Những nghệ sĩ làng

Câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân chính là viên ngọc sáng, góp phần nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển vốn quý văn hóa truyền thống của quê hương vững bền dù cho cơn lốc đời sống hiện đại có ào ạt chảy qua.

Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân.

Bền bỉ với đam mê

Được thành lập vào năm 1999, đến nay, Câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên đã đi được một chặng khá dài với vốn quý văn nghệ dân gian xứ Quảng.

Từ 5 thành viên ngày đầu thành lập, câu lạc bộ đã duy trì hoạt động, phát hiện và bổ sung nhân lực để có con số 12 thành viên hiện tại, người lớn nhất đã xấp xỉ tuổi 70 còn người trẻ ngoài 30, đủ năng lực và niềm đam mê để viết tiếp câu chuyện đẹp về tình yêu với dân ca bài chòi quê xứ…

Ông Bùi Minh Diệu - Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH huyện Duy Xuyên khẳng định: “Nhờ có câu lạc bộ này làm nòng cốt, các chương trình văn nghệ được xây dựng theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mang sắc thái riêng, để lại dấu ấn đậm nét cho người xem”.

Hiếm có câu lạc bộ dân ca bài chòi cấp xã nào ở Quảng Nam, mà thời gian hình thành, tồn tại lâu dài như Câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân. Cả 12 thành viên đều là những người nông dân một nắng hai sương trên đồng đất quê nhà, vì yêu câu hát dân ca, vì phong trào văn nghệ của địa phương mà tự nguyện cùng nhau gắn kết.

Không chỉ duy trì hoạt động thường xuyên hằng tháng hay những xuất diễn phục vụ lễ, tết, ngày hội bà Thu Bồn…, anh chị em câu lạc bộ còn liên tục có những đêm biểu diễn theo lời mời của các địa phương trong và ngoài huyện.

Đây chính là thành công lớn của câu lạc bộ, đánh giá được năng lực, sức hấp dẫn của câu chuyện hô hát bài chòi của họ. Đồng thời cũng góp phần tạo nguồn kinh phí đáng kể để “nuôi” câu lạc bộ tồn tại đến bây giờ.

Ông Trần Văn Lộc - Chủ nhiệm câu lạc bộ năm nay đã ở tuổi 62 nhưng vẫn vẹn nguyên tình yêu và niềm đam mê dân ca bài chòi như thuở đôi mươi. “Tôi hát như dốc cạn lòng, hát như để trả nợ mối ân tình của sông, của đồng bãi đã nuôi tôi thành người…” - ông Lộc nói.

Nhiều năm qua, những thành viên câu lạc bộ cuốn theo niềm đam mê dân ca bài chòi, để cùng ông Lộc duy trì, phát triển mái nhà chung. Có những thành viên cao tuổi như bà Đỗ Thị Hồng Phúc hay Nguyễn Đức Xạ, Lê Văn Xân, Hà Thủ, Bùi Thị Bích Tiền, Nguyễn Mãng… vẫn miệt mài theo chân anh chị em câu lạc bộ đi hát hằng đêm.

Bà Đỗ Thị Hồng Phúc bảo: “Mỗi lần khoác lên mình chiếc áo diễn viên hô hát dân ca bài chòi là một lần tôi như được sống lại thời tuổi trẻ”. Có lẽ chính điều này đã góp phần làm nên sức sống mạnh mẽ và lâu bền cho câu lạc bộ.

Dòng chảy vẫn tiếp nối

Một câu lạc bộ của làng trải dài hơn 20 năm là chuyện hiếm. Để tạo nên dòng chảy bền bỉ ấy, không chỉ có niềm đam mê, mà cả trách nhiệm truyền lửa, giữ gìn vốn quý văn hóa của cha ông.

Một thế hệ trẻ với những cái tên như Văn Thị Thiện, Nguyễn Thế Vỹ, Lê Thị Hòa hay Trương Thị Bảy… đã dần tạo được vị trí trong câu lạc bộ. Nguyễn Thế Vỹ năm nay ngoài 30 tuổi, đã được đầu tư học hành bài bản và bắt đầu trở thành người hát chính.

Các thành viên Câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân.

“Ngoài niềm đam mê, chính nhờ sự tận tình chỉ bảo của chú Lộc cùng các cô chú trong câu lạc bộ và được tham gia nhiều lớp tập huấn hát dân ca bài chòi mà giọng hát, khả năng biểu diễn trên sân khấu của tôi ngày càng tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu làm mới, tạo sức trẻ cho hoạt động câu lạc bộ. Tôi sẽ làm hết sức mình, tiếp tục noi gương các cô chú tìm kiếm, phát hiện các hạt nhân thế hệ đàn em, để giữ gìn vốn quý cha ông” - Thế Vỹ chia sẻ.

Những thành viên được xem là hạt nhân tiếp nối này bao nhiêu năm qua đã được trao truyền về tình yêu, niềm đam mê cũng như tinh thần trách nhiệm gìn giữ câu hát dân ca bài chòi. Đồng thời được câu lạc bộ cử đi tham dự các lớp tập huấn về hát dân ca bài chòi tổ chức hằng năm nên giọng hát, sắc thái biểu cảm ngày càng chững chạc.

Ông Trần Văn Lộc nói thêm, điều đáng mừng là bên cạnh những thành tích đạt được ở các hội thi, hội diễn, câu lạc bộ được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang phục, đạo cụ khá bài bản để hoạt động. Đây là động lực để anh chị em chuyên tâm hoạt động, đầu tư những chương trình, tiết mục hay phục vụ đời sống tình thần của bà con trong và ngoài xã.

Ông Hồ Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Duy Tân khằng định: “Sự hình thành và phát triển câu lạc bộ hát dân ca bài chòi xã Duy Tân hơn 20 năm qua đã mang đến đời sống tinh thần quý giá cho bà con quê xứ.

Đồng thời lời hô, tiếng hát của họ đã góp phần đắc lực trong công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng và cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của địa phương…”.

ĐẶNG TRƯƠNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/nhung-nghe-si-lang-129931.html