng gắn bó với mảnh đất nơi đây", cô giáo Nhung tâm sự.

Nếu ai được dự lớp học của cô giáo Nhung đều ngỡ ngàng trước lớp học đặc biệt này. Cô Nhung vừa là "hiệu trưởng", vừa là giáo viên chủ nhiệm của 5 lớp học. Vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong cô lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2; rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 5 làm bài tập. Cô giáo Nhung cho biết, năm học 2011-2012 này, đảo Trường Sa Lớn có 8 cháu đến tuổi đi học. Đảo có lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 5. Đây cũng là lần đầu tiên trên đảo có học sinh lớp 5. Trước đây, các em học sinh ở đảo chỉ học đến lớp 4 là về đất liền học tiếp.

Một buổi học ngoại khóa của cô giáo Nhung trên đảo Trường Sa Lớn.

Để đảm bảo chất lượng dạy học, hàng ngày cô soạn giáo án đầy đủ theo quy định của Bộ Giáo dục. Ngoài giờ học chính, cô còn dành nhiều thời gian dạy các em môn tiếng Anh ở mức độ đơn giản, "để các em đỡ bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền". Cô còn dạy tin học qua máy vi tính và hướng dẫn các em các môn học ngoại khóa như múa, hát ngoài trời. Qua các chương trình trên internet, cô Nhung đã dạy các em học hát và cập nhật nhiều chương trình hữu ích cho bọn trẻ. Chia sẻ với chúng tôi, Nhung ước mong có thêm chiếc máy vi tính mới để các em được kết nối thông tin gần gũi với đất liền hơn.

Người anh cả của đàn em nhỏ

Đối với các em học sinh xã đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Trương Sứ Long không chỉ là người thày giáo dạy cho các em kiến thức, học vấn mà còn như một người bạn, một người anh cả trong gia đình.

Từ miền quê xã Sơn Lâm, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, năm 2008, đoàn viên trẻ Trương Sứ Long đã tình nguyện xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa với mong muốn được đóng góp công sức tuổi trẻ với đảo. Trương Sứ Long được phân công phụ trách công tác Mặt trận Tổ quốc của xã đảo Song Tử Tây. Khi thấy các em nhỏ ở đây chưa có giáo viên dạy học, Long đề nghị được kiêm luôn công tác giảng dạy các em và gần 4 năm sống ở đảo cũng là ngần ấy thời gian anh có thêm nghề "gõ đầu trẻ". Cũng y hệt như lớp học đảo Trường Sa của cô giáo Nhung, các em học sinh ở đây cũng học lớp ghép. Giờ học đầu thầy dành thời gian giảng toán cho các em lớp 2, lớp 3, giờ sau đã thấy cùng đọc ê a với bọn trẻ lớp 1. Chia sẻ với chúng tôi về công việc dạy chữ ở đảo xa, thầy Long cho biết anh thực sự muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Chính cuộc sống gắn kết nơi đảo và tình quân dân thắm thiết nơi đây cùng với sự quan tâm của cả nước tới Trường Sa, mảnh đất này thực sự đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu của anh với bọn trẻ.

Cán bộ xã kiêm "bảo mẫu" của các em nhỏ

Phó Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn Cao Văn Giáp luôn được các em nhỏ trên xã đảo Sinh Tồn yêu quí không chỉ bởi anh hàng ngày dạy dỗ các em mà chính từ tình cảm yêu thương, chăm sóc tận tình của anh đối với bọn trẻ.

Đã hơn 3 năm trôi qua, chàng trai 27 tuổi quê xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ấy vẫn không quên được những ngày đầu ra đảo. "Tôi đã khóc vì nhớ đất liền, nhưng giờ đây Sinh Tồn là mảnh đất thân yêu của tôi. Những người lính và người dân trên đảo đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt. Còn tụi nhỏ ở đây thiệt thòi, thiếu thốn nhiều thứ lắm so với đất liền. Thương các em mình càng cố gắng dạy dỗ, truyền đạt kiến thức để các em đỡ thua thiệt so với trẻ em trong đất liền", thầy Giáp bộc bạch.

Hiện trên đảo Sinh Tồn có 7 cháu đang độ tuổi đến trường, có 5 lớp học. Ngoài thời gian làm việc của một phó chủ tịch xã đảo là chăm lo, ổn định đời sống, sinh hoạt, lao động của bà con nhân dân, thời gian còn lại anh cùng các cán bộ đảo khác như anh Hồ Bảo Ân, Mai Thành Tiến, Kim Thanh Hoa dạy học cho các em và các anh đã thực sự trở thành "bảo mẫu" của các em nhỏ.

Giáp cho biết, so với mấy năm trước, năm học này có nhiều khởi sắc do thầy đã có nhiều kinh nghiệm dạy học hơn, còn trò thì đã được rèn luyện nền nếp học tập. Dịp hè vừa rồi khi về nghỉ phép trong đất liền, các anh đã được tham gia các chương trình tập huấn về cách thức lên lớp, phương pháp giảng dạy mới, nắm bắt tâm lý học trò... nên các buổi học có nhiều đổi mới.

Sắp đến ngày hiến chương nhà giáo, Cao Văn Giáp kể rằng anh nhớ mãi ngày 20-11 đầu tiên trên đảo. "Trong lúc mấy em đang quây quần thưởng thức hộp kẹo thì hai em Lê Thị Tường Quyên và Trần Phan Như Vỹ tất tưởi chạy đến tặng hoa cho các thầy. Nhận bó hoa phong ba đầy sâu bọ bám quanh, tôi ứa trào nước mắt hạnh phúc. Hai em nhỏ đó giờ đã vào Nha Trang, Cam Ranh học rồi. Năm vừa rồi đứa thì đạt học sinh giỏi, đứa đạt tiên tiến. Thấy các em trưởng thành mà vui quá!", Cao Văn Giáp vui vẻ kể giọng tràn đầy hạnh phúc.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/167088/Default.aspx