Những nét văn hóa đặc sắc

Bà con các dân tộc sống trên rẻo cao thường có những lễ hội hết sức độc đáo đã góp phần làm giàu có bản sắc văn hóa của dân tộc. Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán (Bình Liêu - Quảng Ninh), hay hội lẩu Then bjoóc - mạ của người Tày (Hà Giang) là những ví dụ.

Nhảy sạp trong trong hội Kiêng gió ở huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) năm 2018.

Hội Kiêng gió

Mới đây, tại xã Đồng Văn, huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) đã diễn ra hội Kiêng gió năm 2018. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc của đồng bào Dao Thanh Phán ở Bình Liêu được tổ chức hàng năm. Năm nay, hoạt động này gắn với sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long-Quảng Ninh, được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/5.

Trong tiếng Dao, hội Kiêng gió được bà con gọi là “mì seèng phẩy hêy dảo”. Hội Kiêng gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Người Dao ở Bình Liêu quan niệm, ngày Kiêng gió là ngày mà thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn. Thần gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đem vào nhà những điều tốt lành, ấm no, sung túc. Đồng thời, là nơi để những thiếu nữ đương xuân, những chàng trai tuấn tú gặp gỡ tìm hiểu nhau kết duyên vợ chồng.

Bên cạnh đó, “chợ tình” còn là nơi kết nối những mối tình dang dở, là sợi chỉ đỏ dẫn lối cho những tình cảm tuổi trẻ đầy tiếc nuối của những cặp đôi không thể đến với nhau có dịp gặp lại. Ngoài ra, vào ngày này, người dân ở các bản làng thường đi chơi, thăm hỏi bà con, bạn bè và đi chợ mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình để phục vụ lao động, sản xuất.

Trước đây, Hội chỉ có sự tham gia của người Dao và do người dân các bản tự quy định, tổ chức với nhau. Nhằm duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc vốn có từ lâu đời, năm 2009, xã Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và đứng ra tổ chức Ngày Kiêng gió của người Dao với tên gọi “Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng Văn”.

Từ đó, thành thông lệ hằng năm, cứ đến ngày mùng 4/4 âm lịch, người Dao khắp các bản làng ở Bình Liêu đều ra khỏi nhà từ rất sớm và chỉ trở về nhà khi mặt trời đã xuống núi.

Năm nay, quy mô hội Kiêng gió đã được nâng lên thành cấp huyện, thêm nhiều đồng bào dân tộc khác tham gia (trước đây quy mô tổ chức hội chỉ ở cấp xã). Theo đó, bà con tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, lày cỏ, thêu trang phục bằng tay của phụ nữ người Dao… Đây là dịp để mọi người được chiêm ngưỡng, thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của người Dao, hòa mình trong màu sắc văn hóa của một tộc người còn giữ được nhiều nét văn hóa gần như nguyên bản.

Các ông, bà Then thực hiện các nghi lễ của Lẩu Then bjoóc - mạ.

Lẩu Then bjoóc - mạ

Then là loại hình diễn xướng dân gian gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang. Điển hình là hội Lẩu Then bjoóc mạ ở xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) có quy mô lớn, đỉnh cao và tập trung đầy đủ các nghệ thuật của Then. Chính vì thế, tại Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI, năm 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Hà Giang, hội Lẩu Then bjoóc mạ đã được chọn trình diễn, tạo nên dấu ấn khó quên trong lòng người tham dự.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, bà con dân tộc Tày ở xã Phượng Độ tổ chức Lẩu Then bjoóc mạ với ý nghĩa cầu xin vua cha ban phước lành cho trần gian, một năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Từ sự hình thành lâu đời, lẩu Then bjoóc - mạ đã thấm sâu vào tâm linh của người Tày, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hình thành một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng ở Hà Giang.

Lẩu Then bjoóc - mạ thường được tổ chức vào mùa xuân. Lúc này hoa bjoóc mạ - hay còn gọi là hoa bờm ngựa, đã nở nhiều. Những năm trước đây, hội Lẩu Then bjoóc mạ chỉ diễn ra ở nhà Then chủ, mọi hoạt động trong phạm vi gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hội Lẩu Then bjoóc - mạ được tổ chức, trình diễn tại các buổi chợ phiên nhằm quảng bá rộng rãi cho du khách gần xa đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của cha ông để lại.

Bà con người Tày nơi đây rất chu đáo khi chuẩn bị cho một hội Lẩu Then bjoóc mạ. Những công việc được bà con đến nhà ông Then cả để cùng bàn bạc, phân công nhau làm các vật dụng, chuẩn bị lễ vật. Nếu đàn ông có nhiệm vụ vào rừng đào măng, vầu, loại 2 củ mọc cùng 1 rễ, hái các loại hoa như bjoóc mạ, hoa chuối rừng, hoa trứng cá đan vào nhau thành hình nón thì phụ nữ ở nhà cắt, dán các hình vật trang trí, chuẩn bị các lễ vật như: Hình con én, con ương, bánh sừng bò, bánh dày hình nón, rượu nếp cái làm bằng thứ gạo cẩm ngon nhất. Đến ngày tổ chức hội Lẩu Then bjoóc - mạ người ta thịt thêm lợn, gà, vịt để làm lễ.

Một hội lẩu Then bjoóc - mạ thường được thực hiện bởi 1 thầy Then cả và 5 thầy phụ; mỗi thầy lại có 2 nàng Hương phục vụ, giúp việc. Hội Lẩu Then diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm với các bước chính đó là: Mời Chúa Then và đoàn Then lên đường vượt qua các chặng…

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/nhung-net-van-hoa-dac-sac-tintuc406357