Những nét cọ du mục của phượt thủ Bùi Anh Hùng

Cuộc đời làm báo của tôi, tiếng là đi nhiều, nhưng so với họa sỹ Bùi Anh Hùng, vẫn phải kính cẩn gọi anh là tay cọ phượt thủ.

Họa sỹ Bùi Anh Hùng

Họa sỹ Bùi Anh Hùng

Bùi Anh Hùng vốn là thày giáo, dạy về nghệ thuật tranh trên kính ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội. Vì là thày giáo, nên trước đây, cá nhân tôi không thích cách vẽ của anh. Một cách vẽ luôn vừa đủ, không thừa không thiếu, có sáng có tối, cân đối, mô phạm như ông thày.

Nhà sàn bản Tiện. Tranh Bùi Anh Hùng.

Tuy nghĩ như thế, nhưng tôi vẫn thích đi cùng anh. Chả là những ngày tháng đó, Bùi Anh Hùng hay cùng các sinh viê n của mình đi vẽ trực họa, phong cảnh nơi này nơi kia. Và tôi còn nhớ, đã rất thích thú được đi cùng anh tới các địa danh như sông Đuống, bản Tiện, làng cổ Đường Lâm…

Và rồi, trong các chuyến đi ấy, anh cùng các học trò của mình say sưa vẽ, còn tôi lang thang đó đây, trò chuyện với người dân, hoặc tìm được đống rơm đống rạ nào đó, lăn ra nằm ngắm trời xanh, mây trắng.

Nhà cổ Đường Lâm. Tranh Bùi Anh Hùng.

Một lần, ở làng cổ Đường Lâm, tôi đã như thế. Nằm ngay gần chỗ anh vẽ, ngắm trời xanh xứ Đoài rồi thiếp đi lúc nào. Tôi còn nhớ, trong mơ, ai đó cứ ngâm mãi mấy câu thơ:

Thân anh đơn chiếc lá vàng
Mùa thu để lại bên đàng sương sa
Duyên trần lạc nẻo hoàng hoa
Chàng Trương thổi mãi buồn qua Ngân Hà…

Rồi tôi mở mắt. Trời đã xế chiều. Bức tranh anh vẽ ngay cánh cổng ngôi nhà đá ong cổ đã xong từ lúc nào. Trước tiên, tôi chỉ thấy trên giấy một sắc thổ hoàng, lấp lánh khi ánh mặt trời chiều rọi vào… Rồi dần dà tôi mới nhìn ra những hình khối, mảng đậm nhạt của bức tranh… Và từ cảnh trong tranh đó, có giọng ai đó ngâm lại bài thơ trên.

Có thể tôi hoang đường, có thể trí tưởng tượng của tôi quá mạnh. Nhưng rõ ràng là thế. Có thể gió thổi qua nơi này, nơi mà cảnh vật và con người đã chìm sâu vào quá khứ thời gian, nhưng hôm nay, mọi thứ đã chìm sâu đó, được linh cảm của người họa sỹ cùng rung động, vẽ lên giấy… và nhờ gió cất lên lời thơ.

Bến nước. Tranh Bùi Anh Hùng

Từ đó, tôi cảm nhận về tranh của Bùi Anh Hùng bỗng khác đi. Những bức phong cảnh của anh là những bài thơ thực sự, mang một sức mạnh mềm mại cho người xem tưởng tượng.

Có thể bức tranh đó, anh lựa chọn bố cục sao đó, anh chỉ lấy một lát cắt cảnh vật, giống như người ta trổ ra một ô cửa sổ. Nhưng khi chúng ta nhìn vào, chúng ta thấy hết cả một không gian rộng lớn. Đó là không gian sống của nhiều những ai đó, cũng là không gian mà thi thoảng hiếm hoi chúng ta cũng ở đó. Ở đó với tất cả câu chuyện buồn vui, cảnh đơn độc thơ mộng riêng ta có.

Phong cảnh. Tranh Bùi Anh Hùng.

Nếu đã là không gian sống, thì nắng là nắng thật, con đường vắng là con đường vắng thật, và dòng sông là dòng sông thật. Đôi khi, dường như người họa sỹ cô đơn quá trước bức tranh vẽ phong cảnh của mình, anh điểm vào đó thấp thoáng bóng một con người.

Tôi còn nhớ, có lần xem một bức tranh như thế, tôi hỏi anh: Thế anh có biết gì về con người anh vẽ thấp thoáng cuối con đường kia không? Tôi đang tự hỏi họ là ai nhỉ, họ đi về đâu thế mà dáng đi với cái lưng như trĩu xuống…

Anh không trả lời. Nhưng tôi lại nhận thấy hội họa, dưới cây bút vẽ của anh, có một sức mạnh khác.

Mùa vàng. Tranh Bùi Anh Hùng.

Có thể xem hình dáng ai đó, thấp thoáng nhỏ xíu thôi ở một góc bức tranh, như một chi tiết của nghệ thuật bố cục. Nhưng chi tiết đó, vào lúc nào đó, với ta chợt lên tiếng, như bạn có biết đó là ai không? Số phận thế nào…

Bẵng đi một thời gian, hai chúng tôi không gặp nhau, vì công tác xa nhau, hai người ở hai đầu đất nước. Cho tới ngày tình cờ tôi được xem hàng loạt tranh của anh qua mạng xã hội. Những bức tranh đó thực sự khiến tôi sửng sốt.

Đường Sài Gòn. Tranh Bùi Anh Hùng.

Tất cả những nơi tôi từng đi qua, anh đều đi qua, và có tranh. Vẻ lung linh của Hội An, sắc nâu dưới tán lá xanh của Huế, những con đường vào bản, những hương vị nhà sàn, những con phố Sài Gòn đông, ồn ào mà anh vẽ đến lung linh… đều có trong tranh. Hơn thế, anh còn đến và vẽ ở nhiều nơi mà tôi, dù đã đi nhiều, vẫn chưa một lần tới.

Cầu Long Biên. Tranh Bùi Anh Hùng.

Những bức vẽ sau này quyến rũ tôi rất nhiều, bởi màu sắc. Màu sắc trong tranh của Bùi Anh Hùng có xu hướng nhòe đi, trộn các mảng vào nhau, giống như ta ngắm một ngày nắng qua một tấm kính. Sự nhòe đi là bởi ảnh hưởng từ nghề nghiệp tranh kính của anh, hay đó là một cơ hội cho cảm xúc được bày tỏ? Tôi không biết rõ lắm.

Hội An. Tranh Bùi Anh Hùng.

Tôi cũng nhận ra, tranh của anh, về bố cục, vẫn mực thước như ngày trước. Rõ ràng là người thày giáo trong anh đầy kiềm chế. Nhưng, với sự nhòe đi của các mảng màu, tôi nghĩ, đó là cảm xúc. Và anh không hề hay không thể kiềm chế được cảm xúc.

Phong cảnh phố. Tranh Bùi Anh Hùng.

Nói thì nói vậy chứ. Với sự đi và vẽ trực họa nhiều ghê gớm như Bùi Anh Hùng, mà nghĩ anh mực thước thì thật là sai, và buồn cười. Bởi làm gì có tay ‘’phượt thủ’’ nào mà biết tới mực thước? Nhất là khi là một tay cầm cọ đa cảm như anh.

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/nhung-net-co-du-muc-cua-phuot-thu-bui-anh-hung-3400433/