Những nghi lễ cần thực hiện trước ngày 30 Tết

Ngoài lễ tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt còn thực hiện một số nghi lễ từ rằm tháng Chạp cho tới trước đêm 30 Tết.

Tảo mộ là tập tục không thể bỏ qua của người Việt trước ngày 30 Tết. Ảnh minh họa.

Tảo mộ là tập tục không thể bỏ qua của người Việt trước ngày 30 Tết. Ảnh minh họa.

Theo ghi chép ở một số cuốn sách về văn hóa, tín ngưỡng người Việt có bàn luận tới những lễ thức được thực hiện dịp cuối năm. Ngoài lễ tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt còn thực hiện một số nghi lễ từ rằm tháng Chạp cho tới trước đêm 30 Tết.

Trong đó, lễ tiễn thần phật thường được thực hiện vào ngày 25 tháng Chạp, để tiễn thần, Phật đi chầu trời. Lễ này đánh dấu bằng việc vào ngày 25 tháng Chạp, các vị hương chức làm lễ sửa con dấu, ấn, sau đó bỏ vào hộp niêm kín (lễ Niêm ấn hoặc Sắp ấn). Mọi công việc hành chính, xử phạt từ ngày này đến ngày mùng 7 tháng Giêng đều không được tiến hành.

Trong cuốn “Khảo luận về Tết” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chỉ rõ: Trong lễ này, hương chức sẽ dựng nêu ở đầu làng, dân chúng dựng nêu sau ngày đó, không ai được dựng nêu tại nhà mình trước ngày lễ. Do vậy, lễ này còn được gọi là lễ Dựng nêu. Đến 30 tháng Chạp, làng lại làm lễ rước thần về ăn Tết, thần tái nhận công việc bảo hộ cộng đồng trong năm mới.

Ngày 25 tháng Chạp cũng là ngày các tín đồ Phật giáo làm lễ tiễn Phật về chầu trời. Sau khi cúng lễ (lễ vật chay gồm nhang, đèn, trà, quả) là thời gian chư Phật, Bồ Tát đã về cõi thương, nên mọi người tranh thủ lau rửa bàn thờ, giặt giũ màn trướng ở ban thờ Phật, tắm tượng Phật.

Một lễ thức phổ biến dịp cuối năm trong các gia đình Việt là sửa soạn mâm cơm tất niên và làm lễ tảo mộ. Theo TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bữa cơm tất niên chính là thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt. Trước khi quây quần bên bữa cơm cuối cùng của năm cũ, các gia đình cần đi tảo mộ, để mời ông bà, người đã khuất về đón năm mới cùng cháu con.

“Mỗi tục lệ đều xuất phát từ nhu cầu của người dân. Tại sao lại có chiều 30 Tết và có mâm cơm để cúng chiều 30? Bởi nó có chức năng là mâm cơm sum họp của người sống và giữa người sống với người đã khuất. Vì vậy, trước khi làm mâm cơm này, các gia đình thường đi tảo mộ để mời ông bà về. Tảo mộ trước tết là tục lệ chỉ có cư dân phương Nam, người Việt chúng ta mới có, còn phương Bắc thường đi tảo mộ vào ngày Tết thanh minh (sau tết)” - TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Theo TS Sơn, thời gian đi tảo mộ của người Việt thường từ ngày 23 tháng chạp đến 30 Tết, trước thời điểm làm bữa cơm cúng tất niên.

Thời điểm tốt nhất trong ngày là chọn lúc tạnh ráo, ấm áp. Không nên đi tảo mộ quá sớm, lúc sương đêm chưa tan, hoặc chiều tối trời về đêm âm khí nặng nề không có lợi cho sức khỏe.

Khi thời tiết mưa gió, sấm chớp thì không nên tảo mộ. Khi đi, nếu ở nông thôn người dân thường mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc chùm lên mộ. Chú ý không nên trồng những cây có rễ sâu trên phần mộ, rễ có thể sẽ ăn sâu và chọc vào phần hài cốt làm ảnh hưởng xấu đến vấn đề tâm linh.

Khi dọn dẹp xong xuôi, con cháu sẽ thắp hương và đặt hoa lên phần mộ, khấn để mời người đã khuất về gia đình ăn Tết.

TS Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh, mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và rất thiêng liêng. Mâm cơm này thậm chí còn được chuẩn bị cầu kỳ hơn cả ngày Tết. Có những món gì ngon, người dân đều bày biện để dâng lên tổ tiên. Trong đó có đồng bánh chưng, bát canh măng hoặc canh mọc, miến, đĩa nem, giò…

Đỗ Quyên

Tổng hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/nhung-nghi-le-can-thuc-hien-truoc-ngay-30-tet-1373637.tpo