Những món quà khiến thầy cô rơi nước mắt trong Ngày Nhà giáo Việt Nam

Món quà 20.11 các thầy cô nhận được, không phải phong bì, hay vật chất cao sang. Đôi khi là cân gạo, đến bó hoa dại, hay sự trưởng thành của học trò… cũng khiến 'những người đưa đò' thấy sao ấm áp và có khi rơi nước mắt.

Những món quà giản dị mà giáo viên cắm bản nhận được từ học trò ngày 20.11.

Nghe học trò khoe xin được việc làm, thầy xúc động rơi nước mắt

Đó là câu chuyện về thầy Lê Ngọc Cương - giáo viên Trường Trung cấp nghề Thanh - Thiếu niên, khuyết tật đặc biệt khó khăn Thanh Hóa.

18 năm công tác trong ngành, công việc của thầy là dạy nghề cho đồng bào dân tộc, rồi rong ruổi khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến cả những vùng khó khăn để vận động người khuyết tật đi học nghề, để có thể làm chủ được cuộc sống của mình.

Thầy Lê Ngọc Cương vừa nhận bằng khen của Bộ GDĐT vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.

18 năm qua, với thân phận là giáo viên hợp đồng, lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, trong khi thầy phải nuôi con bị bệnh. Khó khăn càng chất chồng khi mới đây, vợ thầy bị mất việc, vì công ty khó khăn, không đủ việc làm cho công nhân.

Áp lực thực sự lớn đối với một người là trụ cột gia đình như thầy. Cũng vì thế mà 10 năm nay, ước mơ dành dụm được tiền mua chiếc máy giặt để tặng vợ, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Dù khó khăn còn bộn bề, nhưng vợ luôn động viên tôi. Chúng ta còn may mắn lắm, gia đình người khuyết tật, còn khổ gấp bội lần, chưa chắc đã được ăn no".

Ngày 20.11, thực sự không mong gì hơn ngoài việc học sinh trưởng thành, tự tin vào chính bản thân mình.

Sau 18 năm công tác, món quà Ngày Nhà giáo Việt Nam tôi nhận được và không thể nào quên là 1 học sinh khuyết tật tôi từng dạy gọi điện về chúc mừng thầy. Rồi em khoe vừa được tuyển dụng vào công ty có vốn đầu tư nước ngoài, lương 7 triệu đồng/tháng.

Tôi nói vui "vậy là lương của em gần gấp 3 lần thầy rồi". Nhưng đêm hôm đó, tôi không ngủ được, vì quá vui và hạnh phúc.

Bởi nhận thức xã hội vẫn là rào cản rất lớn khiến người khuyết tật khó hòa nhập với cộng đồng.

Chúng tôi dành hết tâm huyết dạy các em thạo nghề, nhưng vẫn trăn trở phải làm sao để các nhà tuyển dụng rộng cửa đón nhận người khuyết tật vào làm việc, cùng chúng tôi giúp các em mở cánh cửa đến tương lai”- thầy Lê Ngọc Cương tâm sự.

Yêu sao những đóa hoa dại của học trò

Không phải những bó hoa đắt tiền, hay món quà sang trọng, quà 20.11 của cô Vũ Thảo Viết (giáo viên ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chỉ là những đóa hoa dã quỳ, được học sinh hái ở ven đường.

Khoảnh khắc bước vào lớp, thấy học trò của mình trên tay nâng cao bó hoa dã quỳ vàng, ánh mắt trìu mến nhìn về phía cô giáo, thực sự khiến cô cay khóe mắt.

Cô Viết chia sẻ, tình cảm mộc mạc, chân thành của những học trò nghèo đã khiến cô và có lẽ rất nhiều giáo viên đang công tác ở những vùng khó khăn, miền núi thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục cống hiến, dù khó khăn còn bộn bề.

Mong được học trò gọi một tiếng “thầy”

Không được đào tạo kỹ năng sư phạm, nhưng Thiếu tá Nguyễn Văn Chính – Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bến Phố (Long An) và hàng nghìn chiến sĩ mang quân hàm xanh trên cả nước đã góp công rất lớn trong sự nghiệp giáo dục.

Thương các em nhỏ ở vùng biên giới, cuộc sống khó khăn, các chiến sĩ đã mở lớp, đi từng gia đình vận động người dân đưa con em đến học. Cứ thế, bao năm qua, nhiều lứa học sinh đã biết nói, biết đọc, trưởng thành dưới sự dạy dỗ của người thầy mang quân hàm xanh.

Tâm sự về Ngày Nhà giáo Việt Nam và những món quà đã nhận được từ học trò trong ngày này, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính rưng rưng: “Bao năm qua chúng tôi lên lớp dạy, không vì mục đích được tôn vinh thế này. Chỉ cần được nghe học trò gọi một tiếng thầy, đã thấy lòng vui dữ lắm”.

Trung tá Mai Văn Sơn kể lại những món quà 20.11 mình nhận được.

Với Trung tá Mai Văn Sơn - Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hải Vân Đà Nẵng, món quà 20.11 thầy nhận được là những mớ rau, nải chuối.

Thậm chí, thấy hoàn cảnh học sinh khó khăn quá, các thầy còn đi vận động nhau, quyên góp gạo, vật chất để tặng gia đình phụ huynh. Niềm vui lớn nhất của thầy là học sinh chịu đến lớp, để học con chữ.

Và mỗi ngày, hàng nghìn giáo viên trên cả nước vẫn dạy học trò nghèo bằng trái tim, thầm lặng cống hiến như thế.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nhung-mon-qua-khien-thay-co-roi-nuoc-mat-trong-ngay-nha-giao-viet-nam-642272.ldo