Những ngày cách ly không tạm dừng, mà là ta tạm dừng để sống

Đời người không thể tránh khỏi những việc không mong muốn. Điều quan trọng nhất không phải việc gì sẽ đến mà là mình đối diện nó như thế nào.

Những ngày cách ly là tên gọi cuốn tiểu thuyết mới ra mắt của nhà văn Bùi Quang Thắng. Tác phẩm thể hiện được tính thời sự trong hoàn cảnh Việt Nam và thế giới đang đối mặt đại dịch Covid-19 hoành hành.

Theo chia sẻ từ tác giả, tác phẩm được hoàn thành trong... 12 ngày khi ý tưởng chợt đến từ hiện tình hình dịch Covid-19 dẫn tới nhiều xáo trộn trong cuộc sống.

Điều làm tác giả thấy lạc quan chính là ở cách phản ứng của các cấp chính quyền trước đại dịch với những quyết định hợp lý, góp phần bảo vệ người dân, cũng như ngăn ngừa sự lây lan của dịch ra cộng đồng, đặc biệt là chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng cuối tháng 3/2020.

Thông qua Những ngày cách ly, tác giả mong muốn lan tỏa sự lạc quan tới độc giả từ thực tế công tác chống dịch của nước nhà rất bài bản.

Không chỉ thế, những tình tiết trong tác phẩm hẳn sẽ làm bạn đọc lắng lòng, khi có thể thấy mình là ai trong đó để cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn, sau những bộn bề sôi động của nhịp sống thị thành bấy lâu.

Cuốn tiểu thuyết Những ngày cách ly vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần B.A.

Tiểu thuyết Những ngày cách ly là câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc. Họ phải đối mặt đại dịch và trải qua quãng thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình.

Mỗi người một cách, họ đi qua những ngày khó khăn ấy theo những tâm thế khác nhau. Có người nhận ra rằng những giá trị vật chất mà một đời anh ta tôn thờ bỗng dưng vỡ tan tành trước một thử thách vô tiền khoáng hậu như ông Trương lấy tiền làm thước đo giá trị, như chàng thanh niên Tony - Lê Vĩnh Phúc - bấy lâu sống gấp, sống vội.

Đối mặt đại dịch, có người lại tìm thấy những giá trị mới, niềm tin và cả tình yêu ở những con người hôm trước còn xa lạ. Thậm chí, họ tìm thấy giá trị mới ở ngay trong chính con người của mình vốn bị lãng quên ở nơi sâu thẳm nhất trong chính mình.

Nó như thứ mỏ quặng quý giá trong lòng đất bỗng được khai phá bằng nhọc nhằn và khổ đau. Hình ảnh ấy được tác giả lồng trong nhân vật Cúc với chiêm nghiệm: Phải chăng, chỉ cần có độ lùi của thời gian và cái thứ có tên “trải nghiệm.

"Con người ta có thể sẽ nhìn sự việc bằng một con mắt hoàn toàn khác? Khi ấy, những gì được gọi là “bi kịch”, là “không thể tưởng tượng nổi” bỗng chốc trở nên một chuyện tầm phào?".

Khu vực cách ly Covid-19 đặt tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thân Quang Tuấn.

Với những con người như Cúc, chàng học viên quân sự Tuấn, thử thách đôi khi không phải là lúc cuộc sống dừng lại mà là họ dừng lại để sống, sống đầy từng ngày và sống đúng với bản thân mình nhất. Nó có thể là sự cảnh tỉnh cho sự chủ quan hoặc lối sống thiếu trách nhiệm của chúng ta.

Trong khi ấy, với những hành xử chuyên nghiệp của đại úy Hào và Tuấn... nơi trại cách ly, ta dường như cảm nhận rõ hơn sự thận trọng, chuyên nghiệp, cũng như tâm thế sẵn sàng ứng phó đại dịch của đại diện chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đó cũng là bài học để ta nhận diện chính bản thân mình trong hoàn cảnh khó khăn như lời Tuấn: "Trong đời một con người, không thể tránh khỏi những việc không mong muốn sẽ xảy đến. Điều quan trọng nhất không phải việc gì sẽ xảy đến với mình mà là mình sẽ đối diện nó như thế nào".

Trần B.A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ngay-cach-ly-khong-tam-dung-ma-la-ta-tam-dung-de-song-post1078633.html