Những năm tháng không thể nào quên

Cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ, nhà báo tham gia tuyên truyền phục vụ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vừa được Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức mang đến những câu chuyện xúc động từ những nhân chứng sống như nhạc sĩ Phạm Tuyên, NSND Thanh Hoa, NSƯT Tuyết Thanh, nhạc sĩ Trương Quý Hải...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và NSƯT Tuyết Thanh tại buổi giao lưu Chiều biên giới – Ðài TNVN tổ chức ngày 21/2 Ảnh: BTC

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và NSƯT Tuyết Thanh tại buổi giao lưu Chiều biên giới – Ðài TNVN tổ chức ngày 21/2 Ảnh: BTC

Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn có những bài hát vừa hay vừa kịp thời. Những tin tức thời sự đầu tiên về cuộc chiến tranh mở màn sáng 17/2/1979 đi kèm giai điệu Chiến đấu vì độc lập tự do ông viết ngay trong đêm đó. Ông cho biết đã theo dõi cuộc chiến này thậm chí từ trước thời điểm thống nhất đất nước, khi các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn luôn xảy ra tranh chấp, song song với biên giới Tây Nam. Khi nghe quân Việt Nam giải phóng được thủ đô Phnom Pênh, ông đã rất vui nhưng đồng thời cũng được nghe những dự đoán, sẽ có những phá hoại tiếp theo.

NSƯT Tuyết Thanh kể, khi đi hát phục vụ phòng tuyến Sông Cầu, bà nhiều lần hát bài Chiến đấu vì độc lập tự do cùng nhiều bài khác theo yêu cầu của các chiến sĩ. Trong số đó, một thương binh nặng tuổi chừng 18-20 đề nghị được nghe bài Ngành y ta đó (Nguyễn Xuân Khoát). Hát xong bài này, Tuyết Thanh giới thiệu thêm bài mới của Phạm Tuyên. “Đồng chí đó thích lắm. Tôi đi lần lượt tất cả các giường bệnh, khi tôi quay trở lại em đó đã hy sinh. Lúc đó tôi cảm động muốn khóc lên được…”.

“Càng sát chiến tuyến không khí càng căng dần. Ðến thị xã Hà Giang cách chiến tuyến 20 cây trong tầm pháo địch thì lại những bàn tay vẫy. Ðây là những người dân trực tiếp ở trong cuộc chiến. Sự bình thản, chở che của người dân Hà Giang là nguồn động lực rất mạnh mẽ cho những người lính trên chiến trường Vị Xuyên… Ra quân, mỗi người một nơi. Hồi ức tháng năm hiện dần, chúng tôi quay lại chiến trường xưa. Thì chính người dân lại giúp chúng tôi mở những con đường tìm lại hài cốt đồng đội”.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải

Được biết nhiều thanh niên trong Tây Nguyên, khu 5 khi nghe “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…” cũng muốn xung phong ra Bắc bảo vệ biên cương. Thời gian này, Phạm Tuyên cùng nhiều nhạc sĩ được Bộ Tư lệnh Biên phòng đưa đi thực tế khắp vùng biên giới phía Bắc, và ông tiếp tục viết Có một đóa Hồng Chiêm, Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh.

Nhà báo Đoàn Việt Trung, nguyên Phó TGĐ Đài TNVN vẫn nhớ hình ảnh liệt sĩ Lê Đình Chinh hàng ngày đi qua phòng máy (đồn Hữu Nghị Quan cho Đài mượn) hay nói: “Các anh nhớ phát nhạc đến khuya để bọn em trên chốt nghe!”. Từ phòng máy có thể nhìn thấy khu lều trại của khoảng 4.000 Hoa kiều bị kẹt lại (do Trung Quốc đơn phương đóng cửa khẩu). “Người Hoa cứ đứng dưới cột loa trong đêm nghe nhạc và khóc”, ông Trung kể. “Chắc họ thấy khổ quá, và nhớ ngôi nhà của mình đâu đó ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội…”.

Cũng từ cửa sổ phòng máy này, ông Trung chứng kiến giây phút hy sinh của Lê Đình Chinh khi lao lên bảo vệ một thành viên trong đoàn liên ngành bị ném đá khi đến khu trại để vận động Hoa kiều trở về nhà của mình. Kẻ địch giả dạng thường dân đã giết anh bằng đá, gậy gộc và dao quắm. Nữ phát thanh viên ngồi cạnh ông Trung lúc đó chỉ biết khóc nức nở. Ông Trung giành lấy văn bản để tiếp tục chương trình. Ông kể: “Đến giờ tôi vẫn không nhớ những nội dung tôi đã đọc vì còn phải chăm chăm đọc thật rõ vì cổ cũng chực nghẹn”.

“Bộ đội lên biên giới rất đông theo lệnh tổng động viên mà anh em rất trẻ, thiếu thốn, có lúc đói”, ông Vũ Mão khi đó là Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, Quảng Ninh kể. Có lần anh em không kìm được phải đào khoai sắn và bắt mấy con gà của dân. Cụ chủ nhà lên tận huyện báo cáo Vũ Mão. Cách xử lý là lãnh đạo trung đoàn kiếm gà, sắn, khoai trả lại và cho bộ đội đến xin lỗi. Hôm sau ông già lại chạy lên huyện: “Bí thư ơi, chuyện nhỏ thế mà… tôi khuyết điểm quá, tôi xin lỗi. Bí thư nói lại anh em thông cảm cho tôi”. Lính trẻ có nhu cầu tình cảm, thích các cô gái dân tộc, nên không tránh khỏi có những “tranh chấp” với thanh niên địa phương. Bí thư Vũ Mão bèn phát động phong trào đoàn kết 3 lực lượng rất được hưởng ứng và các địa phương khác cũng áp dụng.

Nhà báo Vĩnh Trà kể câu chuyện một chiến sĩ vì tình nguyện bám chốt nên đầu tóc râu ria xồm xoàm bị tướng Sùng Lãm khiển trách. Nhưng khi hiểu ra, vị tướng đã cho tặng mỗi chốt một bộ dao kéo tông đơ. Còn chiến sĩ trẻ kia lập tức được kết nạp Đảng. Nhạc sĩ Trương Quý Hải tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên 1984 cũng xác nhận trang phục chiến đấu của lính lúc đó rất “gọn nhẹ”, tóc dài, quần đùi, đội mũ bông là chuyện thường.

NSND Thanh Hoa hồi tưởng chuyến biểu diễn tại Trùng Khánh, Cao Bằng, lần đầu tiên chứng kiến cảnh tuyết rơi. Cố nghệ sĩ Như Hoa vẫn lên sân khấu làm bằng hai thùng xe tải ghép lại diễn vai Mẹ Đốp. Không nghệ sĩ nào chịu khoác thêm áo vì muốn dành những gì đẹp nhất cho các chiến sĩ. Ban đêm, khán giả muốn nhìn mặt nghệ sĩ thì dùng đèn pin lia nhanh vì không được dùng ánh sáng. Đêm lạnh, họ đốt lửa trong lều lá ngồi chờ sáng. Tính hớt tuyết trên ô tô đun lên rửa mặt thì được một thứ nước đục như ao bùn. “Mỗi người mang đi ít tiền định để mua chăn con công và dầu gió”, Thanh Hoa kể. “Nhưng trước khi về tất cả gộp tiền lại cho các em bộ đội để mua thuốc lào vì trời lạnh quá. Chúng tôi vừa chia tay các em vừa khóc”.

Về đây đồng đội ơi là ca khúc nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác vào dịp 30 năm kỷ niệm Vị Xuyên mở đầu bằng những câu: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Tỉnh Hà Giang đã ngừng chiến trận/ Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 468 ta hội quân…”. Sư đoàn của anh được ví như “thằn lằn bám đá”. “Báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Linh có một câu khắc sau này thành lời thề chung của anh em mặt trận Vị Xuyên: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử’. Do vậy hàng năm ngày giỗ trận (tức ngày mở mặt trận MB84), chúng tôi lại về thăm những tảng đá bất tử mãi mãi ngàn đời là chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc”, Trương Quý Hải nghẹn giọng.

Tháng 9/1982, Trương Quý Hải cất giấy gọi ĐH, nhập ngũ. Tháng 5/1984 đơn vị anh được lệnh hành quân lên mặt trận Vị Xuyên. “Động lực chính mạnh mẽ hơn mọi lời huấn thị là tình cảm của người dân tin yêu người lính”, anh kể. “Khi xe chúng tôi đi đến Tuyên Quang, lần đầu tiên gặp cảnh tưởng chỉ có trong phim…”. Đó là hàng ngàn người dân đứng 2 bên đường vẫy tay chào đoàn quân với lời nhắn gửi mà sau này tôi mới biết là vô cùng quý giá: “Về nhé!”.

Mọi người ném lên xe bộ đội những gì họ có: kẹo bánh, chuối, mía, thuốc lá... Khi xe đến vùng giáp ranh hai huyện Hàm Yên, Vĩnh Tuy. Đoàn xe bị chặn bởi một bà cụ. “Tôi vẫn nhớ hình ảnh lưng còng chống gậy mặc cái váy của người Tày rách vá, bạc màu trên tay cầm giá gạo nói câu rất thiêng liêng: “Mẹ cho các con!”. Kể đến đây, nhạc sĩ phải ngưng hồi lâu để qua cơn nghẹn ngào. “Hình ảnh đó theo chúng tôi lên mặt trận”.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải mang đến sáng tác cùng những câu chuyện xúc động và hào hùng từ chiến trường Vị Xuyên 1984 Ảnh: BTC

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-1380457.tpo