Những ngôi chùa ghi dấu cách mạng

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều ngôi chùa trong tỉnh đã trở thành nơi đùm bọc, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Những ngôi chùa này trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng của quân và dân Thanh Hóa, ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các phật tử dọn dẹp, làm đẹp cảnh quan môi trường tại chùa Vĩnh Thái, xã Hoàng Giang (Nông Cống). Ảnh: Lê Hà

Về với Khu di tích lịch sử cách mạng chùa Vĩnh Thái, xã Hoàng Giang (Nông Cống), chúng tôi được Đại đức Thích Nguyên Hối, trụ trì chùa cho biết: “Thời kỳ cách mạng 1930-1945, chùa Vĩnh Thái là cơ sở cách mạng của hai huyện Nông Cống, Thọ Xuân, là nơi liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ. Chùa Vĩnh Thái trở thành cơ sở cách mạng gắn liền một nhân vật mà dân trong vùng ai cũng biết đó là cụ Nguyễn Thị Hòe – mẹ của Giáo sư Đào Duy Anh. Cụ Hòe vốn dòng dõi Tôn thất, bà đông con, các con của bà tham gia hoạt động cách mạng ở nhiều nơi trong nước. Khi các con hoạt động xa nhà, bà bán nhà ở hẳn trong chùa Vĩnh Thái. Mỗi lần về thăm mẹ ở chùa, các con của cụ Hòe đã kết hợp truyền bá tư tưởng cách mạng cho một số thanh niên có tư tưởng tiến bộ trong vùng. Từ đó, chùa Vĩnh Thái trở thành địa điểm liên lạc, lui tới của các chiến sĩ cách mạng ở địa phương, kể cả miền Trung và đặc biệt là từ năm 1939 đến 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đến chùa Vĩnh Thái để làm việc với các chiến sĩ cách mạng ở Thanh Hóa. Ngoài ra, chùa Vĩnh Thái còn là nơi hoạt động của nhiều chiến sĩ cách mạng yêu nước, trong đó có nhà thơ Tố Hữu”.

Trong cuốn lịch sử của chùa Vĩnh Thái có những nét bút xưa, hình ảnh đen trắng của nhiều nhân chứng là cán bộ, chiến sĩ, lão thành cách mạng, cán bộ xã qua các thời kỳ lưu bút được nhà chùa in, đóng thành sách rất cẩn thận. Trong đó có thư của đồng chí Nguyễn Văn Linh, viết: “Năm 1939, tôi được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phân công về miền Trung xây dựng lại Xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian này, từ 1939 đến 1941, tôi hoạt động ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, gặp gỡ các đồng chí cách mạng tại địa phương và có đến chùa Vĩnh Thái gặp gỡ và làm việc với các đồng chí ở Thanh Hóa. Chùa Vĩnh Thái đúng là nơi liên lạc của các đồng chí cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ...”.

Năm 2019, chùa Vĩnh Thái được đầu tư tôn tạo khang trang nhiều hạng mục, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Phát huy truyền thống yêu nước, thương dân, nhiều năm qua ban trụ trì chùa Vĩnh Thái đã chung tay thực hiện tốt các hoạt động từ thiện, từ năm 2014 đến nay, chùa Vĩnh Thái duy trì mỗi năm phát gạo cho 60 hộ, mỗi hộ 10 kg gạo, tặng 150 suất quà cho các đối tượng nhân ngày lễ, tết... Trong đợt hưởng ứng kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, chùa Vĩnh Thái vận động quyên góp 15 triệu đồng hỗ trợ thực hiện phòng, chống dịch...

Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chùa Mật Đa (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, cấp cứu và nuôi dưỡng bộ đội. Suốt nhiều năm máy bay Mỹ ném bom, đánh phá cầu Hàm Rồng, Ni sư Thích Đàm Xuân, trụ trì chùa và các tăng ni, phật tử đã dành trọn tình thương, lòng nhiệt tình chăm sóc thương, bệnh binh ngay tại chùa. Sư cho dỡ nhà làm hầm trú ẩn cho bộ đội, tháo cánh cửa chùa làm cáng cứu thương và cùng với bà con làng Nam Ngạn nấu cơm, nấu nước, chặt dừa của chùa mang tiếp tế ra trận địa cho bộ đội, lấy lá dừa làm ngụy trang... Từ sư trụ trì đến các chú tiểu trong chùa đều tất bật, căng mình băng bó, vận chuyển thương binh, xé cả màn để băng bó vết thương, cứu chữa được rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong... Năm tháng qua đi, dù đã viên tịch nhưng những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của trụ trì Thích Đàm Xuân vẫn mãi lắng đọng trong tâm trí bao người về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm để lại tiếng thơm cho đời.

Nếu ai đã từng dừng chân nơi chùa Ngọc Đới (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc) thắp nén tâm nhang, đều không khỏi ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nơi đây. Không chỉ được biết đến là một trong những ngôi chùa gìn giữ gần như nguyên vẹn tính cổ, mang nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc và in đậm dấu ấn lịch sử được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, do Vua Trần Nhân tông đích thân sắc phong, mà trong suốt quá trình hình thành và phát triển, các tăng ni, phật tử chùa Ngọc Đới còn tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Ngọc Đới là trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân Ba Đình trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp. Năm 1937, thời kỳ nhà sư Thích Đàm Lan trụ trì, chùa Ngọc Đới đã có công nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng về hoạt động bí mật. Trong đó có một số nhân vật tiêu biểu như Lê Tất Đắc, Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trần Quang Tịch – Trưởng ban Khởi nghĩa Tháng Tám huyện Hậu Lộc và nhiều đồng chí khác... Dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng chùa Ngọc Đới vẫn giữ được những nét đẹp vốn có về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cùng lịch sử đáng tự hào. Năm 2001, chùa đón Bằng có công với nước do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đây là một vinh dự mà không phải ngôi chùa nào cũng có được.

Những ngôi chùa ghi dấu cách mạng hôm nay là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân thập phương về chiêm bái. Cùng với việc tham gia xây dựng nhà tình nghĩa và thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác, như: Ủng hộ người nghèo, tri ân thương binh, liệt sĩ... một số chùa cũng đã và đang cưu mang nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền. Các thế hệ sư trụ trì đều là những người sống tốt đời, đẹp đạo, được Nhân dân trong vùng tin tưởng, yêu mến.

Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/90-nam-dang-bo-tinh/nhung-ngoi-chua-ghi-dau-cach-mang/121458.htm