Những nghệ nhân làm đàn ở Đào Xá: 'Đến chết mới bỏ nghề'

Một cây đàn hay trăm ngàn cây đàn cũng từ đây mà ra. Ngôi làng thuần nông ven dòng sông Nhuệ tưởng chừng chỉ trung thành với cây lúa, con tôm. Ai ngờ, cả trăm năm nay người làng ấy đã làm một thứ nghề vốn rất hàn lâm: Sản xuất các loại đàn.

Đàn Tam bọc bằng da trăn. Ảnh: T.G.

Đàn Tam bọc bằng da trăn. Ảnh: T.G.

Ấy là làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ của huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Làng cách tỉnh bạn Hà Nam vừa một dòng sông nhỏ để nhập vùng đất của Hà Nội cho dễ bề công cuộc đô thị hóa.

Ai dè, thời làng lên phố khiến nghề làm đàn vốn phải tĩnh lặng gặp một phen chao đảo. Nay đếm cả làng may ra mới được vài ba nghệ nhân bám trụ với nghề ở vùng đất này.

“Đến chết tôi mới bỏ nghề”

Cánh cổng cổ hình loan phượng đã rêu phong là bằng chứng cho một thời huy hoàng của dòng họ Đào vùng Đông Lỗ.

Ông Đào Văn Soạn năm nay 79 tuổi và cũng là nghệ nhân làm đàn cao tuổi nhất của làng Đào Xá, gật gù: “Xưa kia, nghề làm đàn thịnh vượng các cụ mới có tích lũy rồi xây cổng nhà hoa văn. Nhưng cái gì cũng có quy luật, hợp rồi tan như bây giờ chẳng hạn, con cháu họ Đào còn mấy ai trung thành với nghề nữa đâu”.

Theo ông Soạn, Đào Xá vốn chỉ biết làm lúa, trồng ngô ven bãi sông Nhuệ. Nhưng 200 năm trước, cụ Đào Xuân Lan đã đem nghề làm đàn về làng dạy cho con cháu. Khi ấy, các ông tây bà đầm xuất hiện ở nước ta đã kéo theo thứ nghề vốn rất hàn lâm này.

Cụ Lan lúc ấy là thợ mộc, chuyên đi đóng đồ cho các gia đình người Pháp. Mỗi lần như vậy, cụ lại được nghe những tiếng đàn da diết do trẻ em Pháp tập luyện. Tiếng Măng – đô – lin hòa âm với Anto dịu dàng, lúc lại như thúc giục khiến người thợ mộc cứ tò mò lẫn phấn khích.

Người thợ mộc quê mùa ấy muốn có một chiếc đàn cho riêng mình. Nhưng dù có khéo tay mầy mò nhưng vẫn chỉ thất bại vì đàn đánh chẳng có giai điệu, âm sắc nào ra hồn. Đưa cho đứa bé tây đánh thử, nó dè môi chê trách. Mấy lần suýt nản chí nhưng nghĩ đến con cháu thân thuộc ở quê Đào Xá đang thiếu thốn đủ thứ, chỉ mong có cái nghề kiếm ra miếng ăn nên cụ Lan lại lao tâm khổ tứ tầm sư học đạo.

Người thợ mộc ấy đã cuốc bộ theo chân nhóm buôn hàng sang Trung Quốc và đến một con phố nhỏ ở Thượng Hải học nghề làm đàn. Mấy năm trời ròng rã, người thanh niên Đào Xuân Lan học được cách làm của hơn 13 loại đàn khác nhau. Từ các loại đàn của phương Tây đến các đàn cổ truyền của Trung Quốc, cụ Lan đều sành.

Khi về làng, cụ gọi tất tần tật con cháu họ Đào đến rồi truyền dạy tỉ mỉ. Từ cách làm đàn cho người tây đến cách làm đàn cho người Việt. Từ vật liệu đến cách nghe âm điệu đều được cụ dạy bảo cho thành thục.

Thoáng cái đến nay đã 200 năm có lẻ từ khi họ Đào gắn bó với cái nghề này. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm nhưng để nghề tồn tại được đến nay thì chao ôi bao nhiêu là kỳ tích lẫn những buồn vui khổ cực. “Vì thế mà trước khi ông cụ thân sinh của tôi nhắm mắt, tôi đã hứa đến chết mới bỏ nghề”, ông Soạn rưng rưng.

Đàn Đào Xá ngân xa

Theo ông Soạn, ngay từ khi ông tổ nghề Đào Xuân Lan dạy cho con cháu thứ nghề lạ lẫm này, những cây đàn đầu tiên “xuất làng” đã tạo được thương hiệu. Những ông tây bà đầm đến các giáo sư hàn lâm âm nhạc Pháp có mặt ở Việt Nam đều rất thích.

Họ bắt đầu đặt hàng làng Đào Xá làm những cây đàn tốt nhất. Từ ghita, Măng – đô – lin, Anto đến Bănggio đều được các thợ lành nghề họ Đào chế tác một cách cẩn thận. Đến những năm 1880, hầu hết các loại đàn có mặt trên đất nước ta đều là do thợ Đào Xá làm ra.

Tiếng đàn Đào Xá còn ngân xa tới tận các nước phương Tây như Pháp, Anh, Mỹ, Ý… Bởi với người phương Tây lúc bấy giờ, chỉ có đàn Đào Xá mới là món quà sang trọng và ý nghĩa nhất khi từ Á Châu trở về. Và vì thế, số lượng con cháu họ Đào tham gia làm nghề lên tới hàng trăm người lớn nhỏ.

Thời kỳ sau này, khi âm nhạc nước ta phát triển, đàn Đào Xá đã trở thành một thương hiệu không thể thay thế. Các đoàn văn công xưa như Hoa Mai, Lúa Mới, đoàn ca múa nhạc Trung ương đều dùng đàn của Đào Xá trong các dịp biểu diễn.

Theo ông Soạn: “Đàn của Đào Xá không những bền đẹp mà còn chuẩn về âm thanh. Tây họ sành đàn lắm, mình làm không đạt chuẩn không bao giờ họ mua. Vả lại, ở Việt Nam không có bất cứ ngôi làng nào sản xuất đàn theo lối gia truyền nên mình cũng phải giữ thương hiệu cho làng”.

Hiện nay, trong nhà của ông Soạn trưng bày hàng trăm loại đàn khác nhau. Có những cây đàn cổ hàng trăm năm tuổi được bảo quản kỹ lưỡng, bởi ông vốn xem chúng như báu vật gia truyền.

Theo ông Soạn, nghề làm đàn đã mai một đi nhiều. Thanh niên không ai theo nghề gia truyền nữa. Cả làng bây giờ cũng chỉ còn dăm ba nhà giữ nghề. Nói là giữ nghề cho oai, chứ để sống được với nghề thì không khác nào đem ngọn lửa nhỏ ra cửa cho gió lùa. Trước sau gì lửa cũng tắt, nghề cũng tàn. Nghĩ mà tiếc!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-nghe-nhan-lam-dan-o-dao-xa-den-chet-moi-bo-nghe-4066527-b.html