Những món ăn khó nuốt nhất thế giới

Trang Independent vừa đưa ra danh sách các món ăn khó nuốt nhất ở các quốc gia trên thế giới.

Trứng luộc nước tiểu, Trung Quốc: Món ăn này phổ biến ở vùng Chiết Giang, Trung Quốc. Những quả trứng gà sẽ được ngâm trong nước tiểu của các nam học sinh tiểu học, sau đó được luộc một ngày một đêm dưới ngọn lửa nhỏ cho đến khi nứt vỏ. Theo các đầu bếp ở Chiết Giang, những quả trứng chín không chỉ mang hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh. Món ăn này cũng chính thức được công nhận là di sản văn hóa. Ảnh: Studytub.

Các món làm từ tinh hoàn động vật, Canada: Các món ăn này có tên trên thực đơn rất hấp dẫn là “con hàu trên núi”. Thực chất chúng là tinh hoàn của các loài động vật như cừu, bò, dê, lợn. Món ăn này cũng xuất hiện ở Mỹ, Tây Ban Nha, Argentina với những cách chế biến khác nhau. Ảnh: Natalia Piedra/ Youtube.

Côn trùng chiên, Campuchia: Du khách có thể bắt gặp những hàng bán côn trùng chiên ở khắp mọi nơi của Campuchia. Những chú bọ cạp, dế, châu chấu, nhện được xiên vào que, chiên giòn là món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Tuy vậy, không phải ai cũng dám ăn chúng. Ảnh: Theworldtastesgood.

Cá nóc, Nhật Bản: Đây là món ăn rất nổi tiếng của Nhật Bản, không chỉ vì hương vị ngon mà còn vì độ khó khi chế biến loài cá cực độc này. Các đầu bếp Nhật Bản phải trải qua ba năm đào tạo trước khi họ được phép làm món ăn từ cá nóc. Ảnh: Getty.

Cá mập lên men, Iceland: Cá mập lên men có tên Hakarl, là món ăn truyền thống của Iceland. Những con cá mập được lên men và sấy khô trong nhiều tháng. Hakarl có mùi tanh, và mùi nước tiểu, thường được ăn trong các dịp lễ lớn. Ảnh: Huffingtonpost.

Trứng vịt lộn: Đây là món ăn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á. Những quả trứng ấp khoảng 10 ngày được luộc chín, ăn kèm một số loại rau gia vị. Nhiều du khách thấy sởn gai ốc khi ăn một chú vịt nhỏ xíu bên trong quả trứng. Ảnh: Jerick Parrone/Flickr.

Ấu trùng kiến, Mexico: Món ấu trùng kiến có tên gọi là escamoles, phổ biến ở miền Trung Mexico. Những quả trứng kiến được lấy trong tổ kiến dưới gốc cây xương rồng vào giữa tháng 2 và tháng 5. Sau đó, chúng được đem chiên, xào hoặc luộc chín.

Ảnh: Josepine Stenudo.

Minh Hải
Theo Independent

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-mon-an-kho-nuot-nhat-the-gioi-post714546.html