Những năm tháng không thể nào quên ở xứ sở hoa Chăm pa

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975), Thanh Hóa vừa tích cực phục vụ và tham gia chiến đấu trên các chiến trường, vừa là hậu phương của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Trong đội hình quân tình nguyện (QTN) Việt Nam, Thanh Hóa có hàng vạn con em tham gia các đơn vị chiến đấu tại chiến trường Lào.

Những cựu chiến binh tỉnh từng tham gia đội hình quân tình nguyện chiến đấu tại Lào trong ngày gặp lại nhau. Ảnh: Trần Thanh

Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, các chiến sĩ QTN Việt Nam đã có mặt trên đất nước Lào từ rất sớm để cùng với bạn chiến đấu chống kẻ thù chung, giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc. Các chiến sĩ QTN Việt Nam giờ người còn, người mất, song những câu chuyện chinh chiến ở xứ sở hoa Chăm pa gắn với tinh thần tuổi trẻ một thời luôn cháy trong tim.

Một buổi sáng mùa hạ, tuyến phố Cửa Hữu, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) bình lặng trong cái bóng nghiêng nghiêng của hàng cây xanh. Dòng thời gian dường như ngừng lại trong ánh mắt lấp lánh, nụ cười hồn hậu, những cái ôm hạnh phúc của các cựu chiến binh của tỉnh từng tham gia đội hình QTN Việt Nam chiến đấu trên đất nước bạn Lào. Ngôi nhà của ông Lê Hồng Ngoan, Trưởng Ban liên lạc QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa bỗng trở nên ấm áp, thắm thiết tình đồng chí, đồng đội với những câu chuyện chất chứa lý tưởng sống duy nhất sẵn sàng chiến đấu, hy sinh chống kẻ thù chung, cho một nền tự do chung.

Lần giở từng trang trong cuốn “Truyền thống 70 năm QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào”, ông Ngoan cho biết: “Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng hai nước Việt – Lào, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử sang chiến đấu giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là QTN. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam đã có 5 lần được cử sang giúp bạn Lào chống kẻ thù chung, kéo dài suốt từ năm 1949 đến năm 1987”.

Mái tóc giờ đã bạc, bước chân cũng chậm rãi hơn nhưng những ngày tháng chiến đấu bên kia dãy Trường Sơn luôn cháy bỏng trong người lính già Lê Hồng Ngoan. Sau khi tham gia giải phóng Huế, năm 1977, ông chuyển về Sư đoàn 335 và nhận nhiệm vụ sang Lào chiến đấu giải phóng Phu Bia. Cuối năm 1976, khu vực Phu Bia là hang ổ cố thủ của bọn phản động Lào được xây dựng với 6 tiểu đoàn. Tại Phu Bia, chúng hình thành 12 tiểu khu, thường xuyên đánh phá đường giao thông và tập kích lực lượng ta. Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cấp trên giao, Trung đoàn Bộ binh của ông Ngoan đã cùng với quân đội Pha Thét Lào lên phương án để giải phóng Phu Bia.

Ông Ngoan bùi ngùi nhớ lại: “6 giờ 30 phút ngày 28-10-1978, các đơn vị của ta vào vị trí bí mật, an toàn. Khoảng 1 giờ sau, cả núi rừng Phu Bia rùng rùng chuyển động trong tiếng pháo rền vang và các loại súng bộ binh hòa cùng tiếng hô xung phong bằng cả hai thứ tiếng Việt Nam – Lào. Đến 6 giờ 30 phút ngày 13-11-1978, chúng ta mở đợt tiến công cuối cùng lên đỉnh Phu Bia. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, mưu trí, táo bạo QTN Việt Nam và quân đội Pha Thét Lào đã chiếm được điểm cao 2819, nơi được gọi là “nóc nhà” của Phu Bia. Phu Bia hoàn toàn được giải phóng sau 9 tháng chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quyết liệt của QTN Việt Nam và quân đội Pha Thét Lào. Cái “ung nhọt” trên cơ thể của nước bạn Lào được “giải phẫu” thành công, đưa 5.694 người dân trở về với cách mạng”.

Như chạm vào nỗi nhớ đất và người ở xứ sở hoa Chăm pa, ông Nguyễn Thành Dung, Phó trưởng Ban liên lạc QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban liên lạc QTN Sư đoàn 316 tỉnh nói: “Làm sao quên được những ngày tháng tuổi đôi mươi với khát khao cháy bỏng trong tim sẵn sàng hy sinh chống kẻ thù chung, giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc Việt – Lào”. Thế rồi, những kỷ niệm chiến đấu gian khổ và ác liệt trên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng cứ thế hiện về trong tâm trí ông như một thước phim tư liệu chiến tranh đầy sức lôi cuốn. Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng là vùng đồi bát úp rộng hơn 48 km, kéo từ Mường Khừng (phía Bắc) xuống Nậm Căng (phía Nam) và chiều dài khoảng 28 km từ Khang Khay (phía Đông) sang Phu Thưng (phía Tây). Nơi đây được xác định là địa bàn chiến lược quân sự quan trọng bậc nhất đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nước bạn Lào. Vị trí của Cánh Đồng Chum còn tạo thế tấn công trực tiếp vào căn cứ Long Chẹng – vương quốc Mẹo do Mỹ dựng nên. Đế quốc Mỹ đã chọn Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng để làm địa bàn thí điểm học thuyết của Ních – xơn. Coi đây là “chìa khóa” trong cuộc chiến tranh đặc biệt và Lào hóa chiến tranh, với công thức “5 cộng”, quân ngụy Lào + quân Thái + hỏa lực + không quân + hậu cần + cố vấn Mỹ. Mùa mưa năm 1969, dựa vào ưu thế không quân, Mỹ và bọn tay sai mở cuộc hành quân Kù Kiệt, liên tục sử dụng lực lượng tổng hợp có thời điểm lên tới 48 tiểu đoàn, cùng nhiều phương tiện chiến tranh tấn công vào Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, nhằm tạo bàn đạp để chiếm vùng giải phóng Xiêng Khoảng – Sầm Nưa. Để đối phó với tình hình và đập tan âm mưu của địch, ta quyết định mở chiến dịch mang mật danh “139”. Trước khi bước vào chiến dịch, trên chiến trường nước bạn Lào, các đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận được tin Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã qua đời. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đã biến đau thương thành hành động, quyết tâm đánh thắng kẻ thù để làm tròn lời dạy của Người “Giúp bạn là tự giúp mình”. Từ trung tuần tháng 9-1969 đến cuối tháng 4-1970, tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch đã dồn sức chiến đấu, đánh trả hàng trăm cuộc hành quân lấn chiếm quy mô lớn của địch. Không chỉ tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, chúng ta còn bảo vệ an toàn vùng giải phóng Sầm Nưa – Xiêng Khoảng, tạo thế và lực để tiến công các chiến dịch ở phía trước. Những ngày gần cuối tháng 12-1971, Sư đoàn 316 đánh trận mở màn, then chốt, đập tan tuyến phòng thủ quan trọng phía Bắc của địch, thu hồi toàn bộ địa bàn Cánh Đồng Chum. Nhằm bảo vệ sào huyệt phỉ ở Sảm Thông – Long Chẹng, địch liều mạng mở cuộc phản công chiếm lại phía Nam Cánh Đồng Chum. Ứng phó với tình hình trên chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiếp tục đợt tiến công 2B. Sau 20 ngày liên tục đánh trả, truy kích địch, Sư đoàn 316 đã giành lại được các vị trí quan trọng ở Phu Tâng, Phu Hụa Sạng, Phu Xen Luông, điểm cao 1607, 1242, 1173... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đập tan cuộc phản công của địch ở phía Nam Cánh Đồng Chum.

Sau khi đất nước Lào sạch bóng quân thù, các chiến sĩ QTN Việt Nam trở về nước. Phút giây tiễn chân giữa QTN Việt Nam với những người dân Lào diễn ra đầy lưu luyến. Ông Lê Văn Tứ, Phó trưởng Ban liên lạc QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa, nguyên cán bộ Sư đoàn 31, không giấu nổi cảm xúc nhớ lại: “Sau khi giúp bạn giải phóng hoàn toàn căn cứ Long Chẹng, Bom Lọng, Kiều Cu Chăm và xây dựng vùng giải phóng, sáng ngày 16-3-1976 khi đoàn xe đưa QTN Việt Nam về nước chuyển bánh, những người mẹ, người chị, người em các bản làng bịn rịn, sụt sùi nước mắt. Còn các đồng chí lãnh đạo Quân khu Xiêng Khoảng tiễn chân sư đoàn trên đoạn đường mấy chục km. Hình ảnh đó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí, tình cảm sâu đậm, đoàn kết đặc biệt Việt – Lào”.

Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, các đơn vị QTN Việt Nam đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu cùng Nhân dân và các lực lượng vũ trang Lào chiến đấu, chiến thắng kẻ thù chung. Thời gian dần trôi, lớp lớp thế hệ QTN Việt Nam trong những năm đầu của cuộc cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhiều người đã đi xa. Nhưng với những chiến sĩ QTN Việt Nam đang sống, trong trái tim và ký ức của họ luôn đồng vọng về xứ sở hoa Chăm pa.

Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/90-nam-dang-bo-tinh/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-o-xu-so-hoa-cham-pa/121485.htm