Những mô hình chống hạn hiệu quả ở Bác Ái

Trước tình hình hạn hán gay gắt, người dân huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) không ngừng tìm tòi, sáng tạo các biện pháp để cung cấp và tiết kiệm nước, nhờ đó bảo đảm đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Anh Lê Thiên Hòa, ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, huyện Bác Ái với hệ thống bơm thủy lực tự chế.

Xã Phước Thành là một trong những địa phương của huyện Bác Ái chịu nhiều tác động của đợt hạn hán năm nay. Phần lớn diện tích canh tác của xã Phước Thành là dựa vào nước mưa. Ngoài những cây truyền thống như: ngô, đậu, sắn,... những năm gần đây người dân địa phương phát triển các vườn cây ăn trái, nhất là cây bưởi da xanh. Năm nay nắng hạn kéo dài làm cho ruộng, rẫy ở xã Phước Thành khô cháy, nguy cơ mất mùa đã hiện hữu. Trước tình hình nêu trên, người dân xã Phước Thành đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho vườn, rẫy của gia đình. Nhiều mô hình lấy nước và tiết kiệm nước được người dân địa phương áp dụng có hiệu quả rõ rệt.

Hai năm nay, gia đình ông Trần Minh Thể ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành đã áp dụng mô hình phun bét để tưới cho 2,5 ha bưởi da xanh xen kẽ một số cây ăn trái khác. Tuy nhiên, phương pháp này hiệu quả chưa cao vì phun bét đồng thời làm cho cỏ dại phát triển và vẫn lãng phí nguồn nước tưới. Trước tình hình khan hiếm nguồn nước như hiện nay, ông Thể đã chuyển qua sử dụng mô hình tưới nhỏ giọt bằng cách xây bể chứa nước trên cao để lợi dụng áp lực. Nguồn nước được bơm vào bể chứa sau đó hòa với phân bón rồi tưới trực tiếp đến từng gốc cây qua hệ thống đường ống nhỏ giọt. Cách làm này tiết kiệm nước tưới, phân bón và công lao động. Ông Thể phấn khởi chia sẻ: Tưới nhỏ giọt nước không bị thất thoát, cây phát triển tốt hơn, bởi vì độ ẩm ở gốc cây lúc nào cũng bảo đảm. Vườn cây phát triển xanh tốt ngay cả lúc nắng hạn.

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, mô hình canh tác trên vùng đất không có điện của anh Lê Thiên Hòa ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành rất khó khăn về nước tưới. Vì vậy anh tự mày mò, sáng chế hệ thống bơm thủy lực để lấy nước tưới cho vườn cây mà không cần sử dụng nhiên liệu, điện năng. Hệ thống gồm bể chứa 5 m3 và hai đường ống xả: một ống dùng chạy máy phát điện dùng cho sinh hoạt và một ống dẫn nước đến cụm van thủy lực để đưa nước tưới lên đồi. Thực tế cho thấy, hệ thống bơm thủy lực do anh Hòa sáng chế rất hiệu quả, bơm được nước lên độ cao hơn 15 m, tưới đủ cho hơn 1,2 ha vườn cây ăn trái ngay cả trong mùa hạn. Anh Hòa cho rằng, hệ thống bơm thủy lực này rất phù hợp mô hình canh tác vùng đồi vì không cần sử dụng điện hay xăng, dầu. Ưu điểm của hệ thống là có thể bơm nước lên độ cao hàng chục mét nhờ vào áp lực dòng nước.

Chi phí đầu tư hệ thống bơm thủy lực do anh Hòa sáng chế khoảng 20 triệu đồng nhưng sử dụng được lâu dài. Ðây là giải pháp khá thích hợp đối với việc canh tác trên vùng gò đồi chưa có điện lưới như thôn Ma Rớ. Hiện nay địa phương này có khoảng bảy héc-ta cây ăn trái được nông dân áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm có hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành Katơr Niếu cho biết: Ðồng bào dân tộc Ra Glai thôn Ma Rớ không ngừng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong tình hình nắng hạn gay gắt, bà con biết tận dụng nguồn nước từ đỉnh núi và tìm các giải pháp thích hợp để tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất và chăn nuôi.

Ngược lên vùng cao Phước Bình, trong thời điểm nắng hạn gay gắt nhưng những vườn cây ăn trái của đồng bào Ra Glai vẫn xanh tốt, cho thu hoạch cao. Ðó là nhờ người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, cần ít nước. Bên cạnh đó, bà con đã thực hiện các mô hình tưới tiết kiệm và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình chăm sóc và thu hoạch cây trồng. Gia đình ông Katơr Quỳnh ở thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình là một trong những hộ tiên phong áp dụng mô hình tưới tiết kiệm. Trước đây, cứ đến mùa nắng hạn, hơn ba héc-ta vườn rẫy của gia đình ông thường xuyên bị thất thu. Ðầu năm 2018, ông Katơr Quỳnh quyết định chuyển đổi 1,1 ha đất rẫy trồng bắp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh xen cây ăn trái khác. Ông còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt thay cho tưới tràn tốn nhiều nước và chi phí. Ông Katơr Quỳnh khẳng định: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm lợi về công sức và giảm chi phí. Trước đây, gia đình phải túc trực gần cả ngày để tưới, còn bây giờ chỉ bật cầu dao trong thời gian một tiếng đồng hồ là tưới xong.

Chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha nhưng sử dụng được nhiều năm, phù hợp điều kiện canh tác tại miền núi. Ưu điểm tưới nước tiết kiệm là không đào mương dẫn nước. Phân bón được hòa vào nước và tưới trực tiếp từng gốc cây thông qua hệ thống đường ống, tạo độ ẩm cho cây phát triển ổn định ngay cả trong mùa nắng hạn. Với ưu điểm này, trong năm 2019, hàng chục hộ đồng bào Ra Glai ở xã Phước Bình đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng khác nhau. Năm nay nắng hạn kéo dài nhưng các hệ thống tưới tiết kiệm trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái vẫn phát huy hiệu quả, giúp người nông dân duy trì được sản xuất và chăn nuôi. Ðánh giá về nỗ lực chống hạn, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, Mẫu Thái Phương cho rằng: Với tinh thần vượt khó nhân dân huyện miền núi Bác Ái đã không ngừng nỗ lực chống hạn. Bên cạnh việc thay đổi tập quán canh tác, thực hiện chuyển đổi cây trồng truyền thống sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, ít sử dụng nước, người dân không ngừng tìm kiếm giải pháp, áp dụng các mô hình tiết kiệm nước, sáng chế phương tiện lấy nước để bơm tưới cho cây trồng. Nhờ vậy đến nay, mặc dù tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt trên địa bàn nhưng hầu hết vườn cây ăn trái của bà con vẫn phát triển, cho thu hoạch khá.

Bài và ảnh: Như Thừa

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43850802-nhung-mo-hinh-chong-han-hieu-qua-o-bac-ai.html