'Những ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ'

Hàm Rồng - tên gọi đã gắn liền với 'huyền thoại' về 'cây cầu sắt nhỏ bắc qua sông Mã', là 'bản anh hùng ca' của quân và dân Thanh Hóa nói chung, Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. 56 năm đã trôi qua, trên mảnh đất xứ Thanh, ký ức về hai ngày 3 và 4-4-1965 vẫn rực lửa, cuồn cuộn khí thế anh dũng, kiên cường chiến đấu và niềm tự hào chiến thắng, giáng đòn đau vào không lực Hoa Kỳ.

Ông Lê Văn Đàn (đường Nam Cao, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) – người lính đã kề vai sát cánh cùng đồng đội, trực tiếp chiến đấu giữa mưa bom bão đạn ở Hàm Rồng những ngày ấy. Ảnh: Hương Thảo

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam, giới cầm quyền Mỹ khi đó đã dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” hòng thực hiện kế hoạch “Sấm rền”, đánh phá miền Bắc. Trong đó, cầu Hàm Rồng được xác định là “điểm tắc lý tưởng” nên tập trung lực lượng đánh phá. Nhiệm vụ oanh kích Hàm Rồng được giao cho Tập đoàn không quân chiến thuật số 2 – “Anh cả đỏ” trong lực lượng không quân chiến thuật Mỹ.

Sự xuất hiện của những chiếc “thần sấm” ấy không khiến Hàm Rồng bất ngờ hay lo lắng, hốt hoảng. Hàm Rồng bước vào cuộc chiến bằng tâm thế sẵn sàng, chủ động và chuẩn bị chu đáo, “bày binh bố trận”, hiệp đồng tác chiến với nhiều lực lượng tham gia, như: Tiểu đoàn pháo cao xạ 14 – Sư đoàn 304 – Đoàn Vinh Quang; Trung đoàn cơ động 213 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với hai đại đội pháo 37 ly là Đại đội 5 đóng quân ở khu vực Đình Hương và Đại đội 4 đóng quân ở lều Vịt và đồi không tên; Đại đội 1 và Đại đội 5 của đoàn pháo cao xạ 57 ly, trung đoàn Tam Đảo (Trung đoàn 234); các đại đội pháo cao xạ của Tỉnh đội Thanh Hóa đóng trên cao điểm 75... Lực lượng trên các tàu hải quân đóng tại sông Mã. Lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa tạo thành “lưới lửa” phòng không nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón máy bay địch. Dân quân tự vệ các làng, xã lúc bấy giờ: Đồng Đá, Yên Vực, Nam Bình, Đầm Chuông, Âu Thuyền, Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh... cùng công nhân nhà máy diêm, nhà máy điện Hàm Rồng, nhà máy phân lân... được huy động giúp bộ đội đào đắp công sự, ngụy trang căn cứ chiến đấu. Tất cả đã sẵn sàng với lực lượng đông đảo, bố trí tầng trên, tầng dưới chặt chẽ, toàn quân đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm đánh thắng trận đầu.

Để hiểu rõ hơn về hai ngày chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta tại “tọa độ lửa” Hàm Rồng, được sự nhiệt tình chỉ dẫn, kết nối từ nhà văn Từ Nguyên Tĩnh – “pho sử sống” về Hàm Rồng, chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Đàn (đường Nam Cao, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) – người lính đã kề vai sát cánh cùng đồng đội, trực tiếp chiến đấu giữa mưa bom bão đạn ở Hàm Rồng những ngày ấy.

Năm 1964, ông Đàn nhập ngũ vào Đại đội 1, Tiểu đoàn pháo cao xạ 14, Sư đoàn 304. Tháng 2–1965, được lệnh của cấp trên, tiểu đoàn được điều động về Hàm Rồng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng và cầu Đò Lèn. Nhiệm vụ của ông Đàn lúc đó là phụ trách quan trắc (đo cự ly của máy bay địch cách trận địa bao xa để xác định mục tiêu, tầm ngắm... Người lính Hàm Rồng thoáng chút lặng im, tâm trí dường như đang trở lại những ngày khói lửa ấy, rồi chậm rãi kể lại.

Sáng 3-4-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào đánh phá cầu Đò Lèn (Thanh Hóa). Ngay từ phút đầu, lực lượng pháo phòng không của Trung đoàn 234 và dân quân tự vệ địa phương Thanh Hóa đã bắn rơi 1 chiếc F4 của địch. Cùng thời điểm, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân điều động biên đội MIG17 cất cánh phối hợp với các lực lượng khác đánh máy bay địch. Sau 20 phút xuất kích, không quân ta đã bắn rơi 2 chiếc F8 của địch và trở về căn cứ an toàn. Ngay từ loạt đạn đầu tiên đã giành thắng lợi, cả trận địa Hàm Rồng khi ấy như vỡ òa trong niềm hân hoan, tự hào. Quân – dân ào ra trận địa hò reo, nhiều người không kìm được xúc động mà bật khóc. Cũng từ đây về sau, ngày 3-4-1965 đã trở thành ngày truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Không khí chiến đấu tạm lắng xuống, đến 13 giờ cùng ngày, nhiều tốp máy bay của địch gào rú, ồ ạt bay vào khu vực Hàm Rồng như: F4, F8, F105, RF 101... Chúng lượn vòng quanh cầu Hàm Rồng và cầu Tào, thay nhau bổ nhào xuống và ném bom bắn phá cầu. Dưới đất, các đơn vị pháo rầm rộ nhả đạn. Bầu trời Hàm Rồng vang rền trong tiếng gầm rú của máy bay, bom rơi đạn nổ rung chuyển cả mặt đất. Khói lửa bao trùm khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn. Trên lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, quân và dân ta vẫn kiên cường, mạnh mẽ, mưu trí trong hiệp đồng tác chiến, hiên ngang “đáp trả” những đòn tấn công khốc liệt của quân địch. Cuộc chiến kéo dài suốt gần 3 tiếng đồng hồ, sau nhiều đợt tấn công, quân địch vẫn không thực hiện được ý đồ “nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay”.

Sau thất bại ấy, ngày 4-4, địch cay cú điều động nhiều tốp máy bay tiếp tục tiến vào vùng trời Thanh Hóa từ nhiều hướng, thay nhau bổ nhào, dội bom với nỗ lực cao nhất hòng phá hủy cầu Hàm Rồng. Không nao núng trước khí thế quân thù, tại các trận địa chốt, quân dân Hàm Rồng tăng cường đánh trả địch quyết liệt, pháo cao xạ 57 ly của đoàn Tam Đảo phối hợp chặn đánh địch từ xa. Hàm Rồng lúc này như một bầu trời lửa. Quân ta đánh địch bằng nhiều tầng, ở mọi hướng, làm cho địch rối loạn đội hình không thể công kích mục tiêu như dự định. Hốt hoảng trước mạng lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của ta, máy bay địch phải chuyển hướng lên cao. Sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và các lực lượng khác đã kết thành “vòng kim cô” vây hãm, nhanh chóng tiêu diệt nhiều máy bay địch.

Trong 2 ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn. Cũng trong 2 ngày chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay của địch, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Thanh Hóa nói chung, Hàm Rồng – Nam Ngạn nói riêng đã lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi máy bay địch trên miền Bắc. Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa. Chiến thắng Hàm Rồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp giữ vững “mạch máu” lưu thông giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây thực sự là “hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ” – như bình luận của truyền thông Mỹ và phương Tây khi ấy - trên mảnh đất xứ Thanh. Chiến công của quân và dân Hàm Rồng được Bác Hồ hết lòng khen ngợi: “Giỏi lắm! Nhân dân Hàm Rồng giỏi. Công nhân Hàm Rồng giỏi. Nông dân Hàm Rồng cũng giỏi. Cả bộ đội, dân quân Hàm Rồng đều giỏi. Cố gắng chiến đấu và sản xuất giỏi hơn nữa đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Cô, chú về nói với Nhân dân Hàm Rồng là Bác rất hoan nghênh”. Chiến thắng Hàm Rồng khi ấy không chỉ nức lòng quân và dân cả nước mà được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Mi-khai I-lia-ski từng chia sẻ trên một tạp chí Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay): “Ở tỉnh Thanh Hóa có một cây cầu trên sông Mã, tượng trưng cho tinh thần dũng cảm và lòng can đảm của Nhân dân Việt Nam. Hàm Rồng tức là miệng rồng, nó đã chiến đấu như một thần thoại phi thường”.

Trong cuộc chiến đó, đường lối chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng ta và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta đã được thể hiện một cách sinh động nhất. Những địa danh làng, xã đã đi vào lịch sử: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, núi Ngọc, núi Rồng, tập thể Nhà máy Điện Hàm Rồng, Nhà máy phân lân, Đội cầu 19-5... anh hùng. Những con người đã làm nên lịch sử như: Đại đội trưởng dân quân Nguyễn Thị Hằng dẫu bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy; người con gái Ngô Thị Tuyển vác một lúc hai hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng của mình để bộ đội có đạn chiến đấu; đồng chí đại đội phó Đoàn Văn Lưu, Đại đội súng máy phòng không 14,5 ly khi đang ở hầm chiến đấu thì bị nhiều mảng rocket găm vào người nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu, quyết không rời trận địa; có pháo thủ bị thương nặng, biết mình không qua khỏi nên khi có y tá đến băng bó đã khẩn khoản yêu cầu y tá ưu tiên cứu chữa cho những chiến sĩ bị thương nhẹ, có khả năng sống sót cao hơn mình; sư thầy Đàm Thị Xuân cùng các chị, các mẹ nấu cơm tiếp tế cho bộ đội hải quân; các cháu thiếu niên chặt lá ngụy trang đem ra trận địa cho bộ đội ngụy trang pháo... Những địa danh, những con người ấy tựa hồ như những nốt nhạc trong trẻo, ngân vang trong bản anh hùng ca bất tử mang tên: Hàm Rồng.

Từ một vùng đất phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá khốc liệt trong mưa bom, bão đạn, mảnh đất Hàm Rồng nay đã thực sự hồi sinh, phát triển từng ngày. Men theo lối đi trên “cây cầu sắt nhỏ bắc qua sông Mã” hôm nay mà phóng tầm mắt nhìn ra mênh mông đất trời, khung cảnh Hàm Rồng yên bình, thơ mộng tựa như bức tranh thủy mặc giữa thành phố. Sự yên bình quý giá đó khiến mỗi người con xứ Thanh lại chộn rộn lên niềm tri ân, lòng biết ơn sâu sắc với những công lao, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Sự kiện ấy không chỉ trở thành dấu mốc vẻ vang trong lịch sử dân tộc mà kết đọng lại thành ký ức đẹp đẽ, hào hùng không thể nào quên trong lòng các thế hệ người dân Thanh Hóa.

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nhung-ngay-den-toi-cua-khong-luc-hoa-ky/135146.htm