Những món ăn nhà nghèo nổi tiếng bậc nhất xứ Phù Tang

Những món ăn nhà nghèo dễ làm, dễ ăn như cơm chan nước trà, mơ muối, cơm rong biển, Natto... đã trở thành nét chấm phá độc đáo trong thế giới ẩm thực đầy những món ăn cầu kì, tinh tế của Nhật Bản. Bên cạnh đó, những món ăn trên được người dân xứ Phù Tang cực kỳ trân trọng vì chúng gợi nhớ về một Nhật Bản thủa hàn vi, đồng thời còn ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh đáng suy ngẫm.

 Chazuke được biết đến với cái tên dân dã là cơm chan nước trà. Đây là món ăn đơn giản nhưng lại được người dân đất nước mặt trời mọc đặc biệt yêu thích.Thậm chí Chazuke còn được coi là món cơm trộn mang đậm quốc hồn của Nhật Bản

Chazuke được biết đến với cái tên dân dã là cơm chan nước trà. Đây là món ăn đơn giản nhưng lại được người dân đất nước mặt trời mọc đặc biệt yêu thích.Thậm chí Chazuke còn được coi là món cơm trộn mang đậm quốc hồn của Nhật Bản

Chazuke xuất hiện từ thời kỳ Heian (794-1185) của Nhật, được những người dân nghèo sáng tạo ra để tận dụng cơm hoặc thức ăn thừa từ bữa ăn trước. Hình thức ban đầu của món ăn là chan nước nóng lên cơm cho dễ ăn. Đến thời kỳ Edo (1603-1868) người ta mới dùng nước trà để thay thế

Cách chế biến Chazuke vô cùng đơn giản: Đồ ăn thừa cho vào bát cơm nóng, xong chan trà vào, trộn lên và thưởng thức. Trà rót vào cơm có thể sử dụng các loại trà như Sencha, Houjicha và Genmaicha. Việc kết hợp với nước trà sẽ làm tăng hương vị và cảm giác thanh nhẹ, dễ chịu cho món ăn

Món ăn Chazuke thể hiện rất rõ đức tính tiết kiệm của người dân đất nước mặt trời mọc. Vì Nhật Bản vốn là nước nghèo tài nguyên, lại trải qua nhiều đau thương chiến tranh, nên người dân nơi đây ý thức sâu sắc được những thứ xung quanh mình đều không dễ dàng có được. Vì thế người Nhật không dám hoang phí, kể cả là đồ ăn thừa

Dù nguyên liệu là đồ ăn thừa, tuy nhiên người Nhật rất biết cách nâng tầm giá trị món ăn. Một bát Chazuke luôn được bày trí gọn gàng, phối màu hài hòa, đẹp mắt. Qua đây, người Nhật muốn gửi gắm triết lý về nhân sinh quan, rằng điều thú vị luôn xuất phát từ những thứ có sẵn quanh mình, vậy nên hãy luôn trân trọng những điều giản đơn đó

Ngày nay, Chazuke không chỉ là món ăn nhà nghèo mà được biến tấu để trở nên sang trọng, cầu kì với nguyên liệu phong phú như cá hồi, nhím biển, sò điệp… Tuy thế, Chazuke vẫn luôn giữ trọn tinh thần và vẻ đẹp truyền thống đầy nhân văn của mình

Natto là món ăn “cá tính” nhất trong nền ẩm thực Nhật Bản. Món ăn độc đáo này được làm từ đậu nành lên men trong các túm rơm. Khi không có gì để nấu ăn, người Nhật sẽ thường ăn cơm trắng kèm Natto để no bụng

Natto được xếp ngang hàng với đậu phụ thối của Trung Quốc, vì món ăn khá kén người thưởng thức do có hương vị hăng nồng khó chịu và vẻ ngoài nhơn nhớt kéo sợi. Có tới 40% người Nhật ghét Natto vì mùi và độ nhớt của nó

Tuy thế, Natto lại cực kỳ tốt cho sức khỏe. Món ăn nhà nghèo này được coi là phương thuốc dân dã ngừa đột quỵ tuyệt vời. Các chuyên gia dinh dưỡng tìm thấy trong Natto các chất như: Pyrazine (một hợp chất ngăn chặn xơ vữa động mạch), nattoukinase (một loại men được sinh ra trong Natto có tác dụng ngăn ngừa tụ huyết, đau tim, tắc mạch)...

Ngoài ra, trong Thế chiến thứ II (1939-1945), Natto được quân đội Nhật sử dụng như thuốc trị kháng sinh, kiết lỵ. Hiện tại, Natto đang được các dược sĩ nghiên cứu để chiết xuất các thành phần cho thuốc chống lão hóa và béo phì

Onigiri là cơm nắm của người Nhật được nắm thành những hình dáng thuận tiện cho việc mang đi. Đây là một trong những món ăn đặc trưng nhất trong các món ăn nhà nghèo của xứ Phù Tang

Onigiri xuất hiện từ trước khi việc sử dụng đũa phổ biến vào thời kỳ Nara (710-794) của Nhật, lúc này cơm được nắm để dễ dàng ăn. Đến thời kỳ Edo (1603-1868), Onigiri trở thành bữa ăn nhanh của người nông dân khi bận chuyện đồng áng và các võ sĩ Samurai chiến đấu trên chiến trường

Hình thức ban đầu của Onigiri chỉ là những nắm cơm có rắc muối. Về sau, vào thời kỳ Edo, người ta mới dùng rong biển để cuốn khi ăn. Đến nay, Onigiri trở nên đa dạng với việc người ta trộn cá, thịt, mơ muối... cùng cơm để nắm hoặc nhồi chúng vào làm nhân

Hiện tại, cơm nắm Onigiri được đông đảo tầng lớp trong xã hội Nhật Bản ưa chuộng vì vừa ngon-bổ-rẻ lại dễ làm, dễ mang theo

Umeboshi là món mơ muối có mặt ở Nhật Bản từ nhiều thế kỷ trước. Với hương vị mặn mòi, chua gắt, những quả mơ muối được ví như mảnh ghép độc đáo góp phần phong phú cho bức tranh ẩm thực của xứ Phù Tang

Thông thường muối mơ chỉ cần một năm, tuy nhiên để có một mẻ mơ muối ngon người ta sẽ muối trong vòng 3-5 năm. Sau khi muối xong, người Nhật sẽ đem phơi héo để thành mơ muối Umeboshi. Nếu không phơi nắng, mơ muối sẽ gọi là Umezuke và khi ăn có độ giòn hơn Umeboshi

Vào thời kì Heian (794-1185), mơ muối Umeboshi là phương thuốc quý chữa cảm, ho, khó tiêu... chỉ dành cho tầng lớp vua chúa và quý tộc. Phải đến thời kỳ Edo (1603-1868), mơ muối mới trở thành món ăn bình dân do canh tác nông nghiệp phát triển

Trong thời kỳ khó khăn, mơ muối Umeboshi xuất hiện nhiều trong những hộp cơm của người dân nghèo. Những hộp cơm này được gọi là "Hinomaru no Bento", nghĩa là "cơm hộp mặt trời mọc" hay "cơm hộp quốc kỳ" vì chỉ có cơm trắng và một quả mơ muối ở trên nhìn giống quốc kỳ Nhật Bản

Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh, mơ muối Umeboshi đã cứu đói cho biết bao người dân Nhật Bản. Vì thế ở Nhật mới có câu nói: "Con người sẽ còn tồn tại tới chừng nào còn một quả Umeboshi nằm trên bát cơm"

Ngày nay, mơ muối Umeboshi được sử dụng như một loại gia vị độc đáo nêm nếm cho các món ăn khác như: Cơm chan nước trà kèm mơ muối, Cơm nắm nhân mơ muối, mì Udon...

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-nhung-mon-an-nha-ngheo-noi-tieng-bac-nhat-xu-phu-tang/844051.antd