Những món đặc sản Tây Bắc mùa lúa chín ngon khó cưỡng

Cứ vào độ tháng 9 tháng 10 hằng năm, những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc lại được phủ một màu vàng ruộm của lúa chín. Nếu có dịp đến tây Bắc mùa lúa chín, bạn đừng quên thưởng thức các đặc sản ngon khó cưỡng này.

Thịt trâu gác bếp Điện Biên: Nói đến đặc sản Tây Bắc không thể không nói đến món thịt trâu bởi đây là món ăn đặc trưng của người dân tộc. Trước đây, người Thái nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn lưu trữ được lâu trong những ngày lễ tết.

Món ăn này có cách chế biến khá công phu, thường cắt những mảng thịt thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, thái miếng to bản hình con chì rồi ướp các loại gia vị như muối, gừng, ớt, nước lá rừng và đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng). Thịt sau khi tẩm ướp được treo lên gác bếp đến khi khô sẽ có mùi ám khói đặc trưng.

Ngồi quây quần bên nhau, lai rai vài miếng thịt trâu vừa lấy từ trên gác bếp xuống, nhấm nháp từng múi thịt thơm lừng, đậm đà còn nguyên mùi khói với vị cay của ớt, vị nồng của mắc khén… thì không gì tuyệt bằng.

Lợn cắp nách Lai Châu (hay còn gọi là lợn lửng) là một món ăn đặc trưng núi rừng Tây Bắc. Vì lợn chỉ cỡ 20kg nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách, vì thế mới có tên “lợn cắp nách”.

Lợn được nuôi thả tự nhiên nên thịt rất chắc, ngọt và thơm chẳng khác nào thịt lợn rừng. Bởi lợn cắp nách nhỏ con nên cũng rất nạc, có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn ngon. Dù hấp, nướng, hun khói, xào hay luộc thì thịt vẫn ngon. Thịt lợn cắp nách vừa thơm, thịt chắc nịch lại không béo ngậy, dù gắp phải miếng mỡ.

Món nướng Sapa, Lào Cai: Sapa không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, khi hậu lạnh và trong lành mà còn bởi ẩm thực vô cùng phong phú. Bạn có thể thử nhiều món lạ, nhưng nhất định đừng quên thưởng thức đồ nướng Sapa.

Trong tiết trời lạnh tê người núi rừng Tây Bắc, những xiên đồ nướng đủ màu sắc tỏa hương hấp dẫn sẽ nhanh chóng sưởi ấm cả cơ thể lẫn chiếc dạ dày đang sôi réo của bạn.

Xôi chim Mường Thanh - Điện Biên: Đến Tây Bắc mùa lúa chín, bạn hãy thưởng thức món xôi chim ngon tuyệt của người dân tộc. Xôi chim được bày trên mâm có nắp đậy để giữ xôi luôn ấm và mềm. Sở dĩ xôi chim dẻo thơm bởi hạt nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và béo ngọt nhờ vị thịt chim câu mới ra ràng.

Pá pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Món ăn là niềm tự hào của người Thái đồng thời khơi dậy sự tò mò tìm hiểu của nhiều phượt thủ khi ghé thăm các bản làng.

Pá pỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nào nhưng ngon nhất là cá suốt hoặc cá chép còn tươi sống, đem làm sạch vảy, mổ cá, gấp úp, để phần gia vị nhồi trong bụng cá rồi nướng trên than hồng tới khi cá chín thơm mùi hương liệu mà vẫn ngọt béo và thơm ngon.

Cháo ấu tẩu của người Hà Giang từ lâu đã được nhiều người biết tiếng bởi độ độc đáo của món ăn. Ấu tẩu là loại củ chứa độc tố khá nguy hiểm nhưng nếu chế biến cẩn thận có thể tạo ra món cháo thơm ngon, hấp dẫn. Cháo ấu tẩu rất thích hợp để thưởng thức trong tiết trời mát mẻ tháng 10 nơi vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Internet.

Video "Cách làm món bánh cốm". Nguồn: Món ăn ngon.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nhung-mon-dac-san-tay-bac-mua-lua-chin-ngon-kho-cuong-1117906.html