Những mùa xuân cũ

Cứ mỗi mùa xuân mới đến là lại nhớ lùi dần về những mùa xuân cũ như tìm về một giấc mơ đẹp, một giai điệu đẹp, nó cứ nấn ná ngân nga mãi trong tâm khoảnh khắc ấm áp êm đềm.

Nhớ ngày xưa cha mẹ ở trong xóm lao động nghèo, nhà nhà chạy ăn từng bữa. Nhà mình chị em một bầy lít nhít, đứa nọ cách đứa kia 2 năm tranh nhau chen chúc ra đời. Ba đi làm, má quanh năm suốt tháng tất tả chạy chợ nuôi con, mấy đứa lớn đứa nào cũng chai hông vì ẵm em một bên tha nhau đi chơi. Sau lớn đi lấy chồng ngán con nít, thà xay lúa khỏi bồng em. Cực nhất là mỗi lần chia phần ăn cho lũ con, cái gì cũng phải bằng nhau đều tăm tắp. Tài đến mức, cái bánh tráng phồng cũng bẻ làm hai thẳng băng, trái xoài chín méo xẹo cũng cắt được làm 3, không cách gì lựa được phần nhiều hơn. Hồi đó, lũ con chán nhứt cái điệp khúc “mai mốt ba má mua…” hoặc “từ từ rồi tính sau”. Cả năm, chỉ mong đến Tết để có được 2 bộ đồ mới mặc nhà, 1 bộ đồ Tết mặc đi chơi, vừa có tiền lì xì vừa khỏi bị la rầy, khỏi đi học. Và ăn uống thì tha hồ khỏi chia phần, khỏi giờ giấc.

Những ngày giáp Tết thuở ấy, cái khác đầu tiên là căn phòng khách nhỏ 9 mét vuông. Ngày thường chỉ kê được mỗi cái đi văng nhỏ, cái tủ buffet. Ưu tiên chừa cái nền nhà trống cho con nít nằm bò lê la. Khách tới chơi nhà toàn ngồi đi văng hay bệt xuống sàn. Tết tới, ba sẽ cho khiêng cái đi văng ra ngoài sân, lấy chỗ bày ra 1 bộ bàn ghế xếp tiếp khách vốn ngày thường được cột lại cất kỹ đâu đó. Một cây mai được mang về, quàng lên nó mấy sợi dây đèn màu trang trí. Căn phòng khách bỗng trở nên sang trọng phi thường. Tối lại, lũ con nít nằm lăn lóc say mê coi đèn nhấp nháy, nghe tới nghe lui bài Ly rượu mừng từ cái cassette nhỏ xíu mà lòng rộn rã tưng bừng, vui sao đếm từng ngày từng giờ chờ Tết tới. Nhớ má hay nói, “thấy tụi mày sướng như tiên không, thấy có con ai sướng được vậy không” khi nhìn lũ con nằm sắp lớp dưới nền nhà nghe nhạc ngắm mai.

Ảnh: G.C

Nhớ nồi bánh tét của bà ngoại, còng lưng gói cột cả nửa ngày trời, kê gạch chụm củi nấu ngoài sân nguyên đêm hoa lửa nổ tí tách thơm lừng, rồi sáng sớm trẻ con được phát mỗi đứa 1 cái bánh ú ngon nhất trần đời. Củi gộc to bằng bắp chân để dành cả năm không chẻ ra cất kỹ đâu đó là để dành cho sự kiện này.

Nhớ đủ loại bánh mứt má làm, xong cho vô thẩu lấy băng keo niêm kín nắp chất lên kệ đợi Tết khai hỏa, lũ con ngày nào cũng lượn qua lượn lại chỉ trỏ thèm thuồng ngó.

Chiều 30 Tết ngày xưa đối với lũ trẻ sao linh thiêng bí ẩn đến vậy, đứa nào cũng được má nấu nước cho tắm gội sạch sẽ, đi nhẹ nói khẽ, rón rén qua lại bàn thờ. Đến chạng vạng là bị cấm tiệt khỏi bước chân ra ngõ luôn, cửa đóng then cài, nội bất xuất ngoại bất nhập. Con nít nhà nào bị nhà đó nhốt lại. Vậy là bầu cua, cá ngựa, lô tô… được bày ra. Tuy không phải năm nào cũng thức nổi chờ đến giao thừa nhưng cho dù có đang ngủ quên thì bao giờ cũng được đánh thức bằng tiếng pháo. Tờ mờ sáng mùng một, chị Hai thảng thốt khều lũ em dậy, thì thào “Tết rồi”. Lũ em cũng mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò ngay dậy không đợi kêu tới tiếng thứ hai, “ủa tới Tết rồi hả”, đứa nào cũng hồi hộp trở dậy nhẹ nhàng nhường nhịn, sợ lạng quạng lấn nhau gây lộn xui cả năm.

Thương Tết của những mùa xuân cũ trong ký ức còn nguyên sơ trong trẻo.

Và thương cả Tết còn được bận rộn của xuân này…

ÁI DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202402/nhung-mua-xuan-cu-3f3755b/