Những nghịch lý thân phận đời người

Đối với nhà văn Cao Thanh Mai, Đất và người miền sông nước Tây Nam bộ vẫn luôn gợi những khám phá bất tận.

Đất và người miền sông nước Tây Nam Bộ vẫn luôn gợi những khám phá bất tận. Đặc biệt là cuộc sống phong phú nhưng còn nhiều bí ẩn của người dân miệt vườn này là cảm hứng sáng tạo không ngừng của các nhà văn…

Trong số đó có một nhà văn nữ mang quân hàm Thượng tá Quân đội nhân dân, nhà văn Cao Thanh Mai, Hội Nhà văn TP Cần Thơ, đã thử giải mã nhiều thân phận đời của những người phụ nữ Nam bộ trong chiến tranh và hậu chiến qua bô ba tập truyện ngắn và tạp văn, mà ngay tên gọi đã hình dung ra sự nghịch lý: “Trầu không xanh lá”- NXB Hội Nhà văn, “Chim cánh cụt biết bay”- NXB Văn học, “Biển về bên sông”- NXB Hội Nhà văn.

Nhà văn Cao Thanh Mai

Nhà văn Cao Thanh Mai

Có lẽ bản thân tác giả đã sinh ra và lớn lên trong thời đan bom khói lửa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ba là bộ đội kháng Pháp, không đi tập kết mà ở lại xây dựng cơ sở nguồn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi bị chính quyền Sài Gòn cũ bắt đày đi Côn Đảo…

Bản thân chị ngay từ nhỏ đã cùng mẹ, chị tham gia hoạt động cách mạng, vào sinh ra tử bao phen, chứng kiến những hy sinh mất mát người thân, chòm xóm, của những người lính giải phóng quân trong những lúc khốc liệt nhất. Và cũng chị, khi hòa bình, sau khi tốt nghiệp đại học, gia nhập quân ngũ, trong công việc chị có điều kiện đi nhiều nơi ở khắp miền quê Tây Nam bộ, tiếp xúc, được nghe, được thấy nhiều thân phận đời…

Và một phần của những thân phận đó được chị mã hóa thành những câu chuyện trên trang viết đầy cảm xúc, trong đó phần lớn nhân vật của chị là phụ nữ, những người phụ nữ Nam bộ thủy chung son sắt, cần cù chịu thương chịu khó, kiên trung mà dịu dàng, mạnh mẽ mà lại thấm đẫm yêu thương, biết chịu đựng nhẫn nhịn, biết hy sinh vì chồng vì con, nhưng cũng rất “rắn” khi đầu tranh với các thói hư tật xấu…

Là bao nhiêu cuộc đời thương khó trong chiến tranh, là hạnh phúc chen vào nhiều cay đắng xót xa thời hậu chiến, là sự quẫy đạp không chấp nhận sự vùi dập tủi nhục để vươn lên vượt qua số phận, thành những phụ nữ thành đạt kiêu hãnh với đời…

14 truyện ngắn trong “Trầu không xanh lá”: “Trầu không xanh lá”, “Đường xa vạn dặm”, “Không có trong kịch bản”, “Tiếng đàn đêm”, “Con chó hoang”, “Bình minh không anh”, “Chiếc cầu hạnh phúc”, “Đò đầy”, “Bão lòng”, “Nợ ân tình”, “Sóng vỗ đôi bờ”, “Đứa con rơi”, “Ở trọ trần gian”, “Về miền xa lắc”. Là 14 câu chuyện số phận nhiều đắng ngọt.

Các tác phẩm của nhà văn Cao Thanh Mai

Từ câu chuyện thủy chung một đời người phụ nữ quyết chờ chồng đi tập kết về, tưởng như hòa bình họ gặp nhau, trùng phùng trong duyên thắm trầu xanh, thì đắng đót đến nao lòng, sự thủy chung chỉ một phía, “trầu không xanh lá”, héo rũ trong tận sâu thẳm trái tim.

Đến những câu chuyện hậu chiến dang dở bao mối tình, mà phần thiệt về người phụ nữ, phần thương khó cũng về người phụ nữ, thảng hoặc có chút chạnh lòng về người đàn ông, thì lại cũng là từ trái tim nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi ngang trái vì người đàn ông mình yêu thương…, trong một loạt truyện ngắn trong “Trầu không xanh lá”.

Đặc biệt trong cuốn này là tự truyện “Về miền xa lắc”, kể lại chính câu chuyện của gia đình và bản thân tác giả. Một câu chuyện tưởng như bao câu chuyện của nhiều gia đình khác thời chiến tranh, nhưng tác giả đã cài vào đó một trích đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và dân miền Tây Nam bộ.

Có thể thấy thông qua gia đình tác giả Cao Thanh Mai, là tiêu biểu cho người dân Nam bộ đã vượt qua những gian khổ tàn khốc trong chiến tranh, gần như quá ngưỡng chịu đựng của con người, sẵn sàng hy sinh để trụ vững trong niềm tin một ngày hòa bình thống nhất đất nước.

13 truyện ngắn : “Chim cánh cụt biết bay”, “Đèn nhà bên thì sáng”, “Đi biển một mình”, “Biển về bên sông”, “Trôi theo dòng đời”, “Bóng hào quang”, “Dì Tím”, “Năm đề huề”, “Ngày của yêu thương”, “Cội nguồn”, “Người đàn bà ngược nắng”, “Bến lở”, “Vũ điệu cá cà ràng”, trong tập truyện “Chim cánh cụt biết bay”.

Là những câu truyện nghịch lý số phận của có cay có ngọt, có đắng có bùi, có gian trá có thiện lương, có lao tâm khổ tứ, có đồng cam cộng khổ, để “hết mưa lại nằng”, để trong đắng có ngọt, khổ tận cam lai… Là sự vùng lên mạnh mẽ, dù chỉ trong suy nghĩ, không cam chịu đầu hàng số phận..

Đặc biệt trong cuốn này, có thể thấy rất rõ quan điểm của tác giả, luôn đứng về phía những thân phận phụ nữ nghèo nhiều thiệt thòi cay đắng ở miền quê Nam bộ. Qua những câu chuyện chuyển thông điệp bình đẳng giới, cũng như khích lệ người phụ nữ làm chủ số phận mình, biết dũng cảm đương đầu nghịch cảnh, để tìm hạnh phúc cho chính mình.

Cũng như qua tập truyện “Chim cánh cụt biết bay”, người đọc có thể cảm nhận không khí của làng quê miền Tây Nam bộ, không chỉ những cảnh đẹp thiên nhiên sông nước hữu tình, lãng mạn, mà còn là những nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ được xen vào những câu chuyện, từ lễ hội đến phong tục tập quán, từ những giai điệu đờn ca tài tử đến những nét ẩm thực độc đáo mang phong vị từ thời khẩn hoang…

Tập thứ ba trong bộ ba này “Biển về bên sông”, ngoài 6 truyện ngắn: “Biển về bên sông”, “Cái cơi đựng trầu”, “Ngoảnh lại là người dưng”, “Nước mắt quanh mi”, “Lá rụng về đâu”, “Vì đâu nên nỗi”, còn 25 tạp bút như những khoảnh khắc tâm tình trải lòng với bạn đọc.

6 câu chuyện trong tập này là 6 bài học về hạnh phúc gia đình, rất nhẹ nhàng mà sâu sắc, cho bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh đó cũng có thể tìm cho mình câu trả lời xác đáng nhất, để thấy giá trị hạnh phúc gia đình một khi không còn được trân trọng, gìn giữ…

Ấn tượng hơn, là 25 tạp bút, trong đó tác giả Cao Thanh Mai đã gừi gắm nhiều điều, những quan sát rất tinh tế chi tiết tỉ mỉ cuộc sống diễn ra xung quanh mình với nhiều nhân vật từ hàng xóm đến người thân, từ các bạn bè đến cả người đã khuất, rồi gia đình con cái…, đến các đồng đội quân ngũ, đều thấy thấm đẫm tình cảm yêu thương, chia sẻ, đồng cảm đầy nhân văn.

“Đi tìm quê cho ba” là một tạp bút mang tính bút ký nhiều cảm xúc, ghi chép lại hành trình ra phương Bắc tìm về quê nội, một miền quê xa lắc chỉ trong câu nói của ba, mà cũng từ ông nội nói cho ba… Một cô gái miền Tây Nam bộ, lần đầu ra Bắc và đi đến một miền quê xa lạ, gặp bao nhiêu người tưởng chừng rất lạ, để rồi được hòa vào tình thân dòng tộc, được nối ân tình quê hương ấm áp, như “lá rụng về cội”…

Ba tập truyện của nhà văn Cao Thanh Mai có thể xem như một phác thảo cuộc sống miền quê Nam bộ trải dài qua mấy chục năm, từ thời chiến tranh đến hòa bình, từ hòa bình cho tới thời đương đại hôm nay. Tác giả sinh trưởng ở miền Tây Nam bộ, là nhà văn nữ, nên dù là một quân nhân, nhưng “văn” của chị thấm đẫm giọng điệu Nam bộ, không có những câu chữ phức tạp, uyển ngữ hay nhiều tính từ, mà rất chân phương, gần gũi.

Cái cách chị viết những câu chuyện, cảm giác như đang nghe một giọng nữ Nam bô dịu dàng rủ rỉ rù rì kể, để rồi lắng nghe và cảm nhận, rồi thổn thức theo từng số phận trong câu chuyện của chị. Và có lẽ thế mà người đọc như cùng chị chia sẻ, đồng cảm với những số phận đời trong đó.

Không biết có phải chị có trái tim nhân hậu của một phụ nữ từng đi qua chiến tranh, tận mắt chứng kiến nhiều hy sinh mất mát, trực tiếp trải nghiệm bao khổ cực, từng đối diện cái chết, nên cái nhìn của chị vào cuộc đời rất nhân văn, không quá cứng nhắc, một chiều. Chị không cho nhân vật của chị quá xấu, cũng như không để nhân vật rơi vào thế cùng quẫn không lối thoát.

Các nhân vật trong truyện của chị, người xấu chị cũng cố tìm ra một chút thiện lương phục thiện ở họ, người tưởng chừng rớt xuống đáy của đau khổ, chị vẫn nương nhẹ vực họ lên, cho họ một niềm tin để vượt qua. Ngay cả những câu chuyện tưởng chừng chị đang cho nhân vật hả hê vì đã trả thù được đối tượng, thì chị vẫn cho họ “dừng” để thấy mọi thứ đó là phù du, tình người mới là bền lâu…

Cho dù có vẻ nghịch lý lắm, “Trầu không xanh lá”, “Chim cánh cụt biết bay”, Biển về bên sông”, bởi trong truyện của nhà văn Cao Thanh Mai, nhiều người tốt mà ít hạnh phúc, ít may mắn, nhiều kẻ xấu lại có vẻ thung dung…, như bức tranh gam buồn làng quê, nhưng cái kết cục thì bao giờ cũng rất “sáng”, để thấy nghịch cảnh không bao giờ khuất phục được con người Nam bộ.

Và đó cũng là sự thú vị để đọc hết ba tập truyện của nhà văn Cao Thanh Mai./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-nghich-ly-than-phan-doi-nguoi-914309.vov