Những ngày đầu làm Báo Xây dựng

Chiều 28/3/1997, sau hai lần gặp, hẹn, ông Vũ Hải - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Lao động (nay là Vụ Tổ chức cán bộ) và ông Vũ Duy Từ - Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng mời tôi đến gặp Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc. Chờ một lát, Bộ trưởng đi họp Chính phủ về, gọi tôi vào phòng. Đặt cái cặp lên bàn, ông bắt đầu trò chuyện. Bộ trưởng cho biết, ông không biết về tôi nhưng thông qua nhà báo Hồng Vinh - Tổng biên tập Báo Nhân Dân, người đồng hương Nam Định của ông giới thiệu. Ông nói đúng một năm nữa kỷ niệm 40 năm thành lập Bộ Xây dựng (tiền thân là Bộ Kiến trúc), rất cần có cơ quan ngôn luận như một số ngành. 'Kinh nghiệm cho thấy vụ xi măng xảy ra các báo nói ào ào nhưng mình không có tiếng nói riêng để thanh minh' - ông nhấn mạnh. Bộ trưởng đặt thẳng vấn đề mời tôi về làm Tổng biên tập mà không có ý định xin ai khác.

Niềm vui của cán bộ phóng viên Báo Xây dựng đón nhận số báo đầu tiên.

Vào thời điểm đó, tôi đang là Phó tổng biên tập thường trực Báo Lao động - Xã hội. Tờ báo ra đời năm 1993 do Anh hùng Trịnh Tố Tâm (Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH), tôi và Nguyễn Ngọc Niên sáng lập. Tôi nói trước mắt sẽ giúp Bộ trưởng làm bản đề án xuất bản báo tuần, bất cứ ai về nếu làm theo đề án là được. Thời điểm đó, Anh hùng Trịnh Tố Tâm vừa qua đời, tôi không thể chuyển đi ngay được.

Tháng 5 năm ấy, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng họp bàn chuẩn bị kỷ niệm 40 năm, có xem xét đề án xuất bản báo, quyết nghị mời tôi về để thành lập. Sau đó, có 2 lần nữa Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc gặp, thuyết phục tôi. Đi họp Trung ương, ông cũng gặp Bộ trưởng Trần Đình Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hằng (Bộ LĐTB&XH) trao đổi để “kéo” tôi về. Cuối cùng, sau Lễ Quốc khánh tôi nhận lời và Bộ Xây dựng quyết định tiếp nhận từ ngày 01/10/1997. Đúng ngày đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc cũng có quyết định lên Phó Thủ tướng, bàn giao chức Bộ trưởng cho GS.TSKH Nguyễn Mạnh Kiểm.

Để có chỗ làm việc, Bộ điều động tôi về Trung tâm Thông tin và chỉ có một việc là làm thủ tục để xin Giấy phép xuất bản. Sau hơn hai tháng vật lộn với công việc, cuối cùng cũng có được Giấy phép do Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn ký.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ, làm thế nào để ra được số báo đầu vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm (29/4/1958 - 29/4/1998) trong khi lúc được cấp Giấy phép xuất bản báo chí vẫn chỉ có mình tôi. Vậy là tôi huy động mấy phóng viên ở các báo khác về (đầu tiên là Bùi Văn Doanh, Trần Quốc Khải, Ngô Văn Phước, Phạm Đức Minh, đợt tiếp theo là Nguyễn Thị Hương, Dương Hồng Diên, Bùi Thị Thanh Nhàn, Lê Mỹ Phượng, Lý Ngọc Thanh, Vũ Thị Tâm…). Với bảy, tám người đầu tiên ai nấy hối hả vào việc. Tôi xây dựng kế hoạch ra báo, phân công người lo khắc con dấu, người nhặt nhạnh bàn ghế cũ các Vụ bỏ đi, nhưng quan trọng nhất là lo ngay bài vở cho số đầu.

Tôi chủ trương làm báo theo hướng thị trường, thoát ly bao cấp. Biết ngân sách lúc đó khó khăn, nên làm văn bản trình lãnh đạo Bộ tôi chỉ xin cấp 60 triệu đồng làm vốn ban đầu để mua sắm một số phương tiện làm việc tối thiểu. (Khi thành lập Báo Lao động - Xã hội, chúng tôi cũng chỉ xin chủ quản cấp 60 triệu đồng và suốt những năm sau đó hoàn toàn tự cân đối thu chi). Tết Mậu Dần 1998, tôi vay 20 triệu đồng của Trung tâm Thông tin để lo cái Tết, trả lương, phụ cấp cho bảy, tám anh em về đầu tiên. Cũng từ đó cho đến khi tôi thôi Tổng biên tập cũng không xin Bộ đồng nào nữa mà hoàn toàn tự lo.

Ông Nguyễn Ngọc Ngoạn - Chánh Văn phòng Bộ cứ băn khoăn, than phiền: “Thành lập báo là hay quá nhưng khốn nỗi lúc này không thể dồn dịch chỗ nào để thu xếp cho báo có trụ sở được”. Đi thuê thì không có tiền mà thời gian ra báo đã sát nút. Cuối cùng cũng có phương án, đó là Văn phòng Bộ cho dọn một gian ga-ra ôtô rộng gần 50m2. Văn phòng cho kéo ra vài chiếc xe cũ nát, trong đó có chiếc LADA đầy bụi bặm được lau chùi, bảo dưỡng lại cấp cho Báo tạm dùng. Nguyễn Văn Dụng được giao lái chiếc xe cổ kính này (sau ba, bốn tháng trả lại Văn phòng). Năm sau, Vinaconex “thương hại” cho báo mượn chiếc TOYOTA hết hạn sử dụng của Cty số 1, dùng chở báo phát hành, một năm sau rồi cũng bỏ.

Gần 20 con người làm việc trong căn hầm ga-ra ôtô, trần thấp (người cao vào phải cúi xuống) được quét tước, tẩy rửa hết hôi hám, ẩm mốc. Anh em đi nhặt nhạnh một số ghế các Vụ bỏ đi xếp ngoài hành lang đem về dùng (có chiếc ghế mây Mỹ Phượng giữ đến hơn chục năm). Năm sau, Ban Quản lý nhà giải thể, Báo tiếp quản 3 gian nhà, mở rộng chỗ ngồi cho anh em.

Cứ thế, bắt tay vào công nghệ làm báo, xuất bản báo!

Yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm là: “Các cậu làm thế nào thì làm, tớ chỉ mong đúng ngày kỷ niệm 40 năm có được số báo đầu tiên”. Đó là mệnh lệnh, đồng thời một thách thức lớn bởi còn trăm đường thiếu thốn và gần như “tay không bắt giặc”. Trừ mấy nhân viên hành chính Bộ điều động, còn cả tôi và các phóng viên đều lạ lẫm với ngành Xây dựng. Chúng tôi cùng nhau đôn đáo đến các Cục, Vụ chức năng, các TCty, đơn vị trực thuộc để vận động người viết bài, đặt mua báo, xin quảng cáo cho những số đầu. Rất may là từ Bộ trưởng, nhiều lãnh đạo các cơ quan, các đơn vị nhận lời cộng tác, giúp đỡ. Ai nấy trong Tòa soạn đều hừng hực khát vọng, không nghĩ gì đến lương bổng, quyền lợi mà chỉ dốc sức cho “đứa con đầu lòng”.

Thế rồi số đầu Báo Xây dựng (ngày thứ ba 24/3/1998) ra đời (24 trang), in đẹp như báo Tết, bìa nổi bật một số công trình thế kỷ. Ngoài thư chúc mừng báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm còn trực tiếp viết hai bài “Phát huy công cụ quản lý vĩ mô và sức mạnh nội lực” và bài “Đẩy mạnh công tác quản lý cải cách thủ tục hành chính trong ngành Xây dựng”. Trong thư viết tay (chữ nắn nót rất đẹp) in ở trang đầu, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Kiểm mở đầu, viết: “Nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống vẻ vang của ngành Xây dựng (29/4/1958 - 29/4/1998) Tuần báo Xây dựng ra đời là một sự kiện có ý nghĩa, một đòi hỏi tất yếu nhằm góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước trên các lĩnh vực chuyên ngành Xây dựng. Tuần báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận là tiếng nói của cán bộ, công nhân viên và đông đảo người lao động trong Ngành, đồng thời đón nhận các ý kiến trao đổi của nhiều tầng lớp Nhân dân quan tâm đến các mặt hoạt động của Ngành”.

Trong ấn phẩm đầu tiên đó, tôi viết “Thay lời giới thiệu” có nêu: “Kể từ khi loài người thoát khỏi cảnh sống mông nuội thuở nguyên thủy, công việc xây dựng đã bắt đầu. Xây dựng và thành quả của nó gắn bó với con người như hình với bóng trong suốt cuộc đời. Từ ngôi nhà, tổ ấm của bạn đến công sở làm việc, từ cây cầu hằng ngày bạn đi qua đến lối nhỏ công viên bạn dắt con đi dạo; từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ Thủy điện Hòa Bình đem nguồn sáng tới mọi nẻo đến những giàn khoan dầu khí ngoài khơi; từ nhà máy xi măng Hải Phòng đến Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên,v.v… Tất cả đều in dấu bàn tay, trí tuệ cán bộ, người thợ xây dựng vẻ vang. Nhưng xây dựng không phải chỉ là xây lắp. Đó còn là thiết kế, quy hoạch, kiến trúc, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp máy và cơ khí, quản lý và điều hành; nó còn liên quan đến môi trường, thoát nước và cung cấp nước sạch, chiếu sáng công cộng”.

Ngay những ngày đầu ở Trung tâm Thông tin, tôi dành thời gian chủ yếu tham khảo các tài liệu về tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị, chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng để hiểu biết, vận dụng vào nội dung tờ báo, tìm hiểu để biết thế nào là xi măng lò đứng, lò quay, gạch ceramic, gạch tuy nen, bê tông dự ứng lực, khoan cọc nhồi…

Thời gian vun vút trôi, Báo Xây dựng cứ đều đều, thong dong xuất bản, phát hành, sản lượng từ 5.000 tờ lên đến trên dưới 9.000 tờ/kỳ (có cả số cuối tháng do Văn phòng phía Nam thực hiện). Như vậy, so với yêu cầu của lãnh đạo Bộ, Báo Xây dựng ra số đặc biệt đầu tiên (24 trang) in đẹp như một kì tích, vượt trước thời gian 35 ngày. Đúng dịp kỷ niệm 40 năm, báo lại ra số đặc biệt dày gấp đôi (48 trang) một cách ngoạn mục. Trang bìa là ảnh Bác Hồ góp ý kiến vào quy hoạch Thủ đô Hà Nội và nhiều hình ảnh những công trình trọng điểm quốc gia. Số báo ấn tượng sâu sắc này được in thêm 500 cuốn để gửi biếu tất cả các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, khóa X khai mạc ngày 21/5/1998. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm rất vui khi một số đại biểu Quốc hội gọi điện chúc mừng nhân ngày truyền thống 40 năm qua kênh thông tin trên Báo Xây dựng.

Trong những năm tôi làm Tổng biên tập, Báo Xây dựng là một tập thể trẻ trung, sung sức (lúc cao điểm có 36 người), cơ quan ngôn luận của một ngành Kinh tế - khoa học kỹ thuật, lực lượng chủ công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian thấm thoắt đã tròn 20 năm, tờ báo hoạt động vắt qua hai thế kỷ với biết bao kỷ niệm về cái thuở ban đầu muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng bằng năng lực, trí tuệ của một tập thể biết đoàn kết đã vượt qua. Ngày nay, Báo Xây dựng càng sung mãn, đang rất trẻ trung ở tuổi thanh xuân, với một đội ngũ khá hùng hậu. Bên cạnh báo in là báo điện tử với ngồn ngộn thông tin cập nhật khá phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều năm qua Báo đặt được mối quan hệ hợp tác với Báo Tin tức xây dựng và kỹ thuật Nhật Bản là điều mà nhiều cơ quan báo chí khác có mơ cũng không được…

Kim Quốc Hoa
Tổng biên tập đầu tiên Báo Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/nhung-ngay-dau-lam-bao-xay-dung.html