Những ngày thu sân khấu khó quên

Thế là gần 10 ngày đầu tháng 10/ 2019 tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra một sự kiện sân khấu đáng nhớ: Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ IV do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.

Trong những ngày cuối thu tuyệt đẹp, những ngày vàng của thủ đô đất nước, 7 đoàn sân khấu nước ngoài gồm Israel, Hungari, Hy Lạp, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc và 14 đoàn sân khấu Việt Nam: Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Sân khấu thể nghiệm Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt, Đoàn kịch Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trung tâm Sân khấu và Phát triển, Nhà hát Thế giới trẻ đã đem đến đây 21 vở diễn với 21 buổi diễn đầy ắp khán giả từ Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Đại Nam, Nhà hát Đài Phát thanh VOV, Rạp Xiếc Trần Nhân Tông, L’Espace Tràng Tiền, đến Nhà hát Chèo Quân đội tận Xuân Đỉnh. Không có sự kiện nghệ thuật Quốc tế nào diễn ra tại thủ đô lại kéo dài như Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội, thường kéo dài từ một tuần lễ tới 10 ngày qua 4 lần tổ chức, tạo ra một dấu ấn khó quên với khán giả yêu nghệ thuật thủ đô và du khách trong, ngoài nước.

Có thể nói, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm Hà Nội ngày càng thu hút bạn bè quốc tế. Đến lần từ IV này, có đến 53 vở diễn của các đoàn sân khấu khắp nơi trên thế giới đã gửi đến đăng ký tham dự, riêng trong nước cũng có 24 vở diễn của 19 đoàn nghệ thuật đăng ký. 14/53 vở diễn của các đơn vị quốc tế đã được chọn tham dự, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, giờ chót chỉ có 7 đơn vị đến được với Liên hoan cùng với 14 tiết mục của 14 đơn vị sân khấu trong nước.

21 buổi diễn của các đơn vị quốc tế và trong nước luôn đầy chật khán giả. Có không ít buổi diễn khán giả phải ngồi tràn ra cả lối đi như các buổi diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long, của Nhà hát Đài Tiếng nói VN, Nhà hát Tuổi Trẻ hay Nhà hát Kịch VN… Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu của các địa phương trong cả nước đã về Hà Nội xem Liên hoan, đặc biệt trong đó có hàng trăm nghệ sĩ sân khấu các thế hệ đến từ TPHCM.

Khởi đầu bằng vở “Nhật thực” của Sân khấu Thể nghiệm Nhà hát Thế giới Trẻ - Sen Việt đêm 4/10/2019 và kết thúc với vở “Câu chuyện về bức tranh cổ” của Đoàn Opera Huaiju Thượng Hải - Trung Quốc, tính thử nghiệm, chất lượng và sự hấp dẫn của vở diễn đã là một đặc điểm đáng mừng của Liên hoan lần này. 7 vở diễn của các đơn vị nước ngoài nói chung đều thể hiện tính thử nghiệm và tính nghệ thuật cao như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Hội đạo diễn Hàn Quốc, “Tháng Tám” của Nhà hát Madype Budapest Hungari, “Ngôi đền quỷ ám” của Nhà hát Tang Renaisance, Singapore, trong đó nổi bật nhất, được đánh giá cao nhất có thể kể đến các vở “Cánh đồng đẫm máu” của Nhà hát Thessaly Hy Lạp, “Macbeth mirror” của Nhà hát Kalyan, Ấn Độ và “Bpolar” của Đoàn Nghệ thuật Ayit, Israel…

Điểm nổi bật rất đáng mừng tại Liên hoan lần này là bước tiến khá rõ của các đơn vị sân khấu Việt Nam ở tính thử nghiệm, chất lượng và sự hấp dẫn của các tiết mục tham gia Liên hoan. 14 vở diễn tham gia Liên hoan đều có sự đầu tư công phu nghiêm túc, trong đó có sự xuất hiện của một số đơn vị sân khấu xã hội hóa ở thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như Nhà hát Thế giới trẻ, Đoàn kịch Lucteam và Sân khấu Lệ Ngọc. Rất bất ngờ là “Nữ ca sĩ hói đầu” của Đoàn kịch Lucteam và “Nhật thực” của Sân khấu thử nghiệm nhà hát Thế giới trẻ - Sen Việt nằm trong số các tiết mục được bạn bè quốc tế và khán giả trong nước đánh giá cao nhất. Cùng được đánh giá cao về tính thử nghiệm và chất lượng nghệ thuật là các vở diễn “Cậu Vania” của Nhà hát Tuổi trẻ”, “Sự sống” của Nhà hát kịch Việt Nam, “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát múa rối VN, “Mơ rồng” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, “Niềm khát” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, “Ngàn năm mây trắng” của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất mừng khi sân khấu Việt Nam có được một “Cậu Vania” đầy đặn và giàu sáng tạo như vậy của dòng kịch trữ tính lớn và cực khó thể hiện của văn hào Nga Chekhop. “Sự sống” thì đem tới sân khấu Việt Nam một hình thức kịch không nhân vật, chỉ có một tập thể diễn viên có thể hóa thân vào tất cả các nhân vật cũng như phối hợp tạo nên không gian và thời gian của vở diễn bằng các động tác hình thể. “Thân phận nàng Kiều” là một thử nghiệm bằng việc mở rộng ngôn ngữ rối để thể hiện rất thành công một vở Kiều rất đẳng cấp trên sân khấu rối. “Mơ rồng” là sự kết hợp táo bạo giữa rối nước và rối cạn và mở rộng không gian múa rối cả ở chiếu rộng chiều sâu, chiều cao cũng như tạo hình những con rối khổng lồ phục vụ cho nội dung vở diễn. “Niềm khát” thể hiện sự dũng cảm của sân khấu cải lương khi thể hiện đề tài khoa học công nghệ thời 4.0 trong một vở diễn đầy chất nhân văn. Còn “Ngàn năm mây trắng” thì rất táo bạo khi tạo nên một vở kịch hát mà Chèo được hát cùng Cải lương, Xẩm, Hát văn, ca Huế mà nghe rất suôn sẻ, ngọt ngào, rất hợp với hoàn cảnh kịch và tâm trạng nhân vật, tạo nên sự hứng khởi mới trong thưởng thức kịch hát truyền thống cho khán giả… Có thể nói, Liên hoan đã diễn ra sôi nổi nghiêm túc với nhiều sự tìm tòi, thử nghiệm: Ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, xử lý của đạo diễn, kỹ thuật biểu diễn của diễn viên, xử lý âm nhạc tinh tế, xử lý ánh sáng, âm thanh có nhiều ý tưởng và ấn tượng, sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại… đã tạo nên sức cuốn hút của người xem. Sự tương đồng ngôn ngữ nghệ thuật đã xóa nhòa đi ranh giới bất đồng ngôn ngữ giữa các nước, tất cả đều hướng tới xu hướng phát triển sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung vì cái đẹp của cuộc sống, kết nối vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa trong thời kỳ mới.

Liên hoan đã khép lại, 4 vở diễn xuất sắc nhất đã thuộc về các tác phẩm: “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Múa Rối Việt Nam), “Sự sống” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Bpolar” (đoàn nghệ thuật Ayit - Israel) và 5 giải Bạc đã được trao cho 5 vở diễn: “Cánh đồng đẫm máu” (Hy Lạp), “Macbeth Mirror” (đoàn Ấn Độ), “Câu chuyện về bức tranh cổ” (Trung Quốc), “Dưới cát là nước” (Nhà hát Thế giới trẻ), “Ngàn năm mây trắng” (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam). Ở các giải thưởng cá nhân, Ban tổ chức đã trao 20 Huy chương Vàng và 35 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ tham gia Liên hoan. Ban giám khảo cũng đã trao các giải: Đạo diễn xuất sắc cho NSND Nguyễn Tiến Dũng (vở rối “Thân phận nàng Kiều"), họa sĩ tạo hình xuất sắc: Lê Đình Nguyên (Nhà hát Múa rối Việt Nam), tác giả triển vọng: NSƯT Quế Anh (vở “Niềm khát” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), thiết kế ánh sáng: họa sĩ đoàn Hy Lạp.

Liên hoan lần này đã mang đến cơ hội cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước cơ hội được sẻ chia các ý tưởng, kết hợp các ý tưởng sáng tạo và kết nối mọi người gần nhau, hiểu nhau hơn. Dư âm về những vai diễn, những tình cảm của khán giả sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Lửa nghề vẫn cứ cháy mãi, những khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ trong xu thế hội nhập và phát triển sẽ tiếp tục được thăng hoa hướng tới sân khấu mùa thu năm 2022 tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022 với nhiều sắc màu văn hóa của các nước trên thế giới.

Ngọc Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-ngay-thu-san-khau-kho-quen-72485