Những mô hình 'làm theo' thiết thực của phụ nữ Đăk Tô

Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Tô (Kon Tum) triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình góp phần giúp đỡ gia đình hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống...

Từ “vần công đổi công”...

Mới đây, thấy 2 sào ruộng lúa của gia đình chị Trần Thị Hiếu (41 tuổi) chín rộ trong khi con gái chị vừa qua đời, nên chị em thôn 4, xã Tân Cảnh (Đăk Tô) đã huy động hơn 50 ngày công giúp chị Hiếu gặt lúa, phơi khô và đóng bao chở về nhà. Trước đó, tháng 7-2018, biết tin chồng chị Y Liên (35 tuổi, trú tại thôn Đăk Ri Peng, xã Tân Cảnh) gãy tay do tai nạn giao thông, hội viên phụ nữ thôn Đăk Ri Peng đã huy động gần 40 ngày công giúp đỡ chị Y Liên thu hoạch mì (sắn). Hội Phụ nữ xã Tân Cảnh cũng vận động bà con nhân dân trên địa bàn quyên góp tiền, gạo, mì ăn liền và các loại nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình chị Y Liên.

Trò chuyện với chúng tôi về mô hình này, chị Y Dên, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Cảnh (nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã), chia sẻ: “Vần công đổi công” là mô hình được hội viên phụ nữ xã triển khai thực hiện từ năm 2015. Bên cạnh việc giúp đỡ nhau giải quyết các công việc hằng ngày thì khi cần huy động lực lượng, chị em đã góp công kịp thời giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, hay có việc hiếu, việc hỷ... Đây là mô hình đã được nhân rộng ra 8/8 thôn (chi hội) trên địa bàn xã Tân Cảnh.

Phụ nữ thôn 4, xã Tân Cảnh (Đăk Tô, Kon Tum) gặt lúa giúp gia đình chị Trần Thị Hiếu.

... Đến “góp vốn xoay vòng”

Tháng 2-2020, chị Nguyễn Thị Vân (47 tuổi), ở khối phố 8, thị trấn Đăk Tô, mua chiếc xe máy trị giá 21,5 triệu đồng. Số tiền mua xe được trích từ tiền của tổ “góp vốn xoay vòng”. Đây là vật dụng đắt tiền mà gia đình chị Vân mong muốn được sở hữu mấy năm nay, bởi chồng chị thường xuyên đau ốm. Sắm được xe máy đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, gia đình chị có phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Trò chuyện với chúng tôi, chị Vân phấn khởi: “Tôi tham gia tổ “góp vốn xoay vòng” từ lâu. Tổ của tôi gồm 12 thành viên, mỗi người góp 2 triệu đồng/tháng. Tùy theo hoàn cảnh gia đình của từng chị em mà các thành viên trong tổ ưu tiên cho người có nhu cầu cần chi tiêu trước. Qua những năm tham gia, gia đình tôi đã sắm được ti vi, tủ lạnh và bây giờ là xe máy. Nhiều thành viên trong tổ cũng mua sắm được những vật dụng, tiện nghi phục vụ sinh hoạt, nhiều gia đình dùng số tiền đó cho con học đại học, đầu tư mua phân bón và cây giống phục vụ sản xuất…”. Cũng như chị Vân, chị Bùi Thị Bích (30 tuổi), trú ở khối phố 7, thị trấn Đăk Tô là một trong 15 thành viên của tổ “góp vốn xoay vòng”. Tháng 4-2020, chị Bích được tổ cho mượn tiền để tiêu dùng. Được giúp đỡ chi tiêu trong tháng, chị Bích bàn bạc với chồng quyết định mua chiếc tủ tường đặt trang trọng giữa phòng khách gia đình. Chiếc tủ là vật dụng mà vợ chồng chị mong muốn từ lâu nhưng chưa có điều kiện mua sắm.

Chị Y Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối phố 7, chia sẻ: “Hiện tại, chi hội chúng tôi có 2 tổ “góp vốn xoay vòng” giúp nhau mua sắm tiêu dùng. Hằng tháng, mỗi người góp 1 triệu đồng cho chị em trong tổ mượn để chi vào những việc cần thiết trong gia đình. Hằng tháng, tùy theo điều kiện người cần sử dụng mà chị em trong tổ bàn bạc thống nhất cho mượn để giải quyết công việc. Có một điều đặc biệt là khi sử dụng số tiền này, chị em hội viên không phải tính thêm tiền lãi".

Nói về hiệu quả của tổ “góp vốn xoay vòng” trên địa bàn, chị Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đăk Tô, cho biết: "Hoạt động của tổ “góp vốn xoay vòng” bắt đầu từ năm 2007, nhưng lúc đó chỉ có 3 tổ, với gần 30 thành viên tham gia. Kể từ ngày triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, các cấp hội đã nhân rộng ra 14 tổ, với 580 thành viên tham gia. Số tiền các tổ cho mượn xoay vòng đã tăng lên 280 triệu đồng. Từ số tiền này, chị em hội viên đã mua sắm được các vật dụng đắt tiền, như xe máy, ti vi, tủ lạnh, sử dụng vào những công việc lớn trong gia đình...".

“Vần công đổi công” và “góp vốn xoay vòng” là hai trong hàng chục mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Hội LHPN huyện Đăk Tô duy trì hiệu quả những năm qua. Những mô hình ấy, bên cạnh việc đã và đang từng ngày giúp đỡ chị em hội viên duy trì tốt “Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, còn góp phần phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

“Đến nay, các cấp hội của huyện đang duy trì 18 tổ “vần công đổi công”, với gần 600 hội viên tham gia. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2020, các tổ này đã hỗ trợ gần 700kg gạo cho 67 hộ gia đình hội viên khó khăn; thăm hỏi ốm đau, ma chay với số tiền hơn 46 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Như Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô, cho biết.

Bài và ảnh: NAM LUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-mo-hinh-lam-theo-thiet-thuc-cua-phu-nu-dak-to-623170