Những ngày làm báo ở New Delhi và New York

Thời gian đã lùi xa những 40 năm. Nhớ về những ngày làm phóng viên thường trúcủa Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại New Delhi (Ấn Độ) và New York (Mỹ) thời gianđó, tôi ghi lại ra đây để chia sẻ về một thời làm báo.

New Delhi, Ấn Độ

Kỷ niệm công tác tại nước ngoài

Đầu năm 1980, tôi được lãnh đạo cơ quan cử sang làm phóng viên thường trú tại Ấn Độ sau khi dự khóa đào tạo về báo chí thông tấn 1 năm tại Học viện Truyền thông đại chúng Ấn Độ (IIMC). Một năm học kiến thức cơ bản về kỹ năng làm báo thông tấn cộng với việc tôi được Nhà nước cử đi đào tạo trình độ đại học về ngôn ngữ và văn học Ấn Độ đã giúp tôi hoàn thành một nhiệm kỳ rưỡi (6 năm) công tác đầu tiên của mình tại Ấn Độ và nhiệm kỳ sau đó tại thành phố New York (Mỹ).

Được sống và làm việc trong môi trường báo chí ở những đất nước có nền báo chí phát triển, tôi thực sự bỡ ngỡ và choáng ngợp. Tại New Delhi, những cuộc họp báo của Thủ tướng Indira Gandhi và Thủ tướng Rajiv Gandhi có tới vài trăm phóng viên cùng tham dự. Các cuộc tổng tuyển cử, những sự kiện chính trị lớn như Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết, hội nghị quốc tế các loại do Ấn Độ đăng cai có hàng nghìn phóng viên quốc tế đến đưa tin.

Các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam từ Tổng Bí thư Lê Duẩn đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Ấn Độ trong thời gian tôi thường trú bên đó đều là những đợt tôi được tham gia theo sự phân công của Trưởng phân xã Hồ Tiến Nghị, người sau này trở thành Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Ấn Độ là một nước lớn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với Việt Nam, nên nhu cầu thông tin về đất nước này rất lớn. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) đã cử một phóng viên sang hoạt động báo chí tại New Delhi, nhưng sau đó đã rút về, có lẽ vì lý do kinh tế.

Đến năm 1980, nhà nước đã cho phép Cơ quan thông tấn nhà nước mở lại Phân xã thường trú với hai phóng viên và một điện báo viên. Thời đó, công nghệ thông tin chưa phát triển, phương tiện liên lạc duy nhất là máy thu phát tín hiệu Morse và do vậy đi cùng phóng viên thường trú ở nước ngoài thường có một điện báo viên để giúp chuyển tin về nước.

Tín hiệu xung điện “tạch- tè” của điện báo viên phát mù lên trời qua cần ma-níp theo một khung giờ nhất định để một điện báo viên khác ngồi cách xa hàng nghìn kilomet đeo cáp tai nghe tín hiệu ghi lại thành văn bản. Nhân tố con người đóng vai trò quan trọng trong phương thức viễn thông này. Người phát và người thu không nhìn thấy mặt nhau, không nghe tiếng của nhau, nhưng thông tin liên lạc vẫn giữ thông suốt. Các bản tin phát về đã được sử dụng hiệu quả và kịp thời.

Ngày nay, phương tiện truyền tin tín hiệu Morse (mang tên người Mỹ phát minh ra nó), từng được coi là phát minh lớn nhất của thế kỷ 19, không còn được sử dụng nữa. Thay vào đó, Internet, công nghệ truyền thông đa phương tiện ra đời đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thống soái, làm thay đổi mạnh mẽ không chỉ công nghệ thông tin, hoạt động báo chí mà cả đời sống xã hội trong cái được gọi là cuộc cách mạng 4.0.

Cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ công tác của tôi tại Ấn Độ là đợt thông tin về vụ sát hại Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi. Sáng ngày 31/10/1984, hai cận vệ vốn có trách nhiệm vụ bảo vệ bà ở vòng trong đã rút súng bắn từ cự ly gần làm bà gục ngã ngay trong khuôn viên tư gia của bà ở thủ đô New Delhi.

Đây là vụ ám sát chính trị mang sắc thái trả thù tôn giáo ở đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo. Bà Gandhi là người theo đạo Hinđu. Hai kẻ sát nhân là người theo đạo Sikh (đặc điểm nhận dạng là có râu quai nón và quấn khăn xếp trên đầu), một tên đã trung thành phục vụ bà trong 10 năm, còn kẻ thứ 2 mới được tuyển dụng 5 tháng trước. Chúng bị cộng đồng người Sikh kích động sau vụ quân đội Chính phủ tấn công ngôi Đền Vàng linh thiêng của đạo này trong chiến dịch truy quét tội phạm hồi tháng 6 năm 1984.

Vụ ám sát gây chấn động xã hội Ấn Độ. Ngay tối hôm đó đã xảy ra tình trạng bạo loạn trên đường phố, cửa hàng, cửa hiệu bị đập phá, ô tô bị đốt cháy, người Sikh bị chém giết vô tội vạ. Hận thù tôn giáo được đẩy lên đỉnh điểm tới mức gần như không thể kiểm soát nổi. Các Ủy ban hòa bình được thành lập ở từng khu phố để vãn hồi tình hình. Hai đêm đầu chúng tôi đã đánh liều lái xe chạy ra phố để nắm bắt tình hình. Là phóng viên tại chỗ, chúng tôi hoạt động hết công suất, tổ chức thông tin dồn dập trong suốt cả tuần.

New York, Mỹ

Tác nghiệp tại cơ quan “quyền lực” nhất thế giới

Đến nhiệm kỳ công tác tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York, Mỹ đầu những năm 1990, hoạt động báo chí sôi động hơn, phương tiện truyền tin đã tốt hơn.

LHQ là tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung của thế giới. Hệ thống LHQ gồm 5 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và xã hội, Ban Thư ký và Tòa án Công lý quốc tế.

Ngoài ra, LHQ còn có các tổ chức độc lập khác được lập ra để giải quyết các công việc chuyên môn hàng ngày. Hoạt động của hệ thống LHQ đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống chính trị của các nước. Chính vì thế, LHQ trở thành trung tâm báo chí lớn nhất thế giới. Hầu như các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình lớn từ các châu lục đều đặt phóng viên thường trú tại đây.

Mỗi cơ quan báo chí được cấp miễn phí một diện tích nhỏ tại Trụ sở LHQ làm văn phòng hoạt động. Hàng ngày, phóng viên đến làm việc, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ thông tin, thu thập tin tức.

Thời điểm có nhiều thông tin nhất là khi diễn ra Khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ trong thời gian một tháng, bắt đầu từ ngày thứ 3, tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm và khi Hội đồng Bảo an (HĐBA- Cơ quan 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên trường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) đầy quyền lực về các vấn đề hòa bình- an ninh thế giới) họp thường kỳ và bất thường.

Để có thông tin mới, phóng viên luôn ở tư thế “trực chiến” săn tin. Cái khó và cái cần đối với phóng viên hoạt động trong biển thông tin này là khả năng chắt lọc, tổng hợp và moi thêm được những tin tức đằng sau sự kiện để phục vụ nhu cầu thông tin trong nước.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập LHQ vào ngày 20/9/1977, TTXVN đã cử phóng viên thường trú để đưa tin về hoạt động của Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ và hoạt động của LHQ nói chung. Lẽ ra phóng viên thường trú bên cạnh LHQ chỉ làm nhiệm vụ đưa tin về hoạt động của LHQ, nhưng do nhu cầu trong nước, phóng viên TTXVN còn theo dõi thông tin về chính trường nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 3/2/1994 về việc công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam

Trong thời gian thường trú ở New York, chúng tôi dành sự quan tâm chính tới chuyển động của quan hệ Việt- Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, các đời Tổng thống G. Bush và B. Clinton đã khởi động, thực hiện lộ trình và có những bước đột phá trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau nhiều năm thù địch.

Tôi đã chứng kiến việc Chính quyền Mỹ từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, bắt đầu từ việc bỏ quy định người Việt Nam chỉ được đi lại trong bán kính 25 dặm ở thành phố New York, cho phép mở liên lạc điện thoại giữa hai nước, nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế v.v..

Những năm tôi làm phóng viên thường trú bên cạnh LHQ (1989- 1992), Mỹ vẫn còn duy trì lệnh cấm vận Việt Nam, việc truyền tin trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam không thực hiện được mà phải truyền qua Mátxcơva, Liên Xô, rồi từ đó phát về Việt Nam qua đường telex.

Thời đó công nghệ thông tin chưa hiện đại, thuận tiện như thời đại Internet bây giờ, nhưng đã khá hơn nhờ áp dụng phương thức truyền tin telex, tức là dùng tín hiệu điện tín theo quy ước telex để thu- phát tin. Phóng viên làm tin trên màn hình máy tính rồi cho đục băng và thả máy đọc băng chuyển tiếp về Tổng xã. Phần mềm tự động làm nhiệm vụ chuyển các cụm tín hiệu quy ước sang chữ cái phông chữ tiếng Việt.

Nhắc tới công việc của phóng viên thường trú ở nước ngoài thời đó không thể không kể về cuộc sống hàng ngày của họ. Thời đó, phóng viên nói riêng, cán bộ ngoại giao nói chung được vinh dự cử đi công tác thường trú ở nước ngoài, thường đi một mình, 2- 3 người cùng ở chung một phòng thuê, tự nấu ăn, tiết kiệm khoản sinh hoạt phí ít ỏi (không phải lương) làm nhiệm vụ được gọi vui là “cứu nước, cứu nhà”, để đến khi hết nhiệm kỳ về nước có tiền mua sắm phục vụ cuộc sống khó khăn thời bao cấp, nhỏ là gói mì chính, phụ tùng xe đạp, lớn là chiếc Radio casset hoặc chiếc xe máy nhập khẩu từ Nhật Bản...

Hà Minh Huệ

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nhung-ngay-lam-bao-o-new-delhi-va-new-york-n20072.html