Những mùa Trung thu đã qua…

Tôi luôn nhớ về những mùa Trung thu đã đi qua nơi quê nhà. Dù còn thiếu thốn nhưng những năm tháng ấy luôn là một miền ký ức đẹp đẽ trong tôi…

Trung thu, trẻ con và những món đồ chơi hiện đại hấp dẫn

Trung thu xưa

Quê tôi, một vùng quê thuần nông, người dân bao đời chỉ biết chắt chiu sự cần cù vào hạt lúa, củ hành. Với lũ trẻ con nhà quê ngày ấy, Tết Trung thu to gần như Tết Nguyên đán. Rồi thì đến ngày Rằm, từ tờ mờ tối, bọn trẻ con đã giục nhau ăn cơm sớm để sang nhà hàng xóm phá cỗ. Đứa cầm đèn ông sao, đứa đeo mặt nạ, đứa đánh trống. Cảm tưởng như Trung thu dồn hết thảy vào cái sân nhỏ bé kia.

Ngày xưa, đồ chơi ít, điều kiện ở quê cũng không được dư giả. Thế nên, lũ trẻ con phải đợi đến sát Trung thu mới được bố mẹ mua cho chiếc đèn lồng hay cái mặt nạ. Trăng lên, hai ba mâm hoa quả được bê ra. Hằng ngày, chỉ trải một chiếc chiếu là đủ nhưng hôm nay phải là bốn, năm cái ghép lại. Đứa phụ bê chiếu, đứa phụ cầm bát, rổ… Chắc chỉ bọn trẻ con ở quê mới được trải nghiệm cảm giác sung sướng khi ngồi giữa sân, gió trời mát lồng lộng và tha hồ ngắm trăng, chẳng sợ nhà cao tầng che khuất.

Trước lúc phá cỗ, có cả văn nghệ quê nhà, tức là tự biên tự diễn theo năng lực. Trẻ con, đứa nào mạnh dạn thì lên múa hát cho mọi người nghe, còn đứa nào nhát hơn thì làm chân múa phụ họa. Có tiết mục cả xóm vỗ tay, có tiết mục thì cả xóm được trận cười. Cứ thế mà không khí rôm rả, sôi nổi cả tối.

Mâm cỗ ngày ấy đơn giản vô cùng, hoa trái vườn nhà với thêm ít bánh kẹo là hấp dẫn lắm rồi. Lại nói về ngày ấy, bánh kẹo hiếm và đắt. Thi thoảng được cho vài cái bánh là giữ cả ngày mới dám ăn. Thế nên, đến giờ phá cỗ, mắt đứa nào cũng sáng lên, hí hửng chúi đầu vào mâm hoa quả rồi chỉ chỏ muốn ăn cái này cái kia.

Tối Trung thu, lũ trẻ con như tôi được thức khuya hơn vì lâu lắm mới có dịp được quây quần cả xóm như thế. Ăn xong, cả lũ lại rủ nhau chơi rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan… Trăng sáng vằng vặc, chiếu thẳng xuống qua tán cây. Thi thoảng có vài cơn gió trời mát lạnh thổi qua. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lại cảm giác được tận hưởng những thứ quà quê như thế. Gió quạt, gió điều hòa tiện thật nhưng chẳng thích bằng một cơn gió tự nhiên, man mát, nhè nhẹ và thơm cả mùi lúa chín.

Trung thu nay

Trải qua thời gian, Tết Trung thu ngày nay đã thay đổi nhiều so với trước kia. Từ việc chơi Tết Trung thu cho đến đồ chơi, tất thảy đều mang màu sắc hiện đại. Đồ chơi đa dạng vô cùng, không thiếu thứ gì, vốn dĩ ngày thường vẫn vậy.

Ngày trước, bánh Trung thu làm bằng những nguyên liệu giản dị: thịt mỡ lợn, đỗ xanh, lá chanh, lạc… Hình thức cũng đơn giản là vuông và tròn, biểu tượng cho trời và đất. Ngày nay, bánh được sáng tạo không chỉ về hương vị mà còn đa dạng về hình thức. Vị thập cẩm, vị đỗ xanh, vị hạt sen… được làm trong hình thù khác nhau như con cá, con lợn… Mâm cỗ cũng được chuẩn bị lung linh và bắt mắt hơn với nhiều loại bánh kẹo đủ các màu sắc.

Có thể thấy sự khác biệt rõ nhất giữa Trung thu xưa và nay là cách tổ chức. Trẻ em ở các đô thị được bố mẹ cho đi chơi ở trung tâm thương mại, đi ngắm phố phường hoặc đi ăn ở nhà hàng. Bọn trẻ ít có cơ hội được ngắm trăng thật mà thay vào đó là những mô hình lộng lẫy ở khu công cộng. Không gian bốn bề chỉ toàn cao ốc. Có lẽ ngày Tết của trẻ em ở thành phố không còn mang nhiều hương vị đặc trưng truyền thống.

Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng khi thời gian thay đổi, tiêu chuẩn xã hội cũng có sự khác biệt cho phù hợp với điều kiện sống. Không thể áp đặt toàn bộ những gì xưa cũ vào ngày nay. Dù cách thưởng thức khác nhau nhưng Trung thu vẫn mang giá trị truyền thống, là ngày Tết của trẻ em và là dịp gia đình quây quần bên nhau.

Hòa Nguyễn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-mua-trung-thu-da-qua/783975.antd