Những nét văn hóa truyền thống ngày Tết của Trung Quốc có nguồn gốc từ Malaysia

Đây đều là những nét văn hóa truyền thống nổi tiếng được nhiều người biết đến nhưng vẫn hay lầm tưởng được bắt nguồn từ Trung Quốc. Vậy sự thật là như thế nào?

Không khí Tết đã về trên khắp phố phường. Cũng như Việt Nam, nhiều nước châu Á khác cũng chào đón năm mới theo lịch âm, trong số đó nổi tiếng nhất phải kể đến Trung Quốc.

Người Trung Quốc mừng năm mới với rất nhiều nghi thức phong tục tập quán khác nhau, trong đó có một vài nét phong tục có nguồn gốc từ nước ngoài. Dưới đây là 5 nét văn hóa truyền thống ngày Tết của Trung Quốc có nguồn gốc từ Malaysia.

1. Múa lân trên cột

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta vô cùng quen thuộc với những màn trình diễn múa lân diễn ra vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay mỗi khi khai trương một cửa hàng nào đó. Nhiều người tin rằng, múa lân là một cách để xua đuổi tà ma, mang đến sự thịnh vượng và khởi đầu cho một năm mới.

Trên thực tế, múa lân rất phổ biến ở Trung Quốc, nhưng việc múa lân trên cột ban đầu chỉ phổ biến ở Malaysia và người Trung Quốc hầu như không hề biết gì về cách thức này.

Múa lân trên cột - nét văn hóa truyền thống đến từ Malaysia.

Múa lân trên cột bắt đầu được biết đến ở Trung Quốc vào khoảng những năm 1983 khi sự cạnh tranh giữa các đoàn lân ngày càng gia tăng. Để tạo sự thú vị mới mẻ cho người xem, một đoàn múa lân với tên gọi Hiệp hội múa lân Hing Tung Lok đã quyết định sử dụng thêm cột khi trình diễn.

Ban đầu, những cây cột này chỉ cao khoảng 0,8 mét. Tuy nhiên, những màn trình diễn múa lân trên cột dù khá nguy hiểm nhưng lại ngày càng nhận được sự yêu thích của mọi người. Kèm theo đó, độ cao của cột cũng được tăng lên theo từng ngày.

Và ngày nay, nhiều đoàn múa lân thậm chí còn trình diễn trên những cây cột cao đến 20 mét.

2. Món ăn Bak Kut Teh – trà thịt sườn

Mặc dù người Malaysia sử dụng rất nhiều thảo mộc và thành phần có nguồn gốc từ Trung Quốc để chế biến nước dùng cho món Bak Kut Teh, nhưng món ăn này thực sự lại có nguồn gốc từ Malaysia.

Theo Star2, vào khoảng thế kỉ 19, những người nhập cư Trung Quốc bắt đầu đến Malaysia và làm công việc khuân vác tại các bến cảng. Bởi vì cuộc sống vất vả, nhiều người thường xuyên mắc các bệnh như viêm khớp, thấp khớp.

Món Bak Kut Teh - trà thịt sườn.

Để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch, những người này đã sử dụng một loại nước dùng được chế biến từ chân giò hoặc xương heo hầm cùng các loại thảo mộc mang đến từ Trung Quốc.

Cách làm này đã tạo ra một món ăn chứa nhiều collagen giúp cải thiện độ khỏe mạnh của xương khớp và ngày nay được biết đến với tên gọi Bak Kut Teh. Trong đó từ ‘Bak Kut’ dùng để chỉ những mảnh xương của động vật.

3. Vị thần Trung Quốc có nguồn gốc từ thành phố Seremban, Malaysia

Thường được biết đến với tên gọi Xian Shiye, vị thần của Trung Quốc này bắt đầu được thờ cúng sau cái chết thảm khóc của Sheng Ming Li. Sheng, thuộc tộc người Hakka đến từ thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông đã di cư đến bang Melaka, Malaysia năm 1851.

Sheng được tôn vinh trở thành người lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở Melaka vì những thành công và cách thức phát triển việc kinh doanh của ông.

Khi ông được đưa đến Sungai Ujong để thành lập một doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Sheng đã nhanh chóng tạo dựng được danh tiếng với hình ảnh là một người có đạo đức, chính trực và cũng rất dũng cảm.

Đền thời Xian Shiye tại Kuala Lumpur.

Tại đây, Sheng đã có cơ hội gặp gỡ Yap Ah Loy (một trong những người sáng lập ra Kuala Lumpur hiện đại). Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt liên quan đến quyền khai thác khoáng sản thường dẫn đến những tranh chấp lớn. Ở đó, những nhóm liên quan sẽ sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tại một trong những cuộc xung đột diễn ra năm 1860, Sheng bị tách khỏi nhóm của mình và bị những người thuộc phe đối lập giết chết. Tuy nhiên, cái chết của ông sau đó lại được xem là một hành động cao cả. Nhiều người tin rằng những trận chiến giành được chiến thẳng sau đó của Yap Ah Loy là nhờ có sự chỉ dẫn từ Sheng.

Kể từ đó, hình tượng của Sheng được biết đến với cái tên Xian Shiye và một đền thờ được xây dụng để tôn vinh ông. Đền thờ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay tại Jalan Tun H. S. Lee, Kuala Lumpur.

4. Thần Datuk Gong - một vị thần khác của Trung Quốc ra đời dựa trên sự kết hợp giữa những tín ngưỡng của Trung Quốc và Malaysia

Thường được gọi là ‘Datuk Gong’ hay ‘Na Tuk Kong’ ở Trung Quốc, vị thần Đạo giáo này thật sự lại được bắt nguồn từ Malaysia.

Câu chuyện bắt đầu từ khi người Trung Quốc mang theo tính ngưỡng Nho giáo với việc thời cúng tổ tiên đến Malaysia vào thế kỉ 19. Trong suốt thời gian này, người Malaysia cũng thực hành việc thờ cúng với những vị thần hộ mệnh hoặc penunggu (thường được gọi là Datuk).

Một miếu thờ thần Datuk Gong trên đường.

Trên thực tế, những ‘Datuk’ này đều là những nhân vật có thật trong lịch sử và được nhiều người kính trọng bởi những đóng góp của họ cho cộng đồng. Cuối cùng, tính ngưỡng của người Trung Quốc và Malaysia kết hợp lại và tạo nên thần Datuk Gong.

Đây được xem là vị thần trú ngụ trong cây cối, hang động, bờ sông.....của người Malaysia. Điều này lí giải tại sao mọi người thường nhìn thấy những đền thờ màu đỏ ở ngoài trời hoặc dưới những gốc cây.

5. Tết Nguyên Đán nhất định phải có: Yee Sang

Cho dù bạn gọi nó là Lou Sang hay Yee Sang, món ăn mang ý nghĩa thịnh vượng này chỉ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán và thường được dọn ăn kèm với các loại rau, hạt, cá tươi và nước sốt ngọt.

Trên thực tế, người dân đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và thậm chí là Đài Loan có thể sẽ không biết bạn đang nói đến cái gì nếu bạn đề cập đến Yee Sang.

Yee Sang - món ăn truyền thống phải có vào dịp Tết Nguyên Đán.

Trên thực tế, việc ăn cá sống thái lát là một thói quen phổ biến ở Trung Quốc và thường được gọi là Yu Sheng. Món ăn này được mang đến Malaysia khi những người nhập cư Trung Quốc chuyển đến Malaysia , nhưng Yee Sang thật sự là một phát minh hoàn toàn mới của người Malaysia.

Theo cuốn sách có tựa đề A Toss of Yee Sang, món ăn nổi tiếng này ra đời vào những năm 1940 khi một người đàn ông tên Loke Ching Fatt ở Seremban đã tạo ra một phiên bản Yu Sheng hoàn toàn mới thuộc về riêng mình và cuối cùng trở thành món Yee Sang mà ngày nay nhiều người biết đến.

Ngày nay, Yee Sang có khoảng 7 đến 8 loại nguyên liệu và mỗi nguyên liệu sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, cà rốt xắt sợi đại diện cho sự may mắn đang đến trong khi một ít tiêu mang ý nghĩa mang đến sự giàu có và của cải.

Tuyết Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-net-van-hoa-truyen-thong-ngay-tet-cua-trung-quoc-co-nguon-goc-tu-malaysia-20190207120206707.htm