Những nghề độc lạ nhất hành tinh: Vệ sinh cho Sumo, chế biến món ăn từ nhau thai

Đầu bếp chuyên các món từ nhau thai, vệ sinh cho các đô vật Sumo hay đẩy khách ở tàu điện ngầm là những nghề nghe đến tên đã thấy lạ nhưng chúng đều phát sinh từ nhu cầu của xã hội.

Che biển số

Trong nỗ lực nhằm giảm ùn tắc giao thông, chính phủ Iran đã ban hành một chính sách chỉ cho phép xe biển số chẵn lưu thông vào ngày chẵn và xe có biển số lẻ ra đường vào ngày lẻ. Chính sách này ngay lập tức ảnh hưởng đến cuộc sống, nhu cầu đi lại của người dân.

Trước tình thế trên, một số người Iran đã lách luật bằng cách thuê người đi đằng sau xe mình để che biển số, ngăn không để camera trên đường chụp được hình ảnh sai phạm của mình. Và đó là lý do nghề có một không hai này ra đời.

Nghề che biển số xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân Iran.

“Câu” xe đạp

Amsterdam là thành phố đạp xe thân thiện nhất thế giới với 40% - 60% người dân di chuyển bằng phương tiện này. Tuy nhiên có một con số khiến ai đến đây cũng phải bất ngờ là có đến khoảng 15.000 chiếc xe đạp được vớt lên từ các kênh rạch trong thành phố mỗi năm.

Cả ngàn chiếc xe đạp được vớt mỗi năm tại Amsterdam.

Thậm chí, một công ty chuyên vớt xe đạp giữ sạch các con kênh Watemet đã ra đời. Những nhân viên của công ty thường phải sử dụng cần cẩu thủy lực rất lớn để kéo các xe đạp dưới lòng kênh. Công việc đã này trên thực tế đã xuất hiện từ những năm 1960 và được thực hiện hàng ngày cho đến nay.

Ngoài xe đạp, người ta còn vớt được nhiều đồ vật “lạ lùng” khác ở dưới kênh chẳng hạn như tủ lạnh, ô tô.

Đầu bếp chuyên nấu... nhau thai

Ăn nhau thai đang trở thành trào lưu khiến nhiều nhà hàng muốn tìm kiếm đầu bếp chuyên nghiệp chế biến món này.

Từ lâu ăn nhau thai đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc, tuy nhiên truyền thống nay đang “tấn công” sang cả phương Tây.

Với việc những nhân vật nổi tiếng như Kim Kardashian hay đầu bếp danh tiếng Jamie Oliver cùng “thừa nhận” lợi ích bất ngờ từ nhau thai, việc chế biến nhau thai đang ngày càng thịnh hành. Tuy nhiên không phải ai cũng có tay nghề để chế biến nguyên liệu đặc biệt này.

Một nhà hàng tại London (Anh) từng đăng quảng cáo tuyển đầu bếp chuyên có kinh nghiệm chế biến và nấu nhau thai với mức lương là 15 bảng Anh (khoảng 460.000 VNĐ)/giờ.

Phủi bụi cho xương khủng long

Để đảm bảo những bộ xương này không bám bụi, thường có một người làm công việc phủi bụi cho chúng.

Ông Frank Braisted là một nhân viên phủi bụi cho xương khủng long chuyên nghiệp hàng chục năm nay. Trên thực tế, ông là người duy nhất có thể và được phép là công việc này tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian thuộc bang Washington, Mỹ.

Công việc này có nhiệm vụ duy nhất là giúp cho những bộ xương khủng long có niên đại lên tới hàng trăm triệu năm luôn sạch bụi. Tuy nhiên điểm khó nhất ở đây là ông Frank phải làm thế nào để vừa Làm sạch mà lại không được chạm vào bộ xương.

Dụng cụ làm việc của ông Frank cũng rất đơn giản, chỉ là một chiếc chổi lông gà và một chiếc máy hút bụi.

Vệ sinh cho đô vật sumo

Với thần hình quá khổ, các đấu vật sumo cần có người vệ sinh cho họ.

Do đặc tính của ngành nghề nên các đô vật sumo thường có thân thể cao lớn và to béo. Họ được đảm bảo chăm lo về chế độ ăn uống. Mỗi ngày, họ tiêu thụ khoảng 8.000 calo (gấp 3,2 lần lượng calo cần thiết với thanh niên bình thường). Thậm chí, những đô vật quá “gầy” sẽ phải cố gắng nhồi càng nhiều thức ăn vào bụng càng tốt cho tới khi nào béo thì thôi.

Cũng chính vì vậy mà các đô vật sumo gặp rất nhiều khó khăn trong việc vệ sinh cơ thể. Từ đó họ cần một người có thể làm việc này giúp họ. Với đặc tính công việc lạ lùng này, thù lao của nó vẫn còn là một bí ẩn.

Đẩy khách tàu điện ngầm

Hệ thống đường ray của Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới vì giờ giấc chuẩn xác. Hầu hết tuyến, tàu đến cách nhau 5 phút và dừng đón khách trong 2 - 3 phút. Hệ thống tàu đông đúc nên thường dẫn tới tình trạng quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Vì vậy, tại các nhà ga Nhật Bản dần xuất hiện đội ngũ nhân viên mặc đồng phục gọi là oshiya hay còn gọi là người đẩy khách hoặc đội sắp xếp hành khách. Họ đeo găng tay trắng và có nhiệm vụ “nhồi nhét” càng nhiều người vào một toa tàu càng tốt để giúp tàu chạy đúng giờ. Các nhân viên tại ga phải thay nhau làm trong giờ cao điểm và họ thường không đưụoc yêu quý cho lắm.

Những người đẩy khách lên tàu thường không được yêu quý cho lắm tại Nhật.

Trên thực tế, nghề nghiệp đặc biệt này ra đời đầu tiên tại thành phố New York, Mỹ từ một thế kỷ trước.

Trà Li Tổng hợp

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nhung-nghe-doc-la-nhat-hanh-tinh-ve-sinh-cho-sumo-che-bien-mon-an-tu-nhau-thai-post42043.html