'Những ngày cách ly': Thông báo khẩn số 3

Những ngày cách ly được hoàn thành 12 ngày trong đợt giãn cách xã hội đầu năm 2020. Tác phẩm thể hiện được những diễn biến nội tâm của người dân, ứng xử đầy trách nhiệm của chính quyền trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.Hướng màn hình sáng xanh lên, cô mở tin nhắn điện thoại. Đập vào mắt Hoàng Cúc là dòng chữ lạ lẫm: 'Thông báo khẩn số 3...'. Sự ngạc nhiên khiến cô đọc dòng chữ ấy lên thành lời.

“Nào, xin mời tất cả quý vị, chúng ta hãy cùng nâng cốc! Chúc cho công việc kinh doanh của tất cả quý vị tiếp tục gặt hái thành công!”.

“Và hôm nay còn là một ngày đặc biệt!”, Ông Trương, vị chủ nhà tiếp tục. Ông ngồi trên chiếc ghế danh dự dành cho gia chủ, chiếc ghế kê giữa hàng ghế một bên bàn tiệc. “Ngày chào đón con gái của chúng tôi, cháu Hoàng Cúc vừa từ Anh quốc trở về”.

“Nào, xin mời mọi người!”, ông Trương, ông chủ thực sự của bữa tiệc tiếp tục với cái giọng sang sảng của mình và rồi ông hướng về phía cậu thanh niên trẻ ngồi chiếc ghế đối diện Hoàng Cúc:

“Tony, mời cháu! Chà chà! Bây giờ trông cháu chững chạc lắm rồi! Thế lần này về Việt Nam thấy đất nước thế nào?”.

Tony tên thật là Lê Vĩnh Phúc. Như không ít những thanh niên Việt được gia đình gửi sang du học ở các nước phương tây, Vĩnh Phúc cũng chọn cho mình một cái tên tiếng Anh để bạn bè ngoại quốc dễ gọi.

“Tôi phải cảm ơn Tony nhiều lắm. Có cậu ấy tôi yên tâm về Hoàng Cúc hơn. Ở bên Anh, cậu ấy giúp đỡ Hoàng Cúc rất nhiều. Con bé thường kể về những chuyện đó”.

Cánh cửa mở hé khiến những ngọn gió tháng 3 se se lạnh thỉnh thoảng lọt vào. Ảnh: Decoist.

Hoàng Cúc và Tony đã rời bàn tiệc và rút vào trong phòng riêng của cô ở tầng dưới. Lúc này, đôi trẻ đang ngồi trên chiếc sofa kê sát cửa sổ. Cánh cửa mở hé khiến những ngọn gió tháng 3 se se lạnh thỉnh thoảng lọt vào hất tung tấm rèm cửa bằng ren màu trắng lên vai hai người đang ngồi bên nhau.

Cô dựa lưng vào sofa, đầu ngả sang một bên trong khi Tony ngồi ngay sát bên cạnh. Trùm quanh họ là quầng sáng màu hổ phách tỏa xuống từ chiếc đèn có hình một nửa bổ dọc của bông hoa anh túc ốp sát trên tường. Họ cứ ngồi như vậy và cùng trò chuyện cười đùa thì chợt có tín hiệu điện thoại.

“Điện thoại của anh đấy!”, Hoàng Cúc nhắc khi thấy Tony chẳng có phản ứng gì.

“Ừ! Tin nhắn mà!”, Tony trả lời nhưng vẫn không hề có ý định xem điện thoại. “Chắc lại quảng cáo thôi!”, anh ta giải thích thêm.

Lại có những tiếp “bíp, bíp” lần nữa. Lần này nó phát ra từ phía chiếc điện thoại của Hoàng Cúc.

“Đến lượt tin nhắn của em!”, cô nói, thoáng ngạc nhiên. “Hay là hai cái điện thoại của chúng mình tự động nhắn tin cho nhau nhỉ?”.

Hai người trẻ lại cùng cười vui vẻ.

Hoàng Cúc xoay chiếc iPhone 11 có vỏ bọc màu vàng nhũ lấp lánh mà cô đang cầm sẵn trên tay. Hướng cái màn hình sáng xanh lên, cô mở tin nhắn. Đập vào mắt cô là dòng chữ lạ lẫm “THÔNG BÁO KHẨN SỐ 3...”. Sự ngạc nhiên khiến cô đọc dòng chữ ấy lên thành lời.

Hướng cái màn hình sáng xanh lên, cô mở tin nhắn. Đập vào mắt cô là dòng chữ lạ lẫm “Thông báo khẩn số 3...”. Ảnh: Infobae.

Trong lúc đó thì Tony cũng vừa rút từ trong túi quần chiếc điện thoại của mình ra. Anh ta xoay nhẹ cổ tay giữ màn hình điện thoại hơi chếch một góc rất hẹp so với hướng nhìn nhưng đủ để anh ta có thể vẫn đọc được tin nhắn mà từ phía cô gái ngồi bên cạnh thì không.

Vì lẽ đã nghe Hoàng Cúc đọc rồi nên đáng ra những dòng chữ lạ lẫm trên màn hình sẽ khiến Tony phải chú ý thật kỹ mới đọc được nhưng giờ thì anh có thể luận ra ngay khi chỉ mới lướt ánh mắt qua đó “THÔNG BÁO KHẨN SỐ 3...”.

“Ơ! Anh cũng nhận được tin từ Trung tâm Ứng phó dịch bệnh!”. Anh ta nói rồi quay lại và chìa chiếc điện thoại về phía Hoàng Cúc.

Cả hai cùng đọc và nhận ra rằng họ vừa nhận được tin nhắn với nội dung y chang nhau: “THÔNG BÁO KHẨN SỐ 3: tất cả người nước ngoài và các công dân Việt Nam đã nhập cảnh vào Việt Nam từ 00 giờ ngày 7 tháng 3 năm 2020 nếu chưa được xét nghiệm virus-corona-SARS-2 thì phải báo cáo ngay chính quyền địa phương hoặc đến bệnh viện để được làm xét nghiệm trong thời gian sớm nhất”.

“Từ 00 giờ ngày 7 tháng 3,” Hoàng Cúc nói, “Tức là cả chúng mình cũng phải làm xét nghiệm hả anh?”.

“Ừ! Chắc thế!”.

“Thế là thế nào nhỉ?”, cô vẫn ngơ ngác.

“Để đề phòng thôi mà!”.

“Lát em hỏi bố xem thế nào”.

Họ chỉ trao đổi có vậy về chuyện mấy cái tin nhắn lạ lùng kia rồi lại nhanh chóng chuyển sang những chuyện bông đùa của tuổi trẻ.

Tiểu thuyết Những ngày cách ly. Ảnh: Trần Đình Ba.

Tại một phòng khám trong bệnh viện, Tony đang ngồi trên một cái ghế, đầu ngả ra sau, mồm há rộng. Một cô y tá đang dùng cái kẹp inox sáng bóng có miếng bông trắng tẩm thuốc sát trùng lấy mẫu bệnh phẩm từ trong họng và hốc mũi của anh.

Mùi thuốc sát trùng xộc thẳng lên óc khiến Tony cảm thấy vô cùng khó chịu. Anh nhìn lên trần nhà trắng toát có cái quạt trần ba cánh màu xanh lờ đờ quay. Trong đầu anh chỉ lặp đi lặp lại có mỗi một câu hỏi: “Bao giờ thì cô ta mới chịu ngừng lại?”.

“Xong rồi!” bất chợt cô y tá nói và Tony thở phào nhẹ nhõm.

“Trong ngày mai sẽ có kết quả. Chúng tôi sẽ thông báo cho anh ngay. Tạm thời anh có thể về nhà nhưng nhớ hết sức hạn chế tiếp xúc với người khác và nhớ đeo khẩu trang!”, cô y tá dặn dò.

Bùi Quang Thắng / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ngay-cach-ly-thong-bao-khan-so-3-post1112835.html