Những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Những ngày cuối năm, không khí tập luyện hăng say bao trùm hai đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Chèo Quân đội và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Mang lời ca, tiếng hát đến với bộ đội và đồng bào

Khi những cánh hoa đào chớm nở cũng là lúc những nghệ sĩ, chiến sĩ của hai đơn vị nghệ thuật này lại tấp nập tập luyện để mang đến cho bộ đội và nhân dân những món ăn tinh thần hấp dẫn trong những ngày đầu năm mới.

Chúng tôi được hòa mình vào không khí tập luyện của các nghệ sĩ. Âm thanh của tiếng trống, tiếng mõ... hòa trong những làn điệu chèo ngân vang trên sân khấu Nhà hát Chèo Quân đội. Theo sát từng diễn viên trong mỗi buổi tập, NSND Quốc Trượng luôn mong muốn thế hệ kế cận của mình phải thể hiện tốt nhất vai diễn trên sân khấu. Vì thế, anh luôn chủ động uốn nắn mỗi động tác, từng giai điệu cho các vai diễn của diễn viên.

Thành công của mỗi vở diễn không thể không nhắc tới quá khứ được vun đắp bởi các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội. Tiền thân là Đoàn chèo Tổng cục Hậu Cần ra đời ngày 1-10-1954, đến nay Nhà hát Chèo Quân đội đã có chặng đường gần 70 năm hình thành và phát triển. Để ghi nhớ công ơn của các nghệ sĩ đi trước-những người đã đặt nền móng xây dựng Nhà hát, năm 2019, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội đã tìm về nguồn cội tổ chức Lễ khánh thành bia di tích lịch sử (nơi thành lập Nhà hát) tại thôn Phú Thịnh 2, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ, công nhân viên nhà hát, tạo động lực để những nghệ sĩ, chiến sĩ bằng lời ca tiếng hát góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống cách mạng của thủ đô gió ngàn.

Mỗi tác phẩm của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội khi được công diễn trước khán giả đều thấm đẫm biết bao công sức, tâm huyết của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

 NSND Quốc Trượng đang hướng dẫn các diễn viên nhập vai.

NSND Quốc Trượng đang hướng dẫn các diễn viên nhập vai.

NSND Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: Hoạt động về nguồn rất có ý nghĩa để nối tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước. Chúng tôi tự hào bởi được kế tục sự nghiệp của bao nghệ sĩ, chiến sĩ nhà hát đã hy sinh xương máu ở chiến trường. Nhà hát Chèo Quân đội có 3 nghệ sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường.

Phát huy và kế thừa nền tảng của thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, đến nay, Nhà hát Chèo Quân đội có 5 NSND, 32 NSƯT và vinh dự là chiếu chèo duy nhất của người lính, được đồng nghiệp làng chèo Việt Nam phong là “anh cả đỏ” của sân khấu chèo cả nước.

Cùng là đơn vị nghệ thuật trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từ đơn vị là tổng đội Văn Công ra đời năm 1947 ở Thái Nguyên, sau đó ngày 15-3-1951, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội chính thức được thành lập, từ đó đến nay, trải qua 69 năm hình thành và phát triển, những nghệ sĩ, chiến sĩ của nhà hát đã mang lời ca, tiếng hát đến với bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.

NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đang thể hiện một ca khúc trong chương trình do Báo Quân đội nhân dân tổ chức.

Đại tá, NSƯT Nông Thị Bích Kim, Chính trị viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cho biết: Từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, qua các chiến trường, ở nơi đâu cũng có văn nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn. Cùng với các lực lượng dân quân, thanh niên xung phong, những nghệ sĩ, chiến sĩ của nhà hát đã đến với các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất; nơi nào có bộ đội là chỗ đó có văn nghệ sĩ của đoàn phục vụ. Nhà hát có 3 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội có chỉ tiêu phục vụ phục vụ bộ đội và nhân dân 150 buổi/năm. Tuy nhiên, nhà hát không chỉ thực hiện đạt chỉ tiêu mà thường xuyên vượt chỉ tiêu, kế hoạch, có thời điểm lên đến 220 buổi diễn/năm. Việc phục vụ bộ đội và nhân dân vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa và biển đảo là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gần như năm nào Nhà hát cũng có đội xung kích đi biểu diễn ở Trường Sa.

Vang mãi khúc quân hành

“Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến sĩ/Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày/Lượn bay trên núi đồi,biên cương đến nơi đảo xa...” bằng lời ca, tiếng hát, những nghệ sĩ, chiến sĩ đã trực tiếp mang lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, quê hương đất nước, tình yêu, hát cho bộ đội, nhân dân nghe, để mọi người cảm thấy yêu quê hương mình hơn, hiểu cuộc sống tốt đẹp của người dân và cùng bản làng, chung tay góp sức bảo vệ Tổ quốc.

“Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sẵn sàng đến bất cứ nơi nào có chiến sĩ đóng quân ở vùng sâu, vùng xa để phục vụ, động viên các chiến sĩ rèn luyện, yên tâm công tác và giữ vững chủ quyền đất nước”, NSƯT Nông Thị Bích Kim chia sẻ.

Tiết mục ca múa nhạc do các ca sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện.

2019 là năm đánh dấu thành công lớn của Nhà hát Chèo Quân đội. Tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019, nhà hát có 4 nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng, 6 nghệ sĩ đoạt Huy chương Bạc và vở diễn “Công lý không gục ngã” của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đoạt Huy chương Vàng.

Nói về các chuyến đi phục vụ bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, NSND Quốc Trượng cho biết: Hằng năm chúng tôi vẫn tổ chức đi biểu diễn ở các quân khu, quân đoàn, vùng sâu, vùng xa. Tới đây, chúng tôi cử một đoàn đi biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh…Đi đến tận bản làng phục vụ bà con mới hiểu được tấm lòng của khán giả nơi đây dành cho nghệ thuật chèo, đặc biệt đồng bào dân tộc rất yêu chiếu chèo của người chiến sĩ. Ngoài ra, chúng tôi đi biểu diễn ở các tuyến đảo phía Bắc, Nam, Nhà Giàn, Song Tử Tây, thậm chí có những đảo nhỏ, thuyền không vào được, chúng tôi phải tổ chức để ngồi hát vào radio rồi thu lại và phát vào loa cho bộ đội trong đảo nghe. Hơn nữa, hằng năm, nhà hát thường xuyên biểu diễn phục vụ ở các hội xuân, ngày hội giao quân của các tỉnh trong cả nước…

Các diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội đang tập luyện vở chèo “Ánh sao đầu núi” .

“Ánh sao đầu núi” là một trong những vở diễn mà Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng để ra mắt khán giả trong dịp đầu năm mới. Đảm nhận vai chính trong vở diễn này, Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Cường cho biết: Trong vở chèo “Ánh sao đầu núi”, tôi rất vinh dự khi được Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà hát cũng như đoàn diễn 2 giao cho đảm nhận vai Tiến là một trong những vai chính. Sau khi nhận vai diễn này, tôi đã nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng và mất một thời gian khá dài để tiếp cận vai. Trong quá trình tập luyện, tôi luôn nỗ lực cùng với đồng nghiệp, ê kíp để có một tác phẩm, vai diễn tròn trịa, được khán giả đón nhận. Đặc biệt, là một diễn viên trẻ, tôi luôn cố gắng để làm mới mình và vai Tiến là một cơ hội tốt, nền tảng để phát triển sau này.

Trong vở diễn “Ánh sao đầu núi”, lần đầu tiên lãnh đạo Nhà hát giao cho một vai diễn khá nặng về diễn xuất nhưng Thiếu úy QNCN Hà Thị Nga vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

“Vì đây là vai diễn hiện đại chứ không phải vai diễn cổ như tôi vẫn được học nhưng bằng sự nỗ lực hết mình, chuyên cần, tôi cố gắng hoàn thành tốt vai diễn để không chỉ đồng nghiệp đánh giá cao mà còn được khán giả đón nhận nhiệt tình. Được sự hướng dẫn, chỉ đạo tận tình của NSND Quốc Trượng, tôi đã từng bước tiếp thu được hồn cốt của nhân vật và vào vai nhuần nhuyễn hơn”, Thiếu úy QNCN Hà Thị Nga bộc bạch.

Một mùa xuân mới đang đến gần, những nghệ sĩ, chiến sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội mang trên vai hai trọng trách và hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa. Bằng lời ca, tiếng hát, họ đã mang đến niềm vui cho bộ đội và nhân dân.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nhung-nghe-si-chien-si-tren-mat-tran-van-hoa-607248